'Bức tử' sông Hồng: Cầu nghìn tỷ bị đe dọa thế nào?

Thời sựThứ Năm, 23/05/2013 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Các cây cầu nghìn tỷ trên sông Hồng đang bị đe dọa trước sự hoành hành của nạn cát tặc.

(VTC News) – Các cây cầu nghìn tỷ trên sông Hồng đang bị đe dọa trước sự hoành hành của nạn cát tặc.

Nạn cát tặc tại khúc sông chảy qua địa bàn phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đang khiến hàng trăm hộ dân tại đây lo lắng. Nhà của họ có thể bị dòng sông nuốt chửng bất cứ lúc nào, cầu Nhật Tân nghìn tỷ cũng đang bị đe dọa.

Các cây cầu đang bị đe dọa

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News chiều 22/5, Kiến trúc sư Lý Trực Dũng – Giám đốc Công ty Buffalo Architects cho hay, tính mạng của các cây cầu Long Biên, cầu Chương Dương, Nhật Tân trên dòng sông Hồng đang bị đe dọa.

Ông Dũng phân tích, khai thác cát là chuyện bình thường, nhưng khi khai thác phải có cơ quan đứng ra giám định xem khu vực đó có khai thác được hay không, liệu có xảy ra sự cố gì hay không?

Ở sông Hồng có rất nhiều cát thực sự tốt cho ngành xây dựng, nhưng khai thác ở vị trí nào để không bị sụt, lún mới là điều quan trọng.

Nhật Tân
Khai thác cát ngay dưới chân cầu Nhật Tân 

Về những ảnh hưởng từ nạn cát tặc lộng hành tới sự an nguy của cầu nghìn tỷ - Nhật Tân, ông Dũng cho rằng, khi xây dựng cầu Nhật Tân, người ta đã phải tính đến hết các rủi ro có thể xảy ra. Cọc nhồi của cầu đã được chôn xuống rất sâu nên nếu có xảy ra sạt, lở cũng không ảnh hưởng tới cầu nhiều. Sợ nhất là nước sẽ lấn sâu vào bờ.

“Thời nay, họ đã tăng được khả năng chịu lực cho cầu nên không đáng lo vấn đề này lắm. Tuy nhiên, còn phải xem việc khai thác cát ở đây có xâm phạm vào hành lang an toàn của cây cầu nghìn tỷ này hay không.

Trong vụ việc này, tôi thấy chỉ nên để ý luật xây dựng đã đảm bảo hay chưa, nói cách khác, những người đang trực tiếp xây dựng cây cầu này đã biết chuyện chưa và chính quyền địa phương có nhắm mắt làm ngơ hay không.

Kiến trúc sư Lý Trực Dũng
Kiến trúc sư Lý Trực Dũng – Giám đốc Công ty Buffalo Architects (Ảnh: Internet)
Nạn cát tặc gây lở bờ, biến đổi dòng chảy, tôi nghĩ cầu Nhật Tân chưa chắc đã gặp nguy, gặp nguy hơn cả có lẽ là cầu Long Biên và cầu Chương Dương vì ngày xưa, khi xây dựng những cây cầu này, móng và cột của chúng chưa được áp dụng công nghệ hiện đại.

Thời đó người ta mới chỉ tính đến rủi ro ở một mức độ nhất định thôi, chứ chưa lường trước được mọi mối nguy do con người đang gây ra. Ngày đó, họ cũng chưa có những công nghệ có thể đào, chôn móng cầu sâu 40 – 50 mét như hiện nay.

Bây giờ nhiều điều kiện đã thay đổi, nhưng các cây cầu nhiều tuổi trên vẫn thế thì khó tránh khỏi rủi ro. Ngày xưa họ tính cầu chỉ chịu được một tải trọng nhất định, còn giờ xe tải, ô tô con suốt ngày quần đảo ầm ầm trên đó khiến các cây cầu trên rơi vào tình trạng quá tải.

Đã quá tải, giờ lại thêm việc dòng chảy thay đổi, tốc độ nước chảy mạnh hơn gây xói mòn cát xung quanh đế của chân cầu thì chắc chắn chúng gặp nguy. Không có ai có thể lường trước được chuyện gì xảy ra. Không phải cứ khai thác ở đâu thì chỉ nơi đó mới sạt lở. Khi rủi ro xảy đến, lúc đó mới chống chọi thì đã quá muộn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ảnh hưởng bề mặt cầu nghìn tỷ

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VTC News, Th.S Vũ Quý Ánh, giảng viên bộ môn Địa kỹ thuật – Khoa Công trình – Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nêu quan điểm, đương nhiên việc khai thác cát bừa bãi sẽ gây ảnh hưởng tới không chỉ những cây cầu mà cả đất đai của người dân sống ở hai bên bờ. Khai thác cát bừa bãi còn gây ảnh hưởng tới việc đi lại của tàu bè.


