Choáng với dự án 'khủng' 11.000 tỷ xây rạp

Thời sựThứ Hai, 21/01/2013 07:44:00 +07:00

Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng.

Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng.

Ngày 9/1 vừa qua, đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020" đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tổng số vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng (tương đương với nửa tỉ USD), trong đó ngân sách nhà nước là 6500 tỉ.

Phân kỳ đầu tư chia thành 2 giai đoạn, 2012-2015 (3000 tỉ đồng) và 2016-2020 (7800 tỉ đồng).  Đây không hề là một kế hoạch bất ngờ vì theo người phát ngôn của Bộ VHTTDL, đơn vị chủ trì triển khai thực hiện đề án thì nó đã được chuẩn bị từ năm 2008.

Hay tin đề án nghìn t trên được phê duyệt, nhiều người cho rằng việc đầu tư số tiền lớn như vậy là lãng phí và không đúng thời điểm. Việc xây dựng những nhà hát, công trình văn hóa quy mô là cần thiết nhưng việc vận hành nó thế nào, yếu tố con người - chủ thể của những công trình hoành tráng đó ra sao được quan tâm hơn cả.

Bởi trên thực tế, đã có quá nhiều bài học đau lòng về việc đầu tư tiền tấn cho những công trình lớn nhưng sau đó hoặc là vắng như chùa bà đanh, hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến đóng cửa hoặc dùng sai chức năng.

Rạp Đại Nam thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội được đầu tư 92 tỉ đồng nhưng thường xuyên tổ chức tiệc cưới 

Câu chuyện Bảo tàng Hà Nội được đầu tư lên tới trên 2000 tỉ đồng nhưng không có gì để trưng bày, thưa vắng người xem, rạp Đại Nam thuộc quản lý của Nhà hát Chèo Hà Nội được rót 96 tỉ đồng nhưng xây xong chủ yếu cho thuê tổ chức đám cưới.

Một phần diện tích nhà hát Chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ, mở quán ăn... Những câu chuyện đau lòng này đã được báo chí phản ánh trong năm 2012 thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Quản lý và sử dụng công năng của những công trình văn hóa tốn kém không hiệu quả luôn là câu chuyện nhức nhối trong xã hội. Bởi rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, đời sống người dân quá khó khăn, chưa biết được hưởng thụ văn hóa chất lượng cao đến đâu đã phải oằn lưng đóng thuế và gánh cho hàng loạt công trình tiêu tốn tiền của mà không mang lại ích lợi gì.

Chính vì vậy, khi đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa được duyệt với kinh phí "khủng" đã khiến nhiều người băn khoăn. Liệu rằng những công trình ngốn tiền của có phát huy giá trị và được khai thác tốt khi hoàn thành hay sẽ lại hoạt động ì ạch, sai chức năng như vẫn thấy nhan nhản khắp nơi?

Song cũng có không ít ý kiến đồng tình với đề án này với lập luận rằng đầu tư cho các công trình văn hóa không bao giờ là tốn kém và nếu không làm bây giờ thì bao giờ làm? Nhất là khi, mỗi khi có những sự kiện văn hóa quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam, người ta lại đau đầu tìm một địa điểm hoành tráng, xứng tầm sự kiện mà không có.

Và trong khi có nơi dùng nhà hát, cung văn hóa, trung tâm triển làm làm nơi tổ chức tiệc cưới để nhiều đoàn kịch, nhiều nhà hát lại phải đi thuê địa điểm tập, không có chỗ diễn. Nhiều nhà hát hiện nay lại quá ít ghế, thiết kế không đúng quy chuẩn hoặc xuống cấp nên rõ ràng kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới 71 nhà hát (trong đó xây mới 51, nâng cấp 20 nhà hát) thực sự là một kế hoạch tham vọng.

Tham vọng là ở chỗ đề án phê duyệt xây mới 51 nhà hát (11 nhà hát có quy mô lớn từ 2000-2500 ghế; 4000 nhà hát có quy mô lớn từ 1000-2000 ghế) tại chừng ấy tỉnh, thành phố. Tức là ngoài 2 nhà hát lớn xây mới tại HN và TP.HCM, mỗi tỉnh và thành phố sẽ được "phân phối" đều 1 cái.

Việc vận hành 51 nhà hát mới được xây dựng từ nay tới năm 2020 quả là không đơn giản bởi ngoài chuyện xây vỏ thì việc ai sẽ là người điều hành chúng, quản lý sao cho hoạt động hiệu quả và đúng chức năng là cả một bài toán khó. Bài học từ những công trình rỗng ruột, có vỏ mà không có nội dung để lấp đầy đến nay vẫn còn nóng. Còn với 20 nhà hát đã bị xuống cấp nằm trong kế hoạch nâng cấp, cải tạo của đề án này thì không có gì để bàn.

Các công trình rạp chiếu phim là đối tượng được quan tâm đặc biệt với kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới 106 rạp chiếu phim, trong đó có 57 rạp cần xây mới, 49 rạp thuộc đối tượng được nâng cấp. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sẽ xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô khoảng 1500 ghế.

Các rạp này sẽ được xây theo mô hình cineplex giống các cụm rạp tư nhân và nước ngoài đang sở hữu tại VN, có dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, đảm bảo có thể tổ chức LHP quốc tế và trong nước. Kế hoạch này rõ ràng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh rạp chiếu nhà nước đang co cụm và khó tìm kiếm địa điểm phù hợp để tổ chức các sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia và quốc tế diễn ra đều trong mỗi năm.

Cùng với đó, 55 rạp quy mô từ 500-1000 ghế với từ 2/6 phòng sẽ được xây mới tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng người dân ở nhiều tỉnh, thành xa xôi không thể tiếp cận với phim ảnh do không có rạp chiếu.

Tuy nhiên, việc vận hành những rạp chiếu "quốc doanh" này thế nào cũng là vấn đề cần bàn, nhất là khi các rạp này khó tiếp cận với các nguồn phim mới phát hành ngoài rạp mà chủ yếu chỉ đến được với các thành phố lớn. Kế hoạch nâng cấp 49 rạp chiếu xuống cấp có thể khiến nhiều chủ rạp vui mừng.

Tuy nhiên, với sự đầu tư xây mới và nâng cấp hơn 100 rạp chiếu phim trên cả nước đánh dấu sự trở lại của các rạp "quốc doanh" vốn đã hoạt động không hiệu quả nhiều năm qua trước sự bành trướng của các cụm rạp hiện đại của nước ngoài và tư nhân tiếp tục đặt ra bài toán hiệu quả.

Cách đây hơn 1 thập niên, ngay tại Hà Nội, rất nhiều rạp chiếu của nhà nước đã phải đóng cửa hoặc chuyển hình thức kinh doanh vì hoạt động không hiệu quả như Bạch Mai, Đặng Dung, Đại Đồng, Bắc Đô, Đống Đa.... Do vậy, sự xuất hiện trở lại của các rạp nhà nước lại 1 lần nữa cho thấy những thách thức thực sự.

Các công trình nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật cũng được đưa vào đối tượng của dự án "khủng" này. Và theo kế hoạch, tổng số nhà triển lãm cần nâng cấp và xây dựng mới lên tới 66, trong đó có 36 công tình xây dựng. Đáng chú ý là trong số 30 công trình được nâng cấp có cả nhà triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi ngoài các sự kiện văn hóa cũng nổi tiếng chuyên tổ chức tiệc cưới, các hội chợ hàng hóa.

Câu chuyện xảy ra từ cuối năm 2008 đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc tới đầy bức xúc khi người ta ngang nhiên dùng màn che các tác phẩm tham dự cuộc triển lãm tranh sơn dầu có quy mô toàn quốc vài năm mới tổ chức được một lần để kê bàn mở tiệc cưới.

Đầu tư cho văn hóa không bao giờ là thừa và giá trị nó mang lại cho những người thụ hưởng không đong đếm được cụ thể nhưng quản lý các công trình văn hóa thế nào, vận hành sao cho hiệu quả và xứng số tiền bỏ ra mới là điều đáng bàn.

Theo VNN

Bình luận
vtcnews.vn