'Tay phù thủy hóa phép' và chiếc cần cẩu ngàn tấn

Thời sựThứ Năm, 10/01/2013 11:57:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều người gọi ông là "tay phù thủy hóa phép" của ngành Cơ khí Việt Nam khi chế tạo thành công chiếc cần cẩu 1.200 tấn khổng lồ.

(VTC News) - Nhiều người gọi ông là "tay phù thủy hóa phép" của ngành Cơ khí Việt Nam trong việc chế tạo thành công chiếc cần cẩu 1.200 tấn khổng lồ.

Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường
Ông chính là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, người đã làm lợi cho đất nước nhiều nghìn tỷ đồng nhờ chiếc cần cẩu khổng lồ 1.200 tấn (lớn nhất Việt Nam) và chiếc cẩu chân què do chính ông là tác giả nghiên cứu chế tạo thành công.

Ngày 21/12/2012, ông Nguyễn Tăng Cường đã vinh dự là một trong những vị khách mời đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam được tham dự chương trình truyền hình trực tiếp: Giao lưu những người xây dựng Thuỷ điện Sơn La để nhắc lại câu chuyện cũ về chiếc cẩu 1.200 tấn và chiếc cẩu chân què phục vụ cho việc thi công công trình thuỷ điện Sơn La (Đây là sự kiện được lọt vào Top 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của Việt Nam năm 2010).

Việc xin được thiết kế, chế tạo chiếc cần cẩu lớn nhất Việt Nam có sức nâng 1.200 tấn, có tỷ lệ nội địa hóa trên 80% để cung cấp cho Nhà máy thủy điện Sơn La, là câu chuyện mà theo ông Cường, phải có một chút máu liều, dám lấy danh dự, sinh mệnh và gia tài để đánh đổi lấy một việc vô vàn khó khăn.

Khó vì từ trước tới nay, đã có không ít doanh nghiệp, cá nhân muốn làm, nhưng cũng không có ai dám dũng cảm tin vào năng lực nội tại của ngành Cơ khí chế tạo máy Việt Nam. 

Nhận thức được tầm quan trọng to lớn của công trình, ông Nguyễn Tăng Cường đã bỏ nhiều tháng trời để trăn trở, suy nghĩ.

Ông Cường cho rằng, nếu thành công thì đây sẽ là một mốc son quan trọng cho ngành chế tạo máy của Việt Nam. Vì trong công nghệ chế tạo máy cho các công trình tiếp theo sẽ không mất ngoại tệ nhập siêu, không lệ thuộc vào nước ngoài và sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động.

Còn nếu thất bại, chỉ cần một sự cố nhỏ thì toàn bộ cơ đồ, danh hiệu Anh hùng Lao động và thương hiệu Cơ khí Quang Trung sẽ đổ sông, đổ biển.

Là một công trình thủy điện được thiết kế công suất lớn nhất Đông Nam Á, nên Chính phủ  luôn phải giám sát chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị thi công và yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, một doanh nghiệp tư nhân như Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung của ông Cường xin đề xuất được chế tạo cần cẩu 1.200 tấn để phục vụ Thủy điện Sơn La thật không dễ dàng.

Nhưng ông đã cam kết sẽ lấy cả tài sản, danh dự Anh hùng Lao động của tập thể và cá nhân để thuyết phục Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Thái Phụng Nê (Đặc phái viên của Thủ tướng, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sơn La) chấp thuận cho mình được phép làm.

Bằng kinh nghiệm và trí tuệ của ông Cường, cuối cùng thì các cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư cũng đã dũng cảm gửi gắm niềm tin và giao trách nhiệm cho ông đảm nhận thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt chiếc cần cẩu lớn nhất Việt Nam để thi công công trình Thủy điện Sơn La.
Xe con lắp cho cẩu trục gian máy Thủy điện Sơn La

Nhớ lại thời khắc 2 chiếc cần cẩu được chế tạo thành công và tiến hành lắp đặt thử nghiệm, đoàn nghiệm thu của Hội đồng kiểm định trong nước và quốc tế đã thực hiện xong các bước của quy trình kiểm định, kiểm tra, nhưng để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối, ông Thái Phụng Nê đã yêu cầu cần phải tiếp tục kiểm tra.

Mã thử thứ nhất, ông Nê yêu cầu mỗi một lần cần cẩu nâng lên mã hàng 700 tấn, kê bên dưới 1 viên gạch, rồi cho hạ xuống tới khi chạm viên gạch và viên gạch đó không rút ra phải không bị vỡ. Lần thử đầu tiên đã thành công.

 

Ông Cường cho rằng, nếu thành công thì đây sẽ là một mốc son quan trọng cho ngành chế tạo máy của Việt Nam. Vì trong công nghệ chế tạo máy cho các công trình tiếp theo sẽ không mất ngoại tệ nhập siêu, không lệ thuộc vào nước ngoài và sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Còn nếu thất bại, chỉ cần một sự cố nhỏ thì toàn bộ cơ đồ, danh hiệu Anh hùng Lao động và thương hiệu Cơ khí Quang Trung sẽ đổ sông, đổ biển.

 
Đến mã thử thứ hai, ông Nê chỉ đạo đặt một tờ giấy A4 lên trên viên gạch và tiếp tục cho cẩu mã hàng 700 tấn lên rồi hạ xuống, đến khi chạm tờ giấy A4 thì dừng lại. Lần thử thứ hai cũng thành công khi tờ giấy A4 không thể rút ra được và viên gạch vẫn không vỡ.

Điều đó chứng tỏ độ chính xác, chế độ phanh hãm của chiếc cần cẩu đã hoàn toàn đạt yêu cầu,

Theo các chuyên gia, yêu cầu này là muốn cẩu mã hàng 1.200 tấn, phải thử lên hệ số 1,25%, nghĩa là thử 1.400 tấn để cấp phép cho 1.200 tấn. Và như vậy, mỗi lần thực hiện, cần cẩu phải nâng lên một mã hàng 700 tấn rồi dừng, hạ xuống, rồi dừng, để thẩm định hệ thống phanh hãm và độ chính xác của chiếc cẩu.

Nhiều người hiện nay vẫn bị nhầm lẫn chiếc cần cẩu 1.200 tấn với chiếc cần cẩu chân què sức nâng 350 tấn. Cần cẩu chân què có độ chính xác và độ phức tạp nguy hiểm hơn chiếc cần trục 1.200 tấn.

Câu chuyện về chiếc cẩu chân què nghe như một chuyện hài hước, bởi đối với ngành cơ khí chế tạo máy trên thế giới thì chẳng có chiếc cẩu nào gọi là cẩu chân què.

Những người tham gia thiết kế chế tạo đã đặt tên cho nó vì một chân ở cốt 00, còn một chân kia ở độ cao 182 m được gác vào thành đập thủy điện để cẩu và đảm nhận khoảng 17.000 tấn thiết bị, thử độ khít 12 hệ thống cửa van của Nhà máy Thủy điện Sơn La để hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước tiến hành nghiệm thu rồi mới quyết định cho tích nước phía thượng lưu.

Xứ mệnh của chiếc cần cẩu này là rút ngắn thời gian thi công cho công trình thủy điện Sơn La. Đáng lẽ phải xây dựng phần bê tông lên cao trình 228 m rồi mới lắp chiếc cần cẩu trên đó để đảm nhận việc thử các cánh van, nhưng việc này muốn thực hiện phải chờ đợi hàng năm nữa.
Hạ roto thành công tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La

Với thời gian lắp chiếc cần cẩu mất 3 tháng, thời gian tích nước 9 tháng, thử mất 11 tháng, tổng cộng thời gian là 23 tháng, như vậy với giải pháp dùng cẩu chân què 350 tấn thi công xong từng cửa van rồi bàn giao cho phần xây dựng theo giải pháp ‘‘2 trong 1’’ nên đã góp phần rút ngắn và đẩy nhanh tiến độ ít nhất 23 tháng cho công trình Thủy điện Sơn La, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước.

Công trình thiết kế, chế tạo chiếc cẩu trục 1.200 tấn để lắp đặt 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã thành công ngoài sức mong đợi.

Với những tính năng vượt trội, hơn hẳn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất như: Hệ thống điều khiển từ xa được lập trình PLC điều khiển ở cự ly 100 m và cự ly xa hàng nghìn km thông qua hệ thống vệ tinh Vinasat có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của cần cẩu, giúp cho quá trình sử dụng và bảo hành thiết bị cần cẩu có thể điều khiển trực tiếp trên cabin, hoặc ghép nối 2 cần cẩu lại với nhau chỉ cần 1 người điều khiển, có thể điều khiển 02 móc 560T đồng thời, hoặc độc lập.

Thậm chí có thể kết hợp 6 móc nâng hạ 2 móc 560T, 2 móc 90T, 2 móc 10T cùng một thao tác nhưng có độ chính xác tới từng mm. Chính độ chính xác cao của hệ thống cần cẩu này đã giúp nâng hạ những mã hàng nặng trên 1000 tấn, trong đó có chiếc roto ở trên độ cao trên 30 m hạ xuống độ sâu để lắp vào stato có khe hở mỗi bên trên 10 mm một cách chính xác.

Thao tác này chỉ cần một sơ xuất nhỏ, độ chính xác của cầu trục không đều giữa hai bên, sai số chỉ cần vài mm thì mã hàng nặng hàng nghìn tấn chạm vào stato, lớp vỏ cách điện bị bong ra thì hậu quả vô cùng khôn lường, làm chậm tiến độ thi công, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Hình ảnh cẩu chân què trên công trường Thủy điện Sơn La.

Nhớ lại thời khắc người đưa ra ý tưởng thiết kế, chế tạo, lắp đặt chiếc cần cẩu chân què và thuyết phục các hội đồng chuyên ngành, nhiều chuyên gia đã kịch liệt phản đối và không chấp nhận sự an toàn của độ cao giữa chân nọ và chân kia lệch nhau 182 m, có sức nâng lớn đến 350 tấn mà nâng hạ mã hàng nặng 350 tấn ở trong khe, chỉ cần lệch tâm khoảng 10 cm thì đòi hỏi sức nâng phải lên trên 600 tấn do bị ma sát kẹt trong khe trượt cánh van, sẽ rất nguy hiểm cho công trình và con người.

Trải qua muôn vàn khó khăn về kỹ thuật và các giải pháp thi công và nguy hiểm, kết quả công việc đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Ngày 23/12/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành đã chính thức cắt băng khánh thành và chúc mừng sự thành công của Công trình Thủy điện Sơn La về sớm trước tiến độ 3 năm, làm lợi cho quốc gia hàng chục ngàn tỷ đồng.

Việc thủy điện Sơn la áp dụng thành công cẩu trục 1.200 tấn mang thương hiệu Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển, bên cạnh đó còn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc chỉ đạo triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’. 

Việc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình thăng hoa trong quá trình chế tạo cần cẩu 1.200 tấn và chiếc cẩu chân què phục vụ đắc lực cho thi công công trình Thủy điện Sơn La lại một lần nữa đánh dấu cho mốc son đỏ của ngành Cơ khí Việt Nam, góp phần xóa đi tiềm thức sính hàng ngoại của người Việt.

Thủy điện Sơn La đã chính thức được hoàn thành, đưa vào sử dụng, với biết bao niềm tin và hy vọng cho nền kinh tế đất nước phát triển trong tương lai. Trong ánh hào quang đó, chắc chắn, người ta sẽ không quên được tác giả và công trình nghiên cứu, chế tạo chiếc cần cẩu có sức nâng 1.200 tấn và chiếc cần cẩu chân què do Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường và tập thể đơn vị Anh hùng Lao động – Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung.

Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (gồm 6 tổ máy, công suất lắp máy 2.400MW, điện lượng cung cấp hành năm trên 10 tỷ KWh với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD) chính thức được khánh thành sau 7 năm xây dựng (được khởi công ngày 2/12/2005), đến tháng 12/2010, tổ máy số 1 đã được hoà lưới điện thành công, tiếp đó vào năm 2011, lần lượt các tổ máy số 2,3,4 được vận hành và đến nay cả 6 tổ máy đã chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng, sản xuất được hơn 12 nghìn tỷ kWh.
Việc hoàn thành Nhà máy Thủy điện Sơn La trước 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đã làm lợi cho Nhà nước khoảng 1 tỷ USD (Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiết kiệm được 5.600 tỷ đồng) và điều quan trọng hơn đó giải quyết được tình trạng thiếu điện gay gắt thường xảy ra trong những năm vừa qua.

Thu Hoài
Bình luận
vtcnews.vn