Độc đáo nghề tạc tượng gốc tre ở Hội An

Thời sựThứ Năm, 14/02/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Qua bàn tay người thợ mộc Hội An, những gốc tre thô mộc, giản dị được thổi hồn trở thành những nhân vật tín ngưỡng dân gian nghệ thuật.

(VTC News) - Qua bàn tay người thợ mộc Hội An, những gốc tre thô mộc, giản dị được thổi hồn trở thành những nhân vật tín ngưỡng dân gian nghệ thuật.


Theo các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, nghề mộc ở Hội An có từ thế kỷ 15, ông tổ là người Thanh Hóa di cư vào Nam và dừng lại ở đất Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam).

Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc…

Còn nghề chạm khắc tượng tre xuất hiện từ khi nào thì không rõ, nhưng đây cũng là một phần của nghề Tổ và được các nghệ nhân coi là thành quả sáng tạo phá cách của người thợ mộc Hội An. 
Nghề đục tượng bằng gốc tre ở Hội An có từ khi nào thì chưa rõ, nhưng dưới bàn tay người thợ, những gốc tre thô ráp trở thành những nhân vật tâm linh 

Thoát khỏi những khuôn phép của vật liệu gỗ, những người thợ Hội An đã tạo cho mình những sản phẩm mang đặc trưng riêng, khác biệt từ chất liệu tre và gốc tre. Từ những gốc tre thô mộc, dân dã, các nhân vật tín ngưỡng dân gian như: Quan công, Phúc Lộc Thọ, Đạt ma sư tổ, Thập bát la hán, Bồ tác Di lặc...được các nghệ nhân thổi hồn để trở thành những vật trang trí có mặt tại hầu khắp các gia đình Việt.
Anh Cư, thợ chuyên tạc tượng gốc tre tại Hội An cho biết: “Nghề chạm khắc tượng tre không cầu kỳ như nghề mộc thông thường. Nhưng để sống và trụ được với nghề cần phải có những tố chất của nghề mộc và tâm huyết với tre.

Phải hiểu từng gốc tre, cọng rễ. 
Tre chọn để tạc tượng phải là loại tre gai già, đặc ruột, chết dưới đất và chỉ lấy phần gốc. Một yếu tố quan trọng nữa là gốc tre phải có bộ rễ đẹp, đều…vì điểm nhấn của tượng tre là râu và tóc.
“Gốc tre trước khi tạc tượng phải được phơi thật khô, đánh sạch đất cát, mang xử lý qua rồi mới bắt đầu tạc tượng. Để có những bức tượng đẹp, có “thần”, người thợ phải lựa thế rễ, gốc mà tạc mới tạo được những sản phẩm ưng ý, thuyết phục được người mua”, anh Cư nói.
Tạc tượng với gốc tre không đơn giản như tạc tượng đối với gỗ vì tre có thớ. Chỉ cần những nhát đục quá lực, quá thớ hay đục kém sắc sẽ khiến toàn bộ sản phẩm trở thành phế phẩm do bị nứt toác. Đó là chưa kể đến việc khi chế tác, cần giữ gìn cẩn thận bộ râu cẩn thận (phần rễ tre sử dụng làm râu cho các nhân vật sau khi hoàn thiện - PV), râu bị gãy, hư hỏng cũng khiến bức tượng trở nên mất giá trị và vô hồn.
Sau khi sản phẩm được tạc xong, phần quan trọng nhất là điểm nhãn, kẻ mắt, tỉa râu và lông mày. Đây là công đoạn giúp bức tượng trở nên tinh xảo và thể hiện tay nghề của người thợ.

Tượng được hoàn tất, tùy theo sở thích của người sử dụng mà được sơn dầu bóng, hay chỉ đánh nhẵn bằng giấy nhám, nhằm tạo nên sự sắc nét của sản phẩm trước khi điểm nhãn kẻ mắt, tỉa râu… 
Sức hấp dẫn của tượng chế tác từ gốc tre 

Sinh nghề cũng “tử” vì nghề, nhiều thợ không thể trụ với nghề vì bệnh nghề nghiệp. Do tượng chế tác thủ công nên người thợ phải ngồi cuối gập hàng giờ, dùng chân kẹp chặt mẫu gộc mỗi khi đục nên rất nhiều người bị giãn dây chằng, giãn cột sống, đau lưng…và thậm chí phải bỏ nghề.
“Hiện nay, người thợ tạc tượng bằng gốc tre khó sống được với nghề do dần bị mai một. Kinh tế khó khăn, tre cũng dần mất hết do đô thị hóa khiến gốc tre trở nên khan hiếm. Bình thường giá một gốc tre dao động từ 20.000-25.000đồng/gốc thì những thời điểm khan hiếm cũng tăng lên cao không kém.

Đó là chưa kể bệnh nghề nghiệp, bụi đất từ gốc tre, đau lưng, giãn cột sống…do ngồi gập quá lâu. Trong khi đó, đầu ra sản phẩm rất kén người chơi, không phải ai cũng có sở thích đối với loại sản phẩm này, mặc dù giá cũng không quá cao so với các mặt hàng khác”, anh một nghệ nhân trên đường Nguyễn Thái Học (Hội An) chia sẻ.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn