Chìm tàu thảm khốc: Phải có đơn mới được cứu hộ?

Thời sựThứ Sáu, 09/08/2013 07:30:00 +07:00

(VTC News) – Theo khẳng định của ông Phi, việc bắt anh Tuấn – người đầu tiên báo tin tàu H29 – BP bị nạn phải viết đơn là muốn có thông tin cơ bản để lưu lại.

(VTC News) – Theo khẳng định của ông Phi, việc bắt anh Tuấn – người đầu tiên báo tin tàu H29 – BP bị nạn phải viết đơn là do muốn có thông tin cơ bản để lưu lại.

Ngay sau khi thảm nạn chìm tàu H29 – BP diễn ra tại vùng biển Cần Giờ, TP.HCM làm 21 người bị thương, 9 người chết, rất nhiều người dân bức xúc trước việc khi đến báo tin tàu H29 – BP đang gặp nạn, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) đã bắt anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Nhân viên Công ty Việt Séc phải ngồi viết đơn.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Lương Trường Phi – Phó Giám đốc Trung tâm 3 đã khẳng định: Việc cứu hộ diễn ra ngay lập tức. Ngay sau khi nhận thông tin của anh Tuấn, Trung tâm 3 đã điều các phương tiện ra vùng biển để thực hiện công việc cứu nạn.

Tuy nhiên, ngay trong thông tin đầu tiên mà anh Tuấn cung cấp thì tàu khách hết dầu, bị tắt máy ở ngoài biển, chứ không cung cấp vị trí cụ thể là ở đâu, có bao nhiêu người trên tàu, có mặc áo phao trên tàu hay không…

Như vậy, theo thông tin ban đầu anh Tuấn cung cấp không rõ ràng, thiếu trung thực nên Trung tâm 3 mất khá nhiều thời gian để xác minh thông tin cụ thể vụ việc.

TP.HCM, Sài Gòn, Cần giờ, Bà Rịa Vũng Tàu, chìm tàu, biên phòng, hải quân, H29 – BP.
Theo lãnh đạo Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3, cơ quan này đã làm tròn trách nhiệm, nhiệt tình cứu hộ các nạn nhân vụ chìm tàu (ảnh minh họa: internet) 

Ngay sau khi biết thông tin cụ thể hơn, Trung tâm 3 đã báo cho các đơn vị có liên quan ở TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu để tiến hành cứu nạn, phát tín hiệu ngay cho Đài phát thanh thông tin Duyên hải kêu gọi các tàu thuyền đánh cá ở gần đó cảnh giác, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn cho các nạn nhân.

Khoảng hơn một tiếng sau khi tiếp nhận tin nhắn đầu tiên của anh Tuấn, các cán bộ của Trung tâm 3 đã có mặt tại nơi tàu H29 – BP gặp nạn ngoài biển. Tuy nhiên, khi đó, thời tiết rất xấu, mây mù, tầm nhìn hạn chế, sóng to, thủy triều lại đang lên, nên Trung tâm 3 bắt buộc phải dùng tàu cứu hộ chuyên dụng, chứ không thể dùng tàu bình thường và phải đi chậm hơn so với dự kiến.

Do đó, công tác cứu hộ ban đầu cũng gặp khó khăn, nhưng khi Trung tâm 3 có mặt thì Biên phòng huyện Cần Giờ cũng đã có mặt từ trước để triển khai mọi công tác cần thiết.

Từ những lí do như đã nêu ở trên, ông Phi vẫn nhấn mạnh rằng: Trong vụ tai nạn này, Trung tâm 3 đã làm tròn trách nhiệm, nhiệt tình, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tổ chức công việc tìm kiếm các nạn nhân nhanh chóng.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến vụ việc này, Đại tá Trương Văn Tài – Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thông tin: Trước khi bị chìm, tàu H29 – BP đã hết nhiên liệu vào khoảng 19h30 tối 2/8. Khoảng 15 phút sau khi nhận được tin, bộ đội biên phòng tỉnh này đã điều tàu ra tiếp tế 60 lít xăng và 2 hộp nhớt do Công ty Việt Séc cung cấp.

Khoảng 20h30 tối cùng ngày, ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc đã điện thoại cho Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh – Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu Bà Rịa Vũng Tàu thông báo tàu đã bị chìm.

Khi Thượng tá Quỳnh hỏi tàu nào, thì ông Đảo nói ngay là H29 – BP. Thượng tá Quỳnh nói tàu đang sửa chữa sao lại điều đi chở người, khi đó ông Đảo đã nói với Thượng tá Quỳnh: “Em đã sai rồi. Anh cố gắng giúp em đi”.

Ngay sau khi biết tin, Thượng tá Quỳnh đã điều ngay các phương tiện, lực lượng ra hiện trường để tổ chức ngay các phương án tìm kiến cứu nạn khẩn cấp.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 7/8, bà Trần Thị Phương Nở - vợ của lái tàu Phạm Duy Phúc (SN 1958, đã tử nạn) đã chủ động liên hệ với PV VTC News cung cấp bản quyết định số 07 do ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty cổ phần Vũng tàu Marina kí ngày 2/8.

TP.HCM, Sài Gòn, Cần giờ, Bà Rịa Vũng Tàu, chìm tàu, biên phòng, hải quân, H29 – BP.
Quyết định 07 của Giám đốc Công ty Vũng tàu Marina về việc ông Phúc được phép sử dụng tàu H29 - BP. 

Theo quyết định này, ông Phúc là đội trưởng chạy thử tàu H790 – HQ và được phép sử dụng tàu H29 – BP của biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu để trợ giúp.

Như vậy, theo bà Nở, việc ông Đảo thông tin với cơ quan chức năng việc ông Phúc lại lấy tàu H29 – BP là không có căn cứ, hành vi trốn trách trách nhiệm, đổ lỗi cho người đã chết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nở khẳng định thêm: Đây rõ ràng là nhiệm vụ của Công ty giao, ông Phúc không thể thiếu hiểu biết mà lấy tàu đi làm nhiệm vụ riêng cho gia đình được.

Hiện bà Nở đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng với các cơ quan có liên quan, các cơ quan báo chí để kêu cứu, khẳng định lại sự việc cho đúng, tránh oan uổng cho người đã khuất.

Phương Trinh – Bách Hợp

Bình luận
vtcnews.vn