Cuộc chiến biên giới, TQ đưa vào sách sao ta không!

Thời sựThứ Năm, 21/02/2013 03:04:00 +07:00

'Đây là việc làm cần thiết đúng lịch sử khách quan. Ta không thể quên sự kiện này được'.

'Đây là việc làm cần thiết đúng lịch sử khách quan. Ta không thể quên sự kiện này được'.

GS TS, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Thanh Bình, khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định như vậy về việc đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào sách giáo khoa (SGK) mới.


Theo GS Đỗ Thanh Bình, nếu tính đến năm 2015 ra SGK mới thì lúc đó sự kiện này cũng đã được gần 40 năm.

'Người Trung Quốc họ viết nhiều cuốn sách dày công khai về chiến tranh Việt Nam.

Vậy tại sao ta không đưa cụ thể sự kiện này vào SGK để mọi người hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh đó, giống như trước đây ta đã đưa thời phong kiến phương Bắc vào sách', GS Bình nhận định.
Đưa cuộc chiến biên giới vào SGK là cần thiết 

Cũng theo vị GS này, người Trung Quốc có những chuyện không thật mà họ vẫn đưa vào SGK như vấn đề biển Đông, họ đưa vào bản đồ, vào quả địa cầu cho học sinh học.

Huống gì đây là sự thật mà ta lại không đưa vào SGK. Ta không dựng nên chuyện, đó là sự thật.

'Đây là sự kiện lớn nên cần đưa vào một mục lớn trong SGK để kỹ càng hơn trong khi SGK lịch sử chúng ta hiện nay viết khiêm tốn về vấn đề này', ông Bình khẳng định.

Theo Nhà giáo ưu tú này, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 đã có rất nhiều người hy sinh như liệt sĩ Lê Đình Chinh.

Hàng năm, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều nói nhiều đến các thương binh liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ nhưng các thương binh, liệt sĩ chiến tranh biên giới không nhắc tới.

Vậy nên việc đưa sự kiện vào SGK là chuyện bình thường để giáo dục cho thế hệ trẻ nếu không họ sẽ quên mất, đặc biệt hiện nay vấn đề biển đảo đang nhạy cảm.

'Tôi biết sau năm 2015 sẽ có SGK mới. Tôi đề nghị cũng khó bổ sung ngay được nhưng nếu đưa vào thì từng mức độ khác nhau ở mỗi bậc học', GS Bình đề xuất.

Nói về đề xuất này, GS Đinh Xuân Lâm, Hội Lịch sử Việt Nam cho biết:'"Tôi rất tán đồng đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào SGK vì đây là vấn đề quan trọng đứng về mặt lịch sử để khẳng định thực tế, để học sinh hiểu rõ lịch sử, tránh nghe những thông tin xuyên tạc.

Tuy nhiên, lượng kiến thức đưa vào không cần nhiều, trình bày vừa phải, khách quan. Hội Sử học sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT để đổi mới về lịch sử trong SGK".


Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn