Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố

Thời sựThứ Năm, 20/06/2013 04:44:00 +07:00

(VTC News) - Theo các chuyên gia, các loại nước uống mất vệ sinh bán ở vỉa hè có thể gây nguy cơ mắc ung thư vì chất lượng trôi nổi không được quản lý.

(VTC News) - Theo các chuyên gia, các loại nước uống mất vệ sinh bán ở vỉa hè có thể gây nguy cơ mắc ung thư vì chất lượng trôi nổi không được quản lý và chế biến từ các loại hóa chất nguy hiểm hay các vi sinh vật tổn hại đến hệ tiêu hóa mà về lâu dài có thể gây ung thư trực tràng.

Trà chanh chém gió, “chém” luôn sức khỏe


Trào lưu trà chanh chém gió dường như vẫn chưa hạ nhiệt cho dù các thông tin về trà chanh pha hóa chất lan truyền khắp nơi, các quán trà chanh đã cố gắng cho khách nhìn thấy lọ chứa nhiều trái chanh, thậm chí cả lọ đựng trà và đường, nhưng thực chất chỉ dùng mỗi ly một lát chanh mỏng lấy lệ.

Có nơi còn rắc một ít đường cát vào ly trà chanh đá để người uống tưởng vị ngọt do đường cát mà ra.

Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố
 

Một điều đáng nói ở đây là ly nhựa và ống hút sau khi sử dụng được người bán gom vào phía sau chất thành đống và xài lại. Chú ý quan sát, chúng tôi thấy nước dư trong ly được đổ tràn ra mặt sàn rất mất vệ sinh, còn ly và ống hút ngang nhiên được đem ngược lên bàn và làm ly mới cho khách tiếp theo.

Những bệnh lây lan qua không khí và nước bọt tất nhiên là không tránh khỏi. Chưa kể nước dùng để pha trà được lấy từ đâu, đá (mang danh “đá tinh khiết”) được làm từ nguồn nước nào không ai dám khẳng định về độ an toàn và vệ sinh.

Khi bị báo chí phanh phui, thông tin về trà chanh pha bằng hóa chất độc hại lan tràn khắp nơi, các chủ sạp hóa chất tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) hay Kim Biên (TP.HCM) đã thận trọng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng không khó để có thể mua được những loại hương liệu như hương chanh, nho, cam, đào… ở khắp các chợ lớn nhỏ tại các thành phố lớn.

Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố
 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết nếu uống nhiều trà chanh loại này sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn, nghĩa là việc nhiễm độc sẽ diễn ra trong một quá trình dài hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính.

Việc đưa chất thơm vào cơ thể người ở một mật độ lớn sẽ được tích lũy, khu trú trong cơ thể. Chất thơm ở các hàng trà chanh đang sử dụng phần lớn ở dạng rắn (chuyển tán thành bột). Không ít độc tố được tạo ra từ chính các chất thơm.

Tổ chức Y tế Thế giới có một bảng dài quy định về các loại chất được cho phép đưa vào cơ thể người nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định. Và chắc chắn rằng không người tiêu dùng nào nhớ nổi hoặc tính toán nổi đã từng uống bao nhiêu cốc trà chanh và bao nhiêu hương liệu đã khu trú trong cơ thể mình.

Một bài toán đơn giản: lượng đổi thì chất đổi. Khi độc tố ẩn nấp trong cơ thể bạn, nó sẽ gây ra nhiều loại bệnh khác nhau. Phần lớn các loại bệnh liên quan đến việc nhiễm trùng. Việc sử dụng nước không tinh lọc, nước nhiễm kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến xương, não. Nhiễm độc chì và thủy ngân đương nhiên là nguy hiểm.

Điều này cũng lý giải vì sao so với nhiều quốc gia trong khu vực, số bệnh viện của Việt Nam là con số lớn nhưng luôn quá tải và tình hình của ung thư trong những năm gần đây ngày càng tăng cao cũng chỉ vì thói quen ăn uống mất vệ sinh và không cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống không an toàn của người Việt.

Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố
 

“Khát thì uống, chết ngay đâu mà lo!”


Không chỉ là việc lạm dụng, sử dụng các loại hóa chất đường hóa học bị cấm, các quán nước vỉa hè cũng bày bán hàng chục các loại nước khác mà theo giới thiệu thì là “của nhà tự nấu, cứ yên tâm”.

Nhưng cái “của nhà tự nấu” đấy lại cực kỳ mất vệ sinh khi những quán bán nước thường đặt ngay vỉa hè, gần các cống rãnh, bệnh viện, hàng ngày khói bụi xe cộ qua lại thường xuyên và cả ngày chỉ có dùng đúng 1 xô nước để rửa ly và các loại ly nhựa hay ống hút đều được tái sử dụng qua loa bằng việc tráng nước.

Điểm chung dễ nhận thấy ở các quán này là nguyên liệu, dụng cụ dùng “sản xuất” đều không sạch. Mía bào vỏ dựng vào gốc cây hoặc cắt khúc để vào xô nhưng không được che đậy; cốc “vô tư” nằm hứng bụi; máy ép hoen rỉ, ruồi nhặng bâu bám vô tư.

Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố
 

Qua quan sát, hầu hết chủ quán dùng tay không để thực hiện mọi thao tác hốt rác, nhận trả tiền, vốc đá rồi... ép nước mía. Nhìn những ly nước vàng ánh của cam, xanh của rau má, sâm dứa, đỏ au của nước dâu... quả thực trong cơn nóng khát, khó ai có thể cưỡng lại được.

Đại đa số những loại nước giải khát như thế này chỉ được màu sắc là như thật còn hương vị thì dường như... cho dù uống hết ly nước vẫn chưa nhận biết được. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn phớt lờ: “Khát thì uống, chết ngay đâu mà lo!”.

Theo tìm hiểu hầu hết đại đa số các loại nước giải khát kiểu này là những loại nước được người bán tự pha chế. Nguyên liệu và công thức chủ yếu là: đường hóa học + nước + chất tạo màu. Những nguyên liệu này có thể mua ở các điểm bán phụ gia thực phẩm ở chợ và hầu hết là không nguồn gốc.

Không những thế, chỉ cần bỏ ra một số vốn độ vài chục ngàn là có thể chế biến được vài thùng để bán. Có thể nói, mức độ lời lãi của họ cũng phải gấp cả chục lần, vì thế họ không mấy quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD) khi sử dụng những sản phẩm như thế.

Nguy cơ ung thư cao từ nước uống đường phố
 

Còn NTD nhiều khi lại vô tâm với chính bản thân mà không biết rằng mình đang đứng trước những ẩn họa khôn lường.

Theo khuyến cáo từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế): Nếu lạm dụng phẩm màu hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là phẩm màu tổng hợp) thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư cho con người.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học trong chế biến chè, nước hoa quả cũng có khả năng gây hại cao, vì đường hóa học thường ngọt hơn đường kính và không có giá trị dinh dưỡng.

Có thể nói, nước giải khát với cách pha chế mất vệ sinh là những nguy cơ dẫn đến các bệnh mùa hè như ngộ độc, tiêu chảy với những biến chứng rất khó lường.

Trong khi các cơ quan, ban, ngành đang nỗ lực để bài trừ những chất độc hại, những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng để bảo vệ NTD, hơn ai hết NTD phải biết tự mình bảo vệ chính mình.

Thu Trang (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn