Dân lập ‘chiến lũy’: Nhiều người chết vì ung thư

Thời sựThứ Ba, 16/07/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Địa phương nơi người dân lập “chiến lũy” từng có nhiều người chết vì ung thư, nguyên nhân được nghi vấn do các nhà máy ô nhiễm gây ra.

(VTC News) – Địa phương nơi người dân lập “chiến lũy” từng có nhiều người chết vì ung thư, nguyên nhân được nghi vấn do các nhà máy ô nhiễm gây ra.

Gần 1 tháng sau khi người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lập “chiến lũy”, nhà máy hóa chất xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường của công ty TNHH Trường Khánh đã ngừng hoạt động và bị yêu cầu tháo dỡ.

Không những vậy, một nhà máy hóa chất khác cách đó không xa cũng bị đình chỉ hoạt động và tháo dỡ. Hành động này được người dân ủng hộ nhưng người dân Duy Tân vẫn chưa thể yên lòng bởi theo họ, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn khi trong khu dân cư vẫn còn rất nhiều nhà máy khác ngày đêm xả thải.

Theo người làng Châu Xá, từ chục năm trở lại đây, người dân không lúc nào “yên thân” với khói bụi mù mịt và mùi nồng nặng từ cột khói của các nhà máy trong làng. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa lạnh thì không khí u ám… khiến cho không khí ngôi làng không lúc nào được trong lành.

"Chiến lũy" của người dân Châu Xá, Duy Tân ngăn cản sự hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm.
Nhà máy hóa chất gây ô nhiễm bị đình chỉ hoạt động sau khi người dân lập "chiến lũy" ngăn cản. 

Những ngày khổ sở ngồi “trực chiến” ở “chiến lũy”, người làng Châu Xá có dịp điểm lại những người làng bị ung thư trong những năm gần đây, đặc biệt thống kê về những người chết do các nguyên nhân cơ bản như ung thư phổi, cuống họng, cổ… tăng đột biến.

Theo bà Nguyễn Thị Thấm (76 tuổi, người làng Châu Xá), trong mấy năm qua, ngôi làng nhỏ bé của bà đã có khoảng 20 người chết vì ung thư, hiện trong làng còn chục người khác, người mới phát hiện nhưng đã đến giai đoạn cuối, người ngã bệnh mấy tháng thì bất tỉnh, nằm chờ chết.

Người dân cho rằng, thủ phạm của những cái chết ung thư ở đây là do chất thải của các nhà máy trên địa bàn gây nên.

Để chứng minh cho phóng viên thấy việc sợ hãi về căn bệnh ung thư của người dân xã Duy Tân là có căn cứ, anh Lê Văn Hòa dẫn chúng tôi ra nghĩa trang thôn Châu Xá, chỉ về phía những ngôi mộ vừa mới đắp, anh Hòa nói: “Từ đầu năm đến nay, gần chục người chết vì bệnh ung thư, độ tuổi chỉ khoảng 40 đến 45 tuổi. Có những người ra đi khi mới 23 tuổi”.

ô nhiễm môi trường
Dân làng Châu Xá đau lòng khi từ đầu năm đến nay, đã có gần chục người chết vì bệnh ung thư, đa số họ còn rất trẻ.

Anh Hòa cho biết thêm, thời gian qua, số người dân tử vong do bệnh ung thư khiến bà con trong xã giật mình. Với những lo ngại từ môi trường, từ nguồn nước, sức khỏe của người dân xã Duy Tân khó được đảm bảo khi hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng, hóa chất đang ngày đêm ‘hun khói’ vùng quê này.

Xã Duy Tân nơi người dân “kêu trời” vì ô nhiễm trước đây là một mảnh đất trong lành trù phú khi nằm yên ả bên sông Kinh Thầy. Thế nhưng phía trên ngôi làng có nhiều núi đá vôi, nguồn tài nguyên phong phú để làm xi măng, vật liệu xây dựng.

Tận dùng nguồn tài nguyên này, nhiều nhà máy xi măng, sản xuất vôi, hóa chất… lần lượt mọc lên bao phủ ngôi làng. Những cột khói cao chọc trời, không khí mù mịt, hôi hám là điều dễ dàng bắt gặp khi mới bước vào Duy Tân.

Ngoài các nhà máy, những lò vôi, lò gạch thủ công xen lẫn nhà dân ngày đêm nung than, đốt lò càng làm cho môi trường nơi đây thêm phần ô nhiễm.

Cũng chính vì khói bụi, mùi hóa chất mà nhà cửa người dân ở thôn Châu Xá hay thôn Trại Xanh lúc nào cũng cửa đóng then cài.

ô nhiễm môi trường
Ông Hoàng Văn Khang đang mang trong mình căn bệnh ung thư.

Ông Hoàng Văn Khang (52 tuổi) một bệnh nhân ung thư ở thôn Trại Xanh, xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) cho biết, gần 10 năm sống ở bên dòng sông Kinh Thầy, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của gia đình ông cũng như cả làng cũng từ con sông này.

Ấy vậy mà nhà máy hóa chất ở bên kia sông lại xả thẳng nước thải xuống, xả đến đâu cá chết trắng đến đó. Đối phó với tình hình này, gia đình ông Khang phải sắm thêm chiếc bình lọc nước để xử lý nước trước khi đưa vào sinh hoạt.

Tưởng như vậy là đã yên tâm thoát khỏi bệnh ung thư, nhưng đầu năm 2013, từ một người khỏe mạnh, ông ngã bệnh và sụt cân liên tục. Gia đình lo lắng đưa đi khám, từ bệnh viện huyện đến Trung ương đều kết luận ông bị ung thư.

Sau thời gia điều trị, ông Khang được bệnh viện K trả về nhà vì không thể chữa trị. Chỉ về nhà máy phía bên kia sông Kinh Thầy, ông nói với giọng ai oán: “Chừng nào nhà máy kia chưa bị tháo dỡ thì dân làng tôi, con cháu tôi còn chết vì ung thư”.

ô nhiễm môi trường
Ông Bùi Văn Vành đã bất tỉnh vì ung thư giai đoạn cuối. Cô cháu gái chỉ biết khóc, chăm ông thay cho bố mẹ đi làm. 

Bi đát hơn tình trạng của ông Bùi Văn Vanh (60 tuổi) bị phát hiện bệnh ung thư gan, cổ trướng từ mấy tháng nay, hiện nằm một chỗ, thi thoảng mới tỉnh dậy.

Từ ngày phát hiện ông bị bệnh và bệnh viện trả về, con cháu ông khóc cạn nước mắt, nay đành chấp nhận “ông sống được ngày nào phúc ngày đó, gia đình đã chuẩn bị tinh thần”.

Theo Hòa thượng Thích Nữ Đàm Độ - Trụ trì chùa Xanh (tại thôn Trại Xanh, xã Duy Tân), hầu hết những gia đình có người chết trong xã đều được các vị hòa thượng trong chùa Xanh cầu nguyện để linh hồn siêu thoát. Mỗi lần cầu nguyện cho người chết vì ung thư, nhà sư Thích Nữ Đàm Độ đều thống kê ghi chép.

“Đa số họ đều bị ung thư phổi, cuống họng. Những người này từng làm việc trong các nhà máy hoặc sống gần các nhà máy, khi phát hiện thì đều đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa trị” – nhà sư cho biết.

Là trụ trì chùa Xanh từ năm 1999, sư Đàm Độ là chứng kiến sự tồn tại và phát triển của các nhà máy xi măng, hóa chất trên địa bàn.

ô nhiễm môi trường
Người dân khẳng định, 'thủ phạm' của căn bệnh ung thư ở đây là do ô nhiễm từ các nhà máy. 

“Trước những cái chết, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho linh hồn siêu thoát. Các cơ quan chức năng cần thiết phải có phương án di dời các nhà máy ở xã Duy Tân, nếu không sẽ để lại hậu họa khôn lường cho con cháu về sau” – Hòa thượng Thích Nữ Đàm Độ nói.

Nói về tình hình ô nhiễm môi trường và căn bệnh ung thư của người dân địa phương, Chủ tịch UBND xã Duy Tân – Lê Văn Khoa cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã là có thật, “nhiều nhà máy hoạt động trên địa phương thì tình hình không thể tốt được, nhưng nếu quá mức ô nhiễm thì không thể cho phép, việc người dân mắc bệnh ung thư còn do nhiều yếu tố như ăn uống chứ không hẳn chỉ do môi trường”.

Ông Kha cho biết, trên địa bàn xã hiện nay, ngoài 2 nhà máy hóa chất mới bị đình chỉ, còn có 4 nhà máy xi măng, cùng với nhiều lò vôi lò gạch thủ công. Mỗi nhà máy đều có 2 cột khói xả nghi ngút lên trời…

Trước thực tế này vị Chủ tịch xã khẳng định rằng “duy trì được tình trạng môi trường như thế này là sự nỗ lực lớn của cơ quan chức năng”, còn hàng ngàn người dân thì vẫn đang ngày đêm phải sống chung với khói bụi, ô nhiễm và nỗi lo sợ bởi căn bệnh ung thư luôn rình rập. Mỗi lần than thở, họ chỉ biết ngẩng mặt lên kêu… “trời”!





Bạch Dương – Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn