Tàu quốc tịch nước ngoài bị “xẻ thịt” tại Hải Phòng

Thời sựThứ Ba, 22/01/2013 06:59:00 +07:00

(VTC News)- Tàu quốc tịch Mông Cổ được làm thủ tục neo đậu để đưa sửa chữa,nhưng thực chất là “xẻ thịt” bán sắt vụn.

(VTC News)- Tàu quốc tịch Mông Cổ được làm thủ tục neo đậu để đưa sửa chữa,nhưng thực chất là  “xẻ thịt” bán sắt vụn. 

Hơn nửa tháng nay, tại khu vực sông Cấm, vùng nước thuộc Công ty Cổ phần Bến Bãi Hải Phòng quản lý (số 57 Sở Dầu – Hồng Bàng, Hải Phòng), tàu Green Viship, có trọng tải 6.606 tấn, dài 110m, rộng 18m, đóng tại Nhật Bản năm 1986, đang được chủ tàu thuê nhân công dùng máy hàn cắt, cưa, máy cẩu thi nhau “làm thịt” con tàu làm sắt vụn để bán, bất chấp các quy định của pháp luật.

Tàu Green Viship đang bị phá dỡ tại sông Cấm - Ảnh Minh Khang 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tàu Green Viship,  quốc tịch Mông Cổ, vốn thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Biển Viship (trụ sở 1A-A1 Thái Thịnh – Đống Đa - Hà Nội). Cuối tháng 11 năm 2012, Công ty Cổ phần Thương mại Đại Huy (trụ sở ở Km7, đường Hùng Vương - Hồng Bàng - Hải Phòng) mua lại tàu Green Viship.

Đến ngày 4/12/2012, Công ty Cổ phần Thương mại Đại Huy gửi công văn đến Cảng vụ Hải Phòng đề nghị được đưa tàu Green Viship về khu neo đậu hiện nay là vùng nước thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Bến bãi Hải Phòng để “tiến hành kiểm tra, khảo sát lập kế hoạch đưa vào sửa chữa”.

Ngày 16/12/2012, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các bên liên quan lập kế hoạch cho tàu Green Viship vào neo đậu tại bến Công ty Cổ phần Bến bãi Hải Phòng an toàn theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 02/01/2012, cán bộ Cảng vụ hàng hải Hải Phòng kiểm tra phát hiện thấy tàu Green Viship đã bị cắt một phần cabin chuyển lên bãi.

Vì vậy, ngày 3/01/2013, đại diện Cảng vụ Hải Phòng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Thương mại Đại Huy, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong thời gian tàu Green Viship neo đậu. Đồng thời, yêu cầu Công ty Đại Huy “dừng ngay việc cắt dỡ tàu Green Viship; chỉ được phép cắt dỡ tàu sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền”?!.

Ngày 8/1, Cảng vụ Hải Phòng cũng gửi công văn báo cáo các cơ quan chức năng Hải Phòng về vụ “làm thịt” tàu nước ngoài trái luật này.

Chưa biết các cơ quan chức năng có cho phép hay không, nhưng cho đến hơn 10h sáng ngày 21/01, khi PV VTC News có mặt tại hiện trường, tàu Green Viship đã bị cắt dỡ tan hoang phần đuôi tàu, cabin cắt gần hết, các loại cần cẩu trên tàu, boong tàu cũng đang dẫn bị “làm thịt” thành từng mảnh. 
Hàng chục công nhân với các loại phương tiện hàn điện cắt, cưa và cần cẩu cẩu từng mảnh tàu lên bờ để xe chở đi bán sắt vụn.

Các loại phế liệu của con tàu đang được phân loại, đánh đống tại chỗ để các thương lái đến mua, số còn lại đốt tại chỗ hoặc xả xuống lòng sông Cấm. Cảnh phá dỡ tàu nhộn nhịp như một “tiểu công trường”.
Các loại phế thải, con tàu đang được phân loại, đánh đống trên bờ - Ảnh Minh Khang 

Chiều ngày 21/01, phóng viên đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng để tìm hiểu về vụ việc, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời “đang bận họp”.

Cũng trong ngày 21/01, phóng viên liên lạc với người đàn ông tên Đạt, được cho là Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đại Huy để tìm hiểu vụ việc, lập tức nhận được lời đe dọa: "Cẩn thận đấy, không chết đấy"; "rụng đấy".

Luật Bảo vệ Môi trường tại điểm b, khoản 1, Điều 42 qui định “Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”. Từ 2006 đến nay, việc nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ ở Việt Nam đã bị cấm hoàn toàn. Vì vậy, không có bất cứ cơ quan chức năng nào như hải quan, môi trường ở nước ta cho phép nhập khẩu tàu biển cũ.

Việc tàu Green Viship mang quốc tịch nước ngoài đến vùng nước Hải Phòng xin neo đậu rồi bí mật “làm thịt” thành sắt vụn đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Xử lý vụ việc tàu Green Viship bị “làm thịt” cần được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm gương cho các doanh nghiệp khác coi thường pháp luật bảo vệ môi  trường.  

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn