Cận tết ở bệnh viện ung thư hiện đại nhất nước

Thời sựThứ Bảy, 09/02/2013 08:35:00 +07:00

(VTC News) – Tôi đến bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vào ngày giáp Tết Quý Tỵ, trong cái rét se lạnh.

(VTC News) – Tôi đến bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vào ngày giáp Tết Quý Tỵ, trong cái rét se lạnh. 

Hạnh phúc nơi tận cùng nỗi đau !
Tôi đến bệnh viện Ung thư Đà Nẵng vào ngày giáp Tết Quý Tỵ, trong cái rét se lạnh. Bệnh viện như được phủ một màn sương mù, âm u, đầy ảm đạm. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong thì mọi chuyện lại khác.
Ngoài nhiệm vụ điều trị về y tế, các y tá tại Bệnh viện Ung thư còn áp dụng liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật 

Đi qua các khoa, phòng, tôi đều cảm nhận được sự yên tâm, thoải mái và lạc quan trong mắt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Không khí khác hẳn với những bệnh viện mà tôi đã từng đến ở Hà Nội, Sài Gòn. Trong diện miễn giảm toàn bộ chi phí chữa trị, gia đình bệnh nhân Mai Hoài Thông (56 tuổi, trú huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) rất vui mừng khi được điều trị tại bệnh viện.

Bà Đinh Thị Sơri (người dân tộc Cơ Tu), vợ ông Thông nói không rõ tiếng phổ thông cho biết: “Chồng mình phát hiện bị ung thư thực quản từ tháng 9/2012, điều trị ở Quảng Nam nhưng không đỡ. Biết Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng tốt lắm nên vợ chồng mình ra đây. Ở đây sướng hơn ở nhà, ở thì sạch sẽ rộng rãi, còn được ăn cháo không mất tiền, chữa bệnh thì được miễn giảm nên bớt lo. Mới vào được 5 ngày, nhưng chồng mình đã uống được sữa, cháo lỏng. Trước đó chỉ truyền dịch thôi, không ăn uống được gì”.
Chia vui với người bệnh, điều dưỡng Nguyễn Thị Hảo, Khoa Tiêu hóa cho biết: “Mặc dù bệnh viện mới đi vào hoạt động, nhưng chúng em đã được chuẩn bị từ trước từ công tác đón tiếp đến chăm sóc điều trị. Do đặc thù bệnh ảnh hưởng đến tâm lý rất lớn, nên người bệnh rất hoang mang, nên ngoài việc điều trị theo phác đồ, chúng em còn được hướng dẫn áp dụng liệu pháp tâm lý để điều trị cho bệnh nhân. Sau thời gian ngắn, hầu hết tâm lý bệnh nhân có chuyển biến tích cực. Có bệnh nhân khi vào lúc nào cũng khóc, cứ hỏi đến là khóc rất bi quan… Nhưng nay bệnh nhân ấy đã bớt lo lắng và lạc quan hơn”.
Bệnh nhân Trần Thị Thuần (SN 1952, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), khoa Chăm sóc giảm nhẹ cho biết: “Chất lượng chăm sóc và điều trị ở bệnh viện rất tốt, tốt hơn nhiều các bệnh viện mà tôi đã từng điều trị. Đích thân bác sỹ phụ trách khoa đi khám, chẩn bệnh từng bệnh nhân. Còn các y tá, ngoài nhiệm vụ tiêm thuốc, thay dịch truyền, đưa đi xét nghiệm… Các cô ấy còn tâm sự, trấn an và giúp đỡ rất nhiệt tình để người bệnh chúng tôi yên lòng trị bệnh.

Tôi bị ung thư vú đã phẫu thuật tại bệnh viện 600 giường từ tháng 7/2012. Nay bệnh tái phát khiến tay chân bị đau, không đi lại được nên đã nhập vào đây từ ngày đầu tiên nhận bệnh. Dù không thuộc diện miễn giảm, nhưng là cán bộ hưu trí, có bảo hiểm y tế nên chỉ mới ứng nộp 1,34 triệu đồng nhưng được làm đủ các xét nghiệm, siêu âm 3D…đến chụp CT, tesla. Nếu so với số tiền hàng chục triệu đồng đã điều trị trước đây thì chi phí chữa trị rất dễ chịu. Mắc bạo bệnh thì trước sau gì cũng chết, nhưng bây giờ chúng tôi đón nhận nó thanh thản và nhẹ nhàng hơn”.

