Độc đáo luật đấu giá… thức ăn dư ở Phú Vang

Thời sựThứ Hai, 11/02/2013 03:40:00 +07:00

Từ hàng trăm năm nay, Phú Vang thường xuyên tổ chức những cuộc đấu giá thức ăn dư sau mỗi dịp lễ hội.

Từ hàng trăm năm nay, nhằm đảm bảo công bằng, đoàn kết xóm làng, người dân làng An Lưu (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thường xuyên tổ chức những cuộc đấu giá thức ăn dư sau mỗi dịp lễ hội.

Đình làng An Lưu, nơi diễn ra những cuộc đấu giá độc đáo 

Những cuộc đấu giá độc đáo

Ông Nguyễn Ly, Trưởng làng An Lưu cho biết phong tục này đã được kế thừa, duy trì từ xưa đến nay. Hễ mỗi lần trong thôn diễn ra lễ hội nào, sau phần lễ và tiệc tùng no say, những thức ăn còn dư lại sẽ được đưa ra đấu giá công khai. “Thông thường lượng thức ăn bày soạn trong các lễ hội bao giờ cũng được làm nhiều hơn, trong khi số lượng người dự lễ thường không đến đủ, thường xuất hiện phần thức ăn dôi ra. Từ thời cha ông đã có “luật” đấu giá thức ăn rồi, chúng tôi chỉ làm theo, gìn giữ văn hoá truyền thống của thôn thôi”, ông Ly nói.

Vị trưởng làng cho hay dân làng phải tuân thủ “luật chơi” khá nghiêm ngặt. Trước tiên, thức ăn được đem đấu giá phải là thức ăn dư chứ không phải thức ăn thừa thãi. Ông giải thích cặn kẽ: “Ví dụ soạn 30 mâm cỗ nhưng lễ hội chỉ ăn hết 25 mâm. Năm mâm còn lại sẽ được đấu giá”. Nếu trong các cuộc đấu giá bình thường, sẽ có mức giá khởi điểm do hội đồng đấu giá đưa ra, thì quy định ở thôn An Lưu khác hẳn. Sẽ không có giá khởi điểm quy định sẵn, mà giá do chính dân làng “làm giá”.

Người đầu tiên hô giá nào thì đó chính là giá khởi điểm. Mọi người căn cứ vào đó mà có thể tuỳ ý nâng giá, “đè giá” nhau. Nếu sau 3 tiếng hô giá sau cùng mà không ai có ý kiến thì người đó được tuyên bố thắng cuộc. Điểm khác lạ nữa, mỗi người đều có thể tham gia đấu giá thức ăn nhiều lần, không phân biệt quan hệ họ hàng giữa những người cùng “thi đấu”.

Là người đứng ra đảm nhận việc tổ chức tất cả lễ hội của làng, ông Nguyễn Ly mỉm cười cho biết thường giá “trúng thầu” bao giờ cũng cao hơn giá mua thức ăn ngoài chợ. Ấy nhưng ai nấy đều vui vẻ mang “chiến lợi phẩm” về nhà với quan niệm “hưởng lộc của thần linh ban phát”. Ông Ly khẳng định từ trước đến nay, chưa một cuộc đấu giá thức ăn nào ở thôn lại trầm lắng, hay tồn dư “tài sản” đưa ra đấu giá. Cũng theo lời trưởng làng, trước đây người dân thường thanh toán chi phí “trúng thầu” bằng thóc, gạo và có thể được cho nợ tới vụ thu hoạch.

Tuy nhiên về sau, do đời sống nâng cao nên ban điều hành làng đã bỏ quy định này. Thay vào đó, tất cả cá nhân “trúng thầu” đều phải thanh toán ngay tại đình làng. Hội đồng đấu giá chỉ có duy nhất một người là thư kí làm nhiệm vụ thu tiền. Cuối buổi mọi khoản thu chi đều được thông báo công khai trước toàn thể mọi người. “Chưa bao giờ xảy ra cãi vã, mất trật tự trong đấu giá thức ăn”, ông Ly tự hào kể về tập tục lạ của quê mình. Khoản tiền thu được từ các buổi đấu giá này sẽ sung vào quỹ làng, bổ sung nguồn tiền tổ chức các lễ hội sau, hoặc dùng làm kinh phí xây dựng công trình tập thể.
Một cao niên giải thích lý do tập tục đấu giá thức ăn
Một cao niên giải thích lý do tập tục đấu giá thức ăn

“Bảo bối” giúp đoàn kết xóm giềng

Toàn thôn An Lưu có tới hơn 3,5 ngàn nhân khẩu, mỗi dịp lễ Tết ước lượng người tham dự không dưới 400 người. Vị trưởng làng suy luận có lẽ vì số người làng quá đông có thể là lí do khiến ngày xa xưa tập tục đấu giá thức ăn dư ra đời. Nói cách khác, do người dự lễ quá đông nên rất khó để giải quyết lượng thức ăn tồn dư. “Thức ăn ít, người lại đông nên không thể đem chia đều. Vả lại chính những lí do tế nhị này đôi khi lại khơi mào cho những xung đột không đáng có giữa dân làng với nhau”, ông Ly tự lý giải.
Cụ bà cao niên kchuyện đấu giá

Cụ bà Lê Thị Hè (87 tuổi), cao niên trong làng cho biết từ hồi nhỏ đã chứng kiến cảnh đấu giá thức ăn ở đình làng. Cụ Hè khẳng định đã được cha ông đời trước kể nhiều về tập tục này nhưng không biết chính xác lệ làng đặt ra từ bao giờ. Hồi ức về quá khứ, cụ cười móm mém: “Vui lắm, ngày trước cuộc sống khó khăn nên giá đấu rất thấp, ai cũng tranh nhau đấu thịt mỡ, vừa có thịt, vừa có mỡ rán để dành”.

Hầu hết bô lão thôn An Lưu đều cho rằng phương án đấu thầu thức ăn tồn dư trong các lễ hội góp phần giúp dân làng đoàn kết hơn, vừa đảm bảo công bằng, vừa tạo nên bầu không khí vui vẻ, lại mang lợi ích cho tập thể. Những ích lợi này vẫn còn phát huy đến tận ngày nay. “Khoản tiền thu về từ đấu giá giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tổ chức lễ hội. Nếu không đưa ra đấu giá thì lượng thức ăn này cũng chỉ biết bỏ đi mà thôi”, trưởng làng cho hay.

Hiện những cuộc đấu giá thức ăn thậm chí còn được “nhân rộng” không chỉ vào các dịp lễ Tết, mà có thể áp dụng vào bất cứ lúc nào phát sinh thức ăn dư. Mới đây Hội nông dân của thôn cũng đã dùng giải pháp trên để giải quyết nốt hai mâm thức ăn bị dư. Có lẽ chỉ ở những buổi đấu giá tại làng quê này, người ta mới nghe hô vang những câu từ lạ lẫm như “Thúng xôi giá năm chục lần cuối”, “Đùi heo sáu chục có ai nâng giá không?”, “Bác Phụng đã trúng 5 dĩa thịt ram”… Chứng kiến một buổi đấu giá, một du khách thán phục: “Đấu giá thức ăn vừa giúp dân làng gắn kết, lại tránh tình trạng lãng phí, điều mà xã hội đang phát động rầm rộ hiện nay”.

Điều đáng nể phục nữa là tục lệ trên không hề có sách vở nào ghi chép lại nhưng vẫn được dân làng duy trì đến tận bây giờ. “Lớp trẻ theo lớp già, cứ nhìn và nghe rồi làm theo”, vị trưởng làng giải thích. Một lí do khác giúp những cuộc “đấu giá thức ăn” trường tồn chính là ý thức bảo tồn tập tục, văn hoá do cha ông tạo dựng nên, ai cũng cho rằng: “Cái gì cha ông đã đặt ra ắt có lí của nó”. Nếu đem đối chiếu tập tục lạ lẫm trên với thực tế tổ chức lễ hội có lúc còn lãng phí ở nhiều nơi, quả thực là bài học đáng noi theo.

Nhận xét về tập tục lạ lùng này, một nhà nghiên cứu văn hoá Huế cho biết trong lịch sử, việc đấu giá thức ăn được ông cha ta áp dụng phổ biến. Tuy nhiên ở thời hiện đại mà vẫn giữ được phong tục này, quả thực là chuyện khó tin.

Theo Quảng Thiên/PLVN


Bình luận
vtcnews.vn