Bão Bebinca đổ bộ, mưa lớn ‘đe dọa’ toàn miền Bắc

Thời sựThứ Bảy, 22/06/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhiều tỉnh ở miền Bắc vừa có thêm công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 2, dự kiến sẽ đổ bộ vào đêm nay.

(VTC News) - Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhiều tỉnh ở miền Bắc vừa có thêm công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 2, dự kiến sẽ đổ bộ vào đêm nay.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện nay, ở khu vực phía đông và phía tây nam Hà Nội đang có những ổ mây đối lưu phát triển và di chuyển về phía trung tâm thủ đô.

Trong khoảng 15 - 30 phút tới, vùng mây đối lưu này sẽ di chuyển đến và gây mưa dông cho khu vực trung tâm Hà Nội và các vùng lân cận. Dự báo trong đêm nay và ngày mai, những đám mây đối lưu phát triển ở rìa xa phía tây của hoàn lưu cơn bão số 2 sẽ còn tiếp tục gây mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to cho khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Trong cơn dông cần đề phòng tố lốc và gió giật mạnh; đề phòng có ngập úng cục bộ.

Do ảnh hưởng tác động của bão số 2 và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ chiều tối nay (22/06), ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.

Từ đêm nay (22/6), trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở mức BĐ1 và trên BĐ1. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum.

mưa lớn ở Thái Bình
Mưa lớn khiến nhiều công nhân của Công ty May 10 (Thái Bình) hoang mang (Ảnh: Minh Quân) 

Thái Bình gửi công điện khẩn số 3

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News tại Thái Bình, vào khoảng 14h30 và 18h chiều nay (22/6), có tới 2 trận mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến hàng nghìn hộ dân lo sợ.

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình vừa gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành công điện khẩn số 3 yêu cầu UBND các huyện ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng kêu gọi các loại tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi tránh, trú bão an toàn hoặc hướng dẫn tàu thuyền di chuyển để không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Công điện cũng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành thuộc tỉnh nhanh chóng kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu, trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình vừa gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành công điện khẩn số 3
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình vừa gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành công điện khẩn số 3 (Ảnh minh họa: Minh Quân) 

Công tác sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu, trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản hoàn thành trước 10h00 ngày 23/6/2013; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi; Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bảo đảm an toàn hàng hóa, thiết bị còn ở bến cảng, bãi sông, ven biển.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đến 16h ngày 22/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 23/06, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 24/06, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm nay (22/6) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Ở các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ đêm nay sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra do ảnh hưởng của đới gió tây nam có cường độ mạnh nên khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.


Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn