Dự án trọng điểm ‘lụt’ tiến độ: Thứ trưởng Giao thông nói gì?

Thời sựThứ Sáu, 15/11/2013 07:02:00 +07:00

(VTC News) – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường lý giải nguyên nhân khiến các dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ.

(VTC News) – “Ở nước ngoài có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư tiến hành thi công, nhưng ở Việt Nam vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nói.

Hiện đang có 19 dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư, một số công trình đang ở trong tình trạng báo động khi phải đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng.

Lý giải về thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Ở nước ngoài có các mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư tiến hành thi công từ đầu đến cuối. Nhưng đặc điểm của Việt Nam là chúng ta vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công”.

Một số công trình đang ở trong tình trạng báo động khi phải đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng (Ảnh: Internet)
Một số công trình đang ở trong tình trạng báo động khi phải đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng (Ảnh: Internet) 
Trong khi đó, ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội cho rằng nguyên nhân dẫn tới các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng là do vấn đề tái định cư, việc tổ chức thực hiện các kết cấu hạ tầng, di chuyển, hoàn trả các hạ tầng kỹ thuật trong mặt bằng.

“Ngoài ra còn do những vấn đề về chỉ giới, về cắm mốc, bàn giao lại cho địa phương để tổ chức thực hiện lại trong công tác giải phóng mặt bằng và cách xử lý các nguồn vốn”, ông Thiều nhấn mạnh.

Nói về năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu, Thứ trưởng Trường thừa nhận: “Cùng một lúc phải giải quyết rất nhiều dự án lớn, nên Bộ đã thành lập các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện các dự án ở nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, các dự án của Bộ GTVT không có hiện tượng thành lập quá nhiều ban quản lý mà chỉ thành lập ban quản lý dự án ở 2 cấp. Cấp trực tiếp do Bộ quản lý và cấp do các Cục quản lý.

Chúng tôi cho rằng cần thành lập các Ban quản lý dự án đầu tư chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư hiện nay”.

Khu tái định cư phải thích hợp

 

Chúng tôi đã tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường
 
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh: “Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đưa ra chính sách đền bù, giải phóng một cách thấu đáo.


Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ”.

Còn theo ông Thiều, chúng ta phải lựa chọn khu tái định cư thích hợp.

“Khu tái định cư phải làm trước một bước, nhưng trên thực tế thời gian lên phương án xác định số lượng hộ dân phải di chuyển, xác định vị trí tái định cư, triển khai các quy trình xây dựng khu tái định cư thường chậm.

Mặt khác, khu tái định cư của chúng ta lựa chọn vẫn có thể chưa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân như: Xa vị trí họ đang ở, không thuận lợi cho quá trình tổ chức cuộc sống sau này.

Vấn đề nữa tôi muốn trao đổi là xử lý linh hoạt các nguồn vốn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ở đây nguồn vốn trong giải phóng mặt bằng được lập vào tổng mức đầu tư trong dự án. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư đó thường chưa chính xác. Thêm nữa, khi người dân đồng thuận thì có lúc nguồn vốn có nhưng chúng ta chưa giải ngân được.

Ngay thành phố Hà Nội, những dự án trọng điểm của Thành phố cũng phải xử lý linh hoạt, điều hòa nguồn vốn để khi có yêu cầu về vốn giải phóng mặt bằng phải có ngay, chuyển tiền cho dân để dân ổn định lại cuộc sống”, ông Thiều phân tích.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn