Có đơn mới cứu nạn: Việc viết đơn là có thật

Thời sựThứ Tư, 14/08/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi Cục trưởng Hàng hải phủ nhận, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 nói việc người báo tin đắm tàu đến viết đơn là có thật.

(VTC News) - Trong khi Cục trưởng Hàng hải phủ nhận, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 nói việc người báo tin đắm tàu thảm khốc đến viết đơn là có thật, nhưng không phải do bắt buộc.

Sau vụ đắm tàu thảm khốc ở Cần Giờ, TP.HCM, qua tờ đơn xin cứu nạn khẩn cấp của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nhân viên Công ty Vũng Tàu Marina, có thông tin rằng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 yêu cầu phải viết đơn mới cứu nạn.

Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật phủ nhận tin người báo tai nạn phải viết đơn thì mới được cứu hộ trong vụ đắm tàu thảm khốc Cần Giờ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên có hay không chiếc tàu bị đắm trên sông Soài Rạp, Cần Giờ, anh Nguyễn Ngọc Tuấn gọi điện thoại báo tin tai nạn đã bị gọi lên tận trụ sở Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 và phải viết đơn mới được cứu hộ, ông Nguyễn Nhật nói: "Không có chuyện đó. Giờ mà gặp nạn thì mình cứ điện tới trung tâm cứu hộ, cứu nạn chứ đơn từ gì? Trong vụ việc vừa qua, tôi có thấy người dân phải gửi đơn cứu hộ đâu."

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 nói việc người báo tin đắm tàu thảm khốc đến viết đơn là có thật, nhưng không phải do bắt buộc.

viết đơn, cứu hộ, chìm tàu
 Đơn yêu cầu cứu nạn do ông Nguyễn Ngọc Tuấn viết.

Vào lúc 21h23, ông Nguyễn Ngọc Tuấn có mặt tại văn phòng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 và cung cấp thêm thông tin nhưng vẫn không rõ vị trí tàu bị nạn, tên tàu, chỉ biết là tàu đi thuê, số người trên tàu khoảng 15 đến 18 người. Thông tin ca nô từ một người đi trên tàu báo về từ số điện thoại 0976287… của anh Nguyễn Văn Cương, người bị nạn trên tàu.

 

Việc ông Tuấn viết đơn xin cứu nạn, mới đầu chúng tôi không để ý nhưng sau đọc lại cũng thấy phản cảm.

Ông Phạm Hiển - Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3
 
Ông Phạm Hiển cho biết, vào lúc 21h ngày 2/8 ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty Vũng Tàu Marina báo tin qua điện thoại có tàu hết nhiên liệu, chết máy ngoài biển, lập tức trực ban triển khai phát báo và xác minh thông tin.


Cùng lúc, các cán bộ trực ban cũng gọi điện thoại liên tục để xác minh lại từ phía ông Tuấn. Tuy nhiên, lúc này ông Tuấn rất hoảng loạn, bản thân cũng không nắm rõ thông tin nên cung cấp không rõ ràng.

Lúc gọi điện thoại, ông Tuấn nói ngắt quãng nhiều lần, chỉ cho biết tàu bị nạn hết nhiên liệu chứ chưa cung cấp được tàu nào bị nạn, có bao nhiêu người trên tàu. Một lúc sau gọi lại, ông Tuấn cho biết lúc thì 15 người, lúc lại 18 người. 
Sau đó, ông Tuấn nói sẽ trực tiếp đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 để trình bày cụ thể. Lúc này, các cán bộ khác trong phòng vẫn tiếp tục xác minh thông tin.

Ông Hiển cho hay, lúc đó, nhân viên cứu nạn ngay lập tức gọi vào số máy này nhưng không liên lạc được. Sau đó, anh em trung tâm cứu nạn mỗi người mỗi việc, phân nhau gọi cảng vụ, đài thông tin duyên hải, Bộ đội biên phòng đồn 562 để huy động các lực lượng tại chỗ để tìm kiếm cứu nạn.

Về việc yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Tuấn viết đơn xin cứu nạn, ông Phạm Hiển cho biết, ông Tuấn đến trung tâm cứu nạn 3 nhưng tâm lý vẫn hoảng loạn, trình bày cứu nạn nhưng không nhớ trước mình nói cái gì, lúc nói thế này, sau lại nói khác nên nhân viên trực ban gợi ý ông Tuấn viết ra giấy để cho thông tin chuẩn xác.
Sự dửng dưng, vô nhân đạo trước sinh mạng con người đã gây ra cảnh đau thương quặn lòng này. Trong ảnh: Khấn trời cầu chút may mắn cho người thân của mình trong vụ đắm tàu thảm khốc Cần Giờ 

Mặt khác, có giấy của người cứu nạn, có trường hợp là giả, trung tâm cứu nạn điều tàu đi cũng có cơ sở để giải trình vì chi phí của trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn lấy từ ngân sách nhà nước.


“Việc ông Tuấn viết đơn xin cứu nạn, mới đầu chúng tôi không để ý nhưng sau đọc lại cũng thấy phản cảm. Tuy nhiên, trong quy trình cứu hộ không có quy định người báo tin phải viết đơn xin cứu hộ mới đi cứu hộ.”- Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 nói.

Trả lời phỏng vấn VTC News, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội khoá 13, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng việc Trung tâm tìm cứu cứu nạn hàng hải Khu vực 3 yêu cầu người báo tin về vụ đắm tàu thảm khốc tại Cần Giờ hôm 2/8 phải viết đơn trình báo mới cứu hộ là việc làm “vô nhân đạo, dửng dưng trước sinh mạng con người”, cần bị truy cứu trách nhiệm.

Chia sẻ về quá trình cứu nạn tàu H29 đắm trên biển Cần Giờ, ông Hiển cho biết, tàu bị nạn cách Vũng Tàu 30km, điều tàu trung tâm đi phải mấy tiếng đồng hồ mới ra đến nơi nên trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn tập trung yêu cầu huy động lực lượng tại chỗ.

Tuy nhiên, không may cho tàu bị nạn, vào thời điểm ấy, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, tàu xung quanh đi tránh trú hết. Hai tàu ra sớm nhất vị trí tàu bị nạn là tàu của Bộ đội Biên phòng Cần Giờ và tàu SAR 272 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 lúc 1h8 phút, tàu Biên phòng Cần Giờ mới tìm được vị trí tàu bị nạn.

Về thông Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhận được thông tin lúc 19h30 mà không thông báo với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, ông Phạm Hiển cho hay: “Khi đã điều tàu đi cứu nạn, tôi đã trực tiếp gọi cho Đại tá Đào Quang Hiển - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng lúc này Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng vẫn chưa nhận được thông tin đắm tàu”.


tài h29
Tàu H29 bị nạn trên sông Soài Rạp, thuộc huyện Cần Giờ, TP.HCM 

“Tôi yêu cầu anh Hiển xác minh thông tin Bộ đội biên phòng có tàu H29 hay không, nếu có hiện tàu đang ở đâu. Một lúc sau, anh Hiển gọi điện thoại lại cho biết có tàu H29 hiện đang bị nạn trên biển, đồng thời cũng huy động lực lượng biên phòng xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn.”- ông Hiển nói thêm.

Về quy trình cứu nạn, ông Hiển cho biết: “Có nhiều nguồn thông tin cứu nạn, từ VHF, HF, điện thoại, thông báo từ các cơ quan đơn vị khác, đài phát thanh duyên hải, cảng vụ, biên phòng báo đến hoặc cá nhân, người nhà trực tiếp đến báo… Sau đó trung tâm sẽ xác minh và xử lý. Không có yêu cầu phải có đơn xin cứu hộ mới đi cứu hộ.”




Bách Hợp

Bình luận
vtcnews.vn