 

Trong vụ việc này, tôi thấy chỉ nên để ý luật xây dựng đã đảm bảo hay chưa, nói cách khác, những người đang trực tiếp xây dựng cây cầu này đã biết chuyện chưa và chính quyền địa phương có nhắm mắt làm ngơ hay không.

Ông Lý Trực Dũng
 
“Khi thiết kế cầu Nhật Tân, người ta đã tính tới chuyện dòng chảy thay đổi hoặc nguy cơ sạt lở tự nhiên, nhưng không tính trước được việc khai thác cát do con người gây ra. Muốn biết chính xác mức độ ảnh hưởng, phải khảo sát.


Về mặt kĩ thuật, việc khai thác cát sẽ ảnh hưởng tới đáy sông. Với cầu Nhật Tân, do có móng sâu nên cầu sẽ ít bị ảnh hưởng và sẽ chỉ chịu ảnh hưởng trên bề mặt thôi.

Những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội đều có móng sâu. Từ cầu Thăng Long, cầu Long Biên tới cầu Chương Dương… đều có móng chìm, sạt lở 5 – 10 mét vẫn không gây ảnh hưởng gì tới khả năng chịu tải của những cây cầu đó. Cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì tới cầu Nhật Tân đều sử dụng cọc nhồi nên khả năng chịu lực của chúng rất tốt.

Việc khai thác cát về cơ bản không gây ảnh hưởng tới các cây cầu nếu người ta khai thác ở khu vực đã được quan trắc trước. Mối đe dọa lớn nhất với các cây cầu ở Việt Nam là động đất. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ mạnh hơn 7 – 8 độ richter thì sẽ sập hết”, ông Ánh nói.

cát tặc hoành hành
Cát tặc đang hoành hành ở gần cầu Nhật Tân 

Có điên mới không biết chuyện?

Trước tình trạng quản lý đê điều, Kiến trúc sư Lý Trực Dũng cho rằng: “Tại Việt Nam có quá nhiều cơ quan chồng chéo nhau. Chẳng hạn Bộ NNPT&NT, Bộ Tài nguyên – Môi trường…cùng đứng ra giám định khu vực được phép khai thác cát, nhưng vì họ làm chưa chặt chẽ, chưa phối hợp tốt với nhau cũng như với các cơ quan nhà nước khác nên việc đó chưa được đảm bảo.

Ngoài ra còn phải kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ủy ban Nhân dân phường, quận… lẽ ra phải quản lý tốt việc này, nhưng vì lý do nào đó, ở đâu đó có vấn đề nên cát tặc mới lộng hành được như thế.

Do chưa có bằng chứng nên không thể nói được rằng họ có tiếp tay cho cát tặc hay không. Thêm vào đó, để tìm bằng chứng rất khó, nhất là khi họ “đi đêm” với nhau.
cát tặc
Ở bờ sông còn mọc lên những công trình kiên cố như thế này. 

Có một điều tôi dám chắc đó là rõ ràng người dân họ sẽ đặt nghi vấn ở chỗ này. Cả một chiếc xe chở cát to lù lù ra đấy, ô tô chạy ầm ầm ngày đêm, sáng tối như thế, có điên mới không biết chuyện”, ông Dũng nêu quan điểm.


Cũng theo ông Dũng, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường thủy lợi chưa có những biện pháp tốt, đảm bảo trong việc bảo vệ sao cho bờ sông không bị lún, sạt lở.

“Bảo vệ bờ sông không phải là việc gì ghê gớm, khó khăn quá và người ta hoàn toàn có thể làm được, quan trọng là họ có làm hay không thôi. Chỉ cần đóng cọc bê tông sâu xuống khoảng 11 – 12 mét thì làm gì có sự cố nào xảy ra. Đằng này người ta lại chọn những giải pháp như rồng đất, rồng đá thì cứu sao nổi?”, vị kiến trúc sư này cho biết.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên VTC News chiều 22/5, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp cho hay sẽ kiểm tra ngay xem bãi tập lái xe hoành tráng với đầy đủ công trình kiên cố, thiết bị phụ trợ mang tên Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Toàn Hiền có đang ngang nhiên tồn tại như báo chí phản ánh hay không.

Ông Giáp thông tin, bãi tập lái xe này từng bị Sở giao thông vận tải Hà Nội dẹp bỏ, không cấp phép do không đủ điều kiện.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Lê Minh – Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Nhật Tân hứa sẽ kiểm tra mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát bừa bãi tới cây cầu nghìn tỷ - Nhật Tân và sẽ cung cấp thông tin cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất. 

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn