Trưa nay, siêu bão Utor uy hiếp miền Bắc

Thời sựThứ Tư, 14/08/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News)– Siêu bão Utor trưa và chiều nay sẽ uy hiếp vịnh Bắc Bộ, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng bị ảnh hưởng trực tiếp, khả năng Hà Nội lại ngập lụt.

(VTC News) – Siêu bão Utor trưa và chiều nay sẽ uy hiếp vịnh Bắc Bộ, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhiều khả năng Hà Nội lại ngập lụt cục bộ.

Chiều tối 13/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp để bàn cách đối phó với bão Utor có cường độ rất mạnh, đang tiến vào vùng vịnh Bắc Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) từ trưa và chiều hôm nay, 14/8, gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, riêng phía Đông Bắc cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết trước khi đổ bộ, bão sẽ tăng lên cấp 14, cấp 15, sau đó đi vào đất liền tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc và di chuyển chậm lại, sau đó tiếp tục di chuyển về hướng biên giới Việt - Trung.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương họp bàn cách đối phó bão utor
Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương họp bàn cách đối phó bão Utor. Ảnh: NLĐ 

Theo ông Hải, ngày hôm nay, vùng vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm mạnh cấp 8, cấp 9. Từ đêm mai, 15/8, mưa tập trung ở vùng Đông Bắc Bộ như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn trước, sau đó hoàn lưu bão sẽ gây mưa sang khu vực Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và các khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

“Lượng mưa do cơn bão số 7 gây ra ở vùng Đông Bắc và vùng núi phía Bắc bình quân khoảng 200-300 mm. Riêng khu vực Hà Nội, lượng mưa chỉ khoảng 50 mm nhưng có thể gây ngập úng cục bộ một số khu vực”,ông Hải nhận định.

Tại cuộc họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ươngđã yêu cầu các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền trở về nơi trú bão. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng phải hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền (gồm cả tàu du lịch, vận tải, chủ lồng bè), trong đó đặc biệt lưu ý vùng Móng Cái, phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh. “Các địa phương nói trên  phải chủ động xem xét để có biện pháp cấm biển vào thời điểm phù hợp”, ông Phát chỉ đạo.

Tính đến 16 giờ ngày 13/8, biên phòng tuyến biển các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 76.977 tàu với 320.300 người và 1.340 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết vị trí, hướng dichuyển của bão số 7 để chủ động phòng tránh.

bão utor
Bão Utor với cường độ lớn bao trùm hầu khắp biển Đông. Ảnh: nchmf

Hồi 04 sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 04 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy
.





Diệp Vy
Bình luận
vtcnews.vn