Ảnh: Độc đáo Tết Độc lập của người Mông vùng biên

Thời sựThứ Hai, 02/09/2013 12:48:00 +07:00

Đối với đồng bào dân tộc Mông, Tết Độc lập lớn chẳng khác nào một ngày Tết cổ truyền.

Đối với đồng bào dân tộc Mông, Tết Độc lập lớn chẳng khác nào một ngày Tết cổ truyền.

Những chàng trai, cô gái người Mông xúng xính trong các bộ váy áo thổ cẩm đẹp nhất, vượt hàng 100 km để đến với ngày hội vui nhất trong năm của đồng bào mình tại huyện lỵ Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.


Đã thành thông lệ, cứ đến cận ngày 2/9 hàng năm, mừng ngày Quốc khánh, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú… ở huyện vùng biên Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, lại kéo về thị trấn của huyện Mường Lát để vui Tết Độc lập. Đối với đồng bào dân tộc Mông, Tết Độc lập lớn chẳng khác nào Tết cổ truyền của dân tộc.
Tưng bừng xuống phố 

Đây là nét truyền thống của đại đa số các đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi phía Bắc, trong đó chủ yếu là người Mông. Chuẩn bị đến ngày này, các chàng trai cô gái người Mông đã chuẩn bị cho mình những bộ váy hoa, áo đủ màu sắc sặc sỡ, với hoa văn cầu kỳ bắt mắt.

Ngay từ chiều ngày 31/8, rất nhiều chàng trai, cô gái người Mông phải vượt qua quãng đường dài hơn 100 km để đến được ngày hội vui nhất trong năm của đồng bào mình. Trên các tuyến đường ở thị trấn Mường Lát, cờ hoa, băng-rôn khẩu hiệu đã được giăng khắp nơi, âm thanh vui nhộn xập xình khắp bản làng như mời gọi du khách khắp mọi nơi hướng về chung vui Tết với đồng bào.

Dù đang bận mùa màng, nhưng nhiều chàng trai cô gái vẫn chuẩn bị cho mình những bộ váy hoa thổ cẩm đẹp nhất cách đây 1, 2 tháng để “diện” trong ngày hội. Chị Vàng A Dế, ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, vui vẻ cho biết: “Dù chỉ cách huyện có hơn 20 km, thế nhưng đường xá đi lại khó khăn, nên chúng tôi đã đến đây từ tối hôm trước, không khí năm nay vui và náo nhiệt hơn so với mọi năm”.

Để có sân chơi cho đồng bào các dân tộc vui vẻ đón ngày Quốc khánh, huyện Mường Lát đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Đẩy gậy, ném còn, kéo co, đánh bóng chuyền… Ngoài ra, năm nay, Mường Lát còn tổ chức thi nấu thắng cố (bằng thịt ngựa), để phục vụ đồng bào và du khách thập phương.

Cũng như Tết năm mới, trong Tết Độc lập, người Mông cũng làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Trẻ con thì háo hức trên lưng mẹ xuống chợ. Nhưng chờ đợi ngày Tết Độc lập nhiều nhất có lẽ là những chàng trai, cô gái người Mông. Đây là dịp để họ được gặp nhau, hẹn hò và trao yêu thương cho nhau, nhiều chàng trai cô gái nên vợ thành chồng cũng từ những cuộc vui ngày Tết Độc lập.

Trong dịp này, vượt quãng đường dài 250 km từ TP Thanh Hóa lên huyện lỵ Mường Lát để được đi chơi Tết, thưởng thức những món ngon độc đáo của người Mông, mua những chiếc khèn, váy thổ cẩm, xem ném còn… là một trải nghiệm khá thú vị đối với những ai đã đặt chân đến với vùng đất xa xôi nhất của mảnh đất xứ Thanh này.






Theo NLĐ

Bình luận
vtcnews.vn