Tướng công an nói về vụ sập nhà thương tâm

Thời sựThứ Ba, 26/02/2013 03:30:00 +07:00

(VTC News) - Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội vừa nói về vụ nổ sập nhà ở TP.HCM.

(VTC News) - Thiếu tưng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội vừa nói về vụ nổ sập nhà ở TP.HCM.

Công tác phòng chống cháy nổ ở nước ta trong những năm gần đây ra sao thưa ông? Vì sao các vụ cháy nổ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng?

Theo thống kê, về số vụ cháy nổ, số người chết hoặc bị thương sau các vụ cháy nổ trong những năm gần đây, có năm tăng chút ít, có năm giảm. Trên thực tế, tôi phải khẳng định các vụ cháy nổ luôn gia tăng. Có rất nhiều vụ việc cháy nổ nghiêm trọng.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng (Ảnh: Minh Quân) 
Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng trên.

Thứ nhất, xã hội của chúng ta đang phát triển. Khi kinh tế, xã hội càng phát triển, những tiềm ẩn về cháy nổ càng gia tăng. Đó là quy luật tỉ lệ thuận giữa sự phát triển kinh tế xã hội và những tiềm ẩn về cháy nổ.

Thứ hai, do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhiều người, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa đầy đủ. Lấy ví dụ vụ nổ vừa xảy ra ở TP.HCM, rất đáng tiếc nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ nhà cũng như những người ở nhà đó chưa tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

Khi khám xét hiện trường cơ quan chức năng còn phát hiện thấy rất nhiều chất nổ, đầu đạn, hàng trăm viên đạn, vỏ đạn và có cả súng nữa. 

Thứ ba, công tác phòng chống cháy nổ tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng còn rất bất cập và gặp nhiều khó khăn.

Những vấn đề này, trong thời gian tới cần phải khắc phục.

Hiện nay, trên toàn quốc, theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt trong Nghị định 35 của Chính phủ, có khoảng trên 100.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Hàng năm lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ 4 lần. Vào những dịp đặc biệt như lễ hội, tết, hay trong tuần lễ quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ này, sẽ có những cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tăng cường. Nhưng phải nói thực là việc thanh tra, kiểm tra vẫn không kiểm soát hết được 100.000 cơ sở cháy nổ đó.
Hiện trường vụ nổ sập nhà ở TP. HCM
Việc quản lý cháy nổ trong khu dân cư hiện được thực hiện như thế nào? Có ý kiến cho rằng việc mua bán các nguyên vật liệu cháy nổ đang tràn lan, khó kiểm soát. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Vấn đề quản lý công tác phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư đã được tăng cường ở tất cả các mặt, từ công tác tuyên truyền, việc tăng cường các nội quy, quy định tới việc xây dựng các lực lượng tại chỗ - lực lượng dân phòng để có các đội chữa cháy ngay trong cơ sở. Ngoài ra, chúng ta cũng thường xuyên, tăng cường luyện tập các phương án để phòng chống cháy nổ.

Đúng là hiện nay việc quản lý các nguyên vật liệu cháy nổ ở nước mình diễn ra rất phức tạp từ vấn đề xăng dầu, gas tới các chất nổ, vũ khí…Về xăng, dầu, gas, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chỉ đạo. Về vũ khí, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý.

Trong những năm gần đây đã ban hành rất nhiều quy định về công tác quản lý, phòng chống các loại chất dễ nổ, dễ cháy. Từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về quản lý vũ khí. Từ năm ngoái tới năm nay chúng ta đã triển khai rất nhiều.

 

Khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn đó, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Nhưng chịu trách nhiệm tới đâu còn phải xem xét kĩ: việc gia đình này chứa các chất cháy nổ trong nhà, chính quyền có biết hay không? Nếu họ biết và làm ngơ, trách nhiệm sẽ rất nặng.

Thiếu tướng Trần Anh Dũng
 
Về lĩnh vực phòng chống cháy nổ, gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định quy hoạch chiến lược hệ thống phòng cháy chữa cháy, quy hoạch cứu hộ cũng như quản lý chặt chẽ các chất dễ cháy nổ.


Trên thực tế, phải thừa nhận rằng nhiều nơi, nhiều tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt các quy định về quản lý những loại chất nổ này.

Trong vụ nổ sập nhà vừa xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở của ông “Phương khói lửa” có thuộc diện bị thanh tra, kiểm tra tối thiểu 4 lần/năm hay không?

Theo quy định hiện hành, tất cả các cơ sở có chứa vật liệu nổ và vũ khí đều phải chịu sự quản lý, kiểm soát. Với vụ nổ ở TP.HCM này tôi chưa kiểm tra kĩ xem ông Phương chứa vật liệu, vũ khí có khả năng gây nổ ở trong nhà đã có đăng kí hay chưa.

Nhưng tôi khẳng định, tất cả các cơ sở có chứa vật liệu nổ và vũ khí đều phải nằm trong sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan luật pháp hiện hành.

Ai sẽ bị khởi tố trong vụ án trên?

Với vụ việc này, trách nhiệm khởi tố thuộc về công an TP.HCM. Còn khởi tố đối tượng nào, ai chịu trách nhiệm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh. Vụ việc mới xảy ra vài ngày nay thì chưa thể xác định được khởi tố đối tượng nào cả.

Trách nhiệm của chính quyền ở đây ra sao?

Khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn đó, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Nhưng chịu trách nhiệm tới đâu còn phải xem xét kĩ: việc gia đình này chứa các chất cháy nổ trong nhà, chính quyền có biết hay không? Nếu họ biết và làm ngơ, trách nhiệm sẽ rất nặng.

Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ nhà – người sử dụng vật liệu nổ, vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.

Về nguyên tắc chung, các loại vũ khí, vật liệu nổ không được đặt gần khu dân cư, và nếu đặt thì phải đảm bảo các điều kiện an toàn.

Các mức xử phạt hành chính trong các vụ cháy nổ ra sao, thưa ông?

Nhìn chung, hiện nay mức xử phạt hành chính không chỉ trong lĩnh vực cháy nổ mà còn ở cả một số lĩnh vực khác so với thực tiễn chưa đủ sức răn đe, giáo dục các hành vi vi phạm. Theo tôi, xử phạt như thế là còn nhẹ. Hình thức xử lý cao nhất là khởi tố hình sự.

Xin cảm ơn ông!






Minh Quân(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn