Giật mình lương tối thiểu thành... lương tối đa

Thời sựThứ Năm, 19/09/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Giá cả không ngừng leo thang, 20% công nhân đang phải nhịn 1 bữa/ngày,trong khi doanh nghiệp cố tình "nhầm lẫn", biến lương tối thiểu thành tối đa

(VTC News) – Giá cả không ngừng leo thang, 20% công nhân đang phải nhịn 1 bữa/ngày, trong khi đó nhiều doanh nghiệp cố tình "nhầm lẫn", biến lương tối thiểu thành tối đa...

Liên quan tới lộ trình tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với người lao động tại khối doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với phóng viên VTC News.

- Có nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người lao động về mức lương tối thiểu hay không, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong – Phó ban tuyên truyền lý luận của Báo Nhân dân (Ảnh: Internet)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong – Phó ban tuyên truyền lý luận của Báo Nhân dân (Ảnh: Internet) 
Nếu không quy định mức lương tối thiểu thì doanh nghiệp không trả lương luôn cũng được à? Nước nào chẳng có quy định về lương tối thiểu, sau đó doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận về lương chính thức.

Sai lầm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang biến lương tối thiểu thành toàn bộ thu nhập của người lao động. Hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau.

Tiền công tối thiểu theo giờ là cái được Nhà nước quy định, còn người lao động làm bao nhiêu giờ sẽ nhân với mức tối thiểu đó hoặc mức thỏa thuận giữa hai bên (cao hơn mức tối thiểu).


- Tiền lương tối thiểu phản ánh tình hình của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Theo ông đánh giá, mức lương tối thiểu hiện đã đáp ứng được chi phí tối thiểu cho người lao động chưa?

Cần phải khẳng định tiền công tối thiểu của một giờ lao động khác với tiền lương tối thiểu một tháng của người lao động.

Hiện nay, các quan điểm xã hội đang bị nhầm lẫn, thậm chí có sự lạm dụng: doanh nghiệp biến tiền lương tối thiểu mỗi tháng mà Nhà nước quy định thành khoản tiền lương tối đa khiến người lao động chịu thiệt hại lớn, đặc biệt ở các doanh nghiệp tư nhân.


Chính điều đó dẫn tới tình trạng đồng lương hàng tháng không bao giờ đủ cho người lao động trang trải cuộc sống. Về mặt nhận thức và pháp lý, cần phân biệt tiền công tối thiểu tính theo giờ khác với tiền lương tối thiểu của người lao động.

- Lương tối thiểu chỉ là khoản chi phí tối thiểu trong tình huống xấu nhất để người lao động có thể tự trang trải các chi phí của cá nhân, chứ sao có thể dùng số tiền đó lo cho cả gia đình với tư cách “tiền lương”?

Tiền lương sẽ phải lớn hơn hoặc bằng mức tối thiểu doanh nghiệp trả cho người lao động để họ nuôi gia đình họ. Số tiền hiện nay cùng lắm chỉ đủ cho người lao động ăn tiêu dè sẻn mỗi tháng, không đủ để họ lo cho người khác.

Như vậy, nó không thể đáp ứng được các nhu cầu của người lao động ngay cả khi người lao động đó chỉ phải lo cho bản thân mình.
Nếu họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM thì mức lương tối thiểu là không đủ trang trải.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có kết luận rồi, lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng được 30 – 60% các nhu cầu thiết yếu của người lao động, còn họ vẫn phải tự xoay sở, dồn nén các khoản chi tiêu. Chính vì thế, xu hướng tăng lương tối thiểu đang tăng dần lên.

20% công nhân đang phải nhịn 1 bữa/ngày
20% công nhân đang phải nhịn 1 bữa/ngày 
- Như ông từng nói mức tính lương còn dựa trên năng suất lao động, sự cạnh tranh, sức chịu đựng của doanh nghiệp. Vậy theo ông, chúng ta nên tăng như thế nào và tăng bao nhiêu thì đủ?


Tăng bao nhiêu là đủ thì có nguyên tắc cả rồi còn nếu tăng để thỏa mãn nhu cầu của người dân thì vô cùng. Xét về mặt khoa học, người ta sử dụng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu calo tối thiểu cho người lao động.

Ví dụ, một ngày mỗi lao động cần tối thiểu 2.000 calo, họ sẽ tính xem cần bao nhiêu tiền để có được số calo đó theo mức giá hiện nay. Sau đó, họ tính xem nếu người lao động có trách nhiệm nuôi thêm 2 người nữa thì cần bao nhiêu tiền. Cộng tất cả lại sẽ ra được lương tối thiểu. Đấy là xét dưới góc độ calo.

Thứ hai, căn cứ vào giá và chất. Ở các vùng khác nhau thì giá cả các mặt hàng khác nhau nên họ sẽ dựa vào địa bàn để tính mức lương tối thiểu cho các vùng đó.

Thứ ba, dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có lãi mà cứ bắt họ phải trả lương tối thiểu cho người lao động thì cũng khó. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp thậm chí còn tính chuyện sa thải người lao động hoặc thỏa thuận “không lương”, “nợ lương” với người lao động sao cho người lao động không bị “lên bờ xuống ruộng” vì mất việc.

Cuối cùng, lương tối thiểu còn dựa vào mức so sánh với các doanh nghiệp khác. Ví dụ, cùng là doanh nghiệp tư nhân ở lĩnh vực may mặc trên cùng địa bàn mà mức lương trả cho người lao động chênh lệch nhau quá cũng không được.

 

Trong bối cảnh hiện nay, người lao động phải chấp nhận thôi để tránh trường hợp vì sợ phải tăng lương mà doanh nghiệp sa thải bớt lao động

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
 
Có rất nhiều căn cứ để tính lương tối thiểu như vậy nên nếu hỏi tăng bao nhiêu là đủ thì không thể trả lời cụ thể được.


- Người lao động nên làm gì với mấy trăm nghìn tiền tăng lương khi giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang, thưa ông?

Đây là câu hỏi mở không có lời giải đáp cuối cùng. Trong bối cảnh khó khăn, khi giá cả tăng trong khi lương chưa đuổi kịp, người tiêu dùng phải tự điều tiết cách chi tiêu. Một là phải giảm các nhu cầu mua sắm của mình. Hai là nên mua hàng ở những nơi rẻ nhất vào thời điểm rẻ nhất. Thứ ba là sử dụng các sản phẩm thay thế. Chẳng hạn, thay vì thịt gà thì họ sử dụng thịt vịt...

Tóm lại, họ phải làm thế nào để siết chặt túi tiền của mình nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu chứ đòi hỏi doanh nghiệp đó phải đáp ứng các nhu cầu của mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là rất khó. Doanh nghiệp không có thu nhập, không có lãi thì lấy đâu ra tiền để trả lương chứ đừng nói là tăng lương cho người lao động?

- Có ý kiến cho rằng lạm phát mới chính là nguyên nhân khiến đồng tiền trượt giá, lương của người lao động bị ảnh hưởng. Ông có đồng tình với quan điểm trên hay không? Vì sao?

Không hoàn toàn. Xét về lạm phát có 4 loại. Trong bối cảnh Nhà nước cho tăng giá các hàng độc quyền cộng với in nhiều tiền mà không xử lý về mặt lạm phát như hiện nay, đó mới chính là nguyên nhân của tình trạng đồng tiền mất giá và lương của người lao động bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, tiền lương gây ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp theo hướng tỷ lệ nghịch. Lương càng cao, chi phí càng lớn, lợi nhuận càng kém gây áp lực cho doanh nghiệp.

- Với đề xuất tăng lương tối thiểu mới đây của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông có đồng tình không?

Ngay cả khi tăng 15 – 17% vẫn tốt hơn là 10% và còn hơn là không được % nào. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động phải chấp nhận thôi để tránh trường hợp vì sợ phải tăng lương mà doanh nghiệp sa thải bớt lao động. Tình trạng đó còn nguy hiểm hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn