'Bêu' người vi phạm giao thông lên báo: Tranh cãi nảy lửa

Thời sựThứ Tư, 25/12/2013 07:09:00 +07:00

(VTC News)- Việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo theo đề xuất của Bộ Công an đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

(VTC News) - Việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo theo đề xuất mới đây của Bộ Công an đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, không ít người cho rằng tốn tiền, không hiệu quả.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/TT-BCA về việc thông báo người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông. Phạm vi chịu điều chỉnh của dự thảo bao gồm cả trên đường bộ, đường thuỷ và đường sắt.

Theo bạn việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo:

  • Nên
  • Không nên
  • Quy định không hợp lý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Điểm sửa đổi nổi bật là sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh địa phương).

Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng với các trường hợp bị tước giấy phép lái xe (các lỗi gây tai nạn do dừng xe không đúng nơi quy định, mở cửa gây tai nạn, không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, chạy quá tốc độ trên 35km/h...); trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ...
Nêu tên người vi phạm giao thông lên báo: Có khả thi?
 CSGT xử lý người vi phạm
Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân. Nhiều người dân đồng tình với đề xuất đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí và xem đây là một biện pháp để răn đe những người vi phạm. 
Độc giả Minh Phước chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc đưa người vi phạm giao thông lên báo, bởi Việt Nam bây giờ tình hình giao thông quá phức tạp, đưa tên người vi phạm giao thông lên báo sẽ giúp họ nhìn nhận lại ý thức tham gia giao thông của mình".

Cùng quan điểm ủng hộ, độc giả Phan Thái cho rằng: "Không phải đề xuất, cứ đưa lên báo. Sợ bị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự thì đừng vi phạm, thế thôi. Chúng ta nên hiểu đó là những người vi phạm pháp luật chứ chẳng đàng hoàng với danh dự gì!"

"Tôi hoàn toàn nhất trí, kể cả các nước tiên tiến họ cũng áp dụng biện pháp này. Cán bộ công nhân viên nhà nước và nhiều người có vị trí trong xã hội vẫn vi phạm luật giao thông, họ là thành phần chính trong những giờ cao điểm", độc giả Hoàng Thanh đồng ý với đề xuất trên.

"Tôi đồng tình với hình thức đăng tên lên báo, cuối tuần nên đọc lên loa truyền thanh ở địa phương. Nếu cần thiết có thể lắp đặt camera để có bằng chứng vi phạm. Tôi cũng phát ớn với thái độ, ý thức của người tham gia giao thông hiện nay lắm rồi. Tuy nhiên cần thực hiện một cách nghiêm túc, thẳng thắn, để không còn cảnh xin xỏ, nhờ cậy để không bị nêu tên", độc giả Hiếu Hoàng bức xúc.

"Nên chọn lọc những trường hợp vi phạm như thế nào mới đưa lên mặt báo. Ví dụ những lỗi nghiêm trọng sẽ phải đưa lên báo để răn đe. Tôi nghĩ nên đăng cả hình ảnh nữa, như vậy mới đủ sức thuyết phục", độc giả Phương Hà "hiến kế".

"Nêu tên người vi phạm là đúng. Nhưng theo tôi, trước hết phải tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn, để nâng hiểu biết về pháp luật cho người dân, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm luật giao thông", một độc giả ủng hộ đề xuất của Bộ công an.

Tốn tiền của, không hiệu quả

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một bộ phận người dân tại không đồng tình với đề xuất đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí, truyền hình. 
Nhiều độc giả đã liệt kê những lý do để chứng minh rằng đề xuất này không khả thi. Cụ thể, người vi phạm giao thông mỗi ngày trên cả nước rất nhiều, không thể tất cả đều nêu tên lên báo chí truyền hình được. Hơn nữa, đăng tên, tuổi mà không kèm hình ảnh thì cũng chưa đủ tác dụng răn đe...

Anh Nguyễn Mạnh Trường nói: "Theo tôi, biện pháp này vẫn chưa nâng cao được sự nhận thức về an toàn giao thông trong nhân dân. Nếu được, ngoài việc xử phạt phạt hành chính, tại sao chúng ta không bắt người vi phạm ATGT phải lao động công ích tại nơi thường trú 3 ngày hay nhiều hơn tùy theo mức độ vi phạm đồng thời cử giáo viên dạy lại lý thuyết về ATGT cho người vi phạm trong những ngày lao động công ích tại địa phương".

Không ủng hộ đề xuất nêu tên người vi phạm giao thông lên báo, độc giả Mạnh Quân chia sẻ: "Mỗi ngày có hàng trăm người vi phạm giao thông, không ai có đủ thời gian để ngồi đọc danh sách người vi phạm đăng trên báo. Hơn nữa, không phải ai bị nêu tên lên báo cũng theo dõi và biết mình bị như vậy".

Độc giả Tiến Dũng quả quyết: "Phương án trên không khả thi và sẽ tạo nên nhiều phiền phức trong cuộc sống. Theo tôi Bộ Công an cứ làm đúng pháp luật và phạt thật nghiêm người vi phạm là đủ rồi".

Hàng loạt ý kiến cho rằng, người vi phạm giao thông sẽ không sợ xấu hổ hay ảnh hưởng đến danh dự khi bị nêu tên lên báo. "Những người có ý thức thì không cần lên báo (bởi có lỡ hay vô tình vi phạm mà bị công an phạt đã đủ xấu hổ và đủ răn đe đối với họ... Còn những kẻ ý thức kém thì đối với họ chẳng là gì cả. Như vậy với việc đăng danh sách những người vi phạm giao lên báo không mang lại điều gì cả,chỉ tốn tiền và công sức mà thôi", anh Đặng Tân nói.

"Chờ đợi sự xấu hổ của người vi phạm giao thông để lần sau không tái phạm nữa, tôi nghĩ đó là điều mơ hồ. Văn hóa tham gia giao thông đều từ ý thức mỗi người dân, không phải từ một lần bị nêu tên, rồi thấy xấu hổ mà chờ đợi họ thay đổi hành vi", chị Minh Nguyệt (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng về tính khả thi của đề xuất này, khi đặt câu hỏi cơ quan báo chí nào sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm nêu tên người vi phạm giao thông. Cách thực hiện như thế nào cho hợp lý khi các thông tin về người vi phạm xuất hiện trên báo chí? Bởi, mong muốn của người dân là tìm hiểu những thông tin hữu ích từ báo chí, còn việc lên báo để đọc tên người vi phạm giao thông là không cần thiết.

"Điều quan trọng là ai đủ thời gian để xem danh sách hàng trăm, hàng nghìn người vi phạm giao thông mỗi ngày. Nên đề xuất đưa tên người vi phạm giao thông lên báo hoàn toàn không khả thi", một độc giả gửi ý kiến trước đề xuất này.

Ngoài ra, nhiều người dân cho rằng, nêu tên người vi phạm luật giao thông lên báo là xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Theo bạn việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo:

  • Nên
  • Không nên
  • Quy định không hợp lý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Hà Minh

Bình luận
vtcnews.vn