Điều kỳ diệu của tình thương !
Theo chân các bệnh nhân để tìm hiểu công tác điều trị tại bệnh viện, chúng tôi bắt gặp bác sỹ Nguyễn Danh Hiền, Phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ khi ông đang đi đến từng giường khám và trò chuyện, động viên từng bệnh nhân. Trên gương mặt họ, sự thanh thản và niềm tin đã trở lại. Điều này đã góp phần tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua bệnh tật.
Bác sỹ Nguyễn Danh Hiền, Phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ đi đến từng giường để khám bệnh và trò chuyện, động viên bệnh nhân 

Khi được hỏi về sự khác biệt nào để bệnh nhân nơi đây có được tâm lý tốt như vậy. Bác sĩ Hiền trả lời: “Mắc ung thư được người ta quan niệm là cầm cái án tử hình nên ai vào viện cũng trong tâm lý chán nản, mệt mỏi. Nên việc chữa trị càng khó khăn. Chính vì vậy, bệnh viện xác định ngoài nhiệm vụ của khoa là điều trị giảm đau đớn về thể xác, duy trì sự sống, thì phải giúp bệnh nhân ổn định về tâm lý, vui vẻ, lạc quan để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Chính vì vậy, đội ngũ y tá cũng như bác sĩ, ngoài việc được trang bị đầy đủ về nghiệp vụ còn được dạy thêm về liệu pháp tâm lý để xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân từ thể xác đến tinh thần”.
Trong lúc mải đuổi theo suy nghĩ về phương pháp điều trị của bệnh viện, bất ngờ chúng tôi gặp 2 cha con bệnh nhân người Lào đang nằm điều trị tại Khoa Tiêu hóa. Ông CAMMUI (SN1952, quê huyện Bác-xế, tỉnh Xam-ba-sap, Lào) đang chăm sóc con trai tên VIXAYXAYPANNHA (SN 1980), bị ung thư dạ dày. Và điều bất ngờ hơn là con trai ông đã từng điều trị tại Thái Lan, nhưng khi biết Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ông đã đưa con đến đây điều trị.

 “Trước đây con tôi đã điều trị tại Thái Lan được một năm, nhưng bệnh không chuyển biến. Hôm trước, qua người cháu họ học và làm việc tại Đà Nẵng, cha con tôi biết  Đà Nẵng vừa có bệnh viện Ung thư rất hiện đại nên gia đình đưa con qua đây để điều trị. Sau một tuần điều trị, bệnh đã có chuyển biến, các cơn đã giảm nhẹ. Tâm lý cháu đã ổn hơn nhiều, cảm ơn các bác sỹ nhiều lắm”, ông CAMMUI nói.
Bố con ông CAMMUI, người Lào đang điều trị tại bệnh viện Ung thư Đà Nẵng 

Mới qua 15 ngày nhận bệnh, nhưng tại một số khoa đã đầy người. Khoa Chăm sóc giảm nhẹ có 26 bệnh nhân, Thần kinh Đầu cổ-Lồng ngực với 19 bệnh nhân… mỗi người một giường bệnh. Tại phòng giao ban của các khoa, lịch khám bệnh, tiêm thuốc, truyền dịch, xét nghiệm, chăm sóc…của từng bệnh nhân được cập nhật đầy đủ.
Ra về, trong lòng tôi thật sự ấm áp bởi nơi đây mỗi bệnh nhân đều được bảo bọc trong tình yêu thương của gia đình, bác sĩ và đặc biệt là đội ngũ y tá, hộ lý. Và tôi nhớ mãi hình ảnh lạc quan và câu nói của ông CAMMUI: “Tiền viện phí rẻ hơn nhiều ở Thái Lan. Ngoài ra tôi được biết đây là bệnh viện từ thiện cho người nghèo nên tôi rất cảm kích và sẵn lòng chữa trị nơi đây để góp thêm một phần giúp đỡ người nghèo”.
Theo thống kê của bệnh viện Ung thư, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 520 bệnh nhân đến khám và làm xét nghiệm. Trong đó có 78 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 40 bệnh nhân/ngày. Ngày cao điểm lên đến hơn 150 người đến khám và điều trị; Khu dành cho người nhà bệnh nhân miễn phí 20 người. 

Sau gần nửa tháng đi vào hoạt động, bệnh viện đã áp dụng hơn 800 lần chẩn đoán bệnh kỹ thuật cao (CT Scanner 16 và 128 lớp, MRL 3.0 Tesla, X-Quang kỹ thuật số; máy siêu âm màu đen trắng 3D, 4D…); thực hiện hơn 2.400 lần xét nghiệm…

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn