Thiên