Chống tham nhũng: Phải bình tĩnh, sáng suốt

Thời sựThứ Bảy, 07/12/2013 08:54:00 +07:00

Đề cập vấn nạn tham nhũng, Tổng Bí thư nói: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ, bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ nên chúng ta phải sáng suốt".

Đề cập vấn nạn tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ, bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ nên chúng ta phải xem xét, tỉnh táo, sáng suốt..."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 7/12 khi cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phản ánh hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành y tế thời gian qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 7/12.
(Ảnh: Nguyễn Dũng) 
Chờ đợi Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn mà không thấy
Đề cập đến quốc nạn tham nhũng, cử tri Nông Quang Lộc, phường Hàng Mã cho rằng, vấn nạn này chưa được đẩy lùi, thậm chí còn hoạt động tinh vi hơn. Các Tổng công ty, tập đoàn nhà nước đâu đâu cũng có thể xuất hiện tham nhũng.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, khi lần đầu tiên xét xử về tham nhũng đã có án tử hình, song ông Lộc đề nghị các cơ quan về phòng chống tham nhũng cần hoạt động quyết liệt hơn nữa, và cần thu hồi lại số tiền đã bị tham nhũng để ngăn ngừa tình trạng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Coi lãng phí còn nguy hiểm hơn tham nhũng, nhiều cử tri Hoàn Kiếm cho rằng, người dân đang rất bức xúc trước thực trạng chi tiêu công lãng phí. Lãng phí xảy ra không ai chịu trách nhiệm nên cứ mặc sức chi tiêu. Cử tri đề nghị cần phải có chế tài xử lý người đứng đầu.
“Lãng phí như cháy nhà không thể thu lại được cái đã mất đi. Lãng phí thất thoát trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đào lên rồi lấp xuống. Ngành này dẫm đạp lên ngành kia gây thất thoát lớn. Có công nhân nói với tôi rằng, nếu chúng con không đào đường lên thì không có lương” - cử tri Nguyễn Sang, phường Hàng Bông phản ánh.
Cử tri Trần Ngân Hoa, phường Hàng Buồm thì phản ánh tình trạng người dân, đặc biệt với những người vợ, người mẹ đang hết sức hoang mang sau một số vụ việc đau lòng xảy ra đối với ngành y tế trong thời gian qua.
Trước hàng loạt vụ việc xảy ra từ sản phụ tử vong sau quá trình sinh nở đến tử vong sau khi tiêm vacxin, rồi vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường… Cử tri đề nghị cần chỉ đạo ngành y tế tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là nguồn gốc vacxin và việc tiêm phòng cũng như sinh nở.
Với hàng loạt vụ việc gây bức xúc dư luận, cử tri Nguyễn Trường Kỳ, phường Trần Hưng Đạo cho biết, lẽ ra Bộ trưởng Bộ Y tế phải đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, cử tri rất chờ đợi nhưng lại không có.
“Y tế trong nhiều năm đã cố gắng, tuy nhiên còn nhiều vấn đề làm cho dư luận không đồng tình, thậm chí còn rất hoang mang, lo lắng. Tiêm chủng cho trẻ em gây chết người, nhân bản xét nghiệm, rồi vụ thẩm mỹ viện Cát Tường… ở đâu cũng thấy tiền. Đi cấp cứu phải nộp tiền trước mới được cấp cứu. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Xã hội hóa y tế là cần thiết, nhưng thương mại hóa về y tế là không được” – ông Kỳ nói.
Nói về trách nhiệm, ông Kỳ dẫn dụ vụ Cát Tường, Bộ đổ trách nhiệm cho Sở, Sở đổ cho quận, rồi quận lại nói phường. Ông đề nghị cần cấp phép hành nghề trong lĩnh vực y tế, khi có sự cố xảy ra người cấp phép phải chịu trách nhiệm.
"Tất cả cũng do đồng tiền"

Liên quan đến vấn đề y tế, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với ngành y tế vì liên tiếp những vụ việc đau lòng đã xảy ra.
“Cũng khổ cho Bộ trưởng Kim Tiến thật. Mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Nhưng cũng có nhiều việc nằm ngoài cái mình tính toán. Toàn những việc rất đau đầu, không đáng có. Tất cả cũng do đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Đồng tiền trà đạp xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ. Cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay. Nó thành cái nếp rất khó chịu”– Tổng Bí thư nói.
Về vấn đề tham nhũng, lãng phí gây nhức nhối lớn, theo Tổng bí thư, tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. Ngay thời bao cấp ngày xưa đã có như làm nhỏ ăn nhỏ, làm to ăn to, cầm ô thì phải mát cán, nhất thân nhì quen… 
“Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ. Cho nên chúng ta phải xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo sáng suốt. Tham nhũng đúng như các bác nói phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, làm nghiêm hơn chứ không thể để xử lâu, xử nhẹ, án treo nhiều”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác xét xử tham nhũng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã và đang được đưa ra xét xử. Ngăn ngừa tham nhũng tốt nhất là phòng ngừa đừng để nó xảy ra. Nhưng nếu nó xảy ra phải kiên quyết xử lý để răn đe.
“Lâu nay "phòng” chúng ta cũng yếu, “chống” cũng chưa quyết liệt. Khâu điều tra, khâu giám định tham nhũng dễ có tiêu cực, án treo cũng nhiều. Nhưng vừa rồi các bác thấy làm có nhanh hơn, mạnh hơn, nghiêm hơn không?” – Tổng Bí thư nói.
Cũng theo Tổng Bí thư, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vừa hoạt động được gần 1 năm, và tháng 12 này sẽ họp kiểm điểm. Nhưng tinh thần là: “Nói vừa vừa thôi. Nói nhiều mà không làm được sẽ mất uy tín”.
Sau khi thành lập 7 đoàn thanh tra, cơ quan phòng chống tham nhũng còn phát hiện thêm một số vụ mới. Nhiều vụ án việc điều tra vô cùng phức tạp như vụ “Bầu” Kiên, Dương Chí Dũng. Song Tổng Bí thư khẳng định trong năm nay sẽ xét xử hai vụ án này. Ngoài 8 vụ án còn lại, sang năm sẽ tiếp tục xét xử hơn chục vụ án lớn khác.
Đặc biệt công tác xét xử án tham nhũng trước nay hầu như không có án từ hình, nhưng mới đây khi xét xử vụ án Ngân hàng Nông nghiệp đã có đến 2 án tử hình. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sắp tới nếu một số vụ xét xử đúng khung hình phạt thì có thể sẽ còn có những án tử hình.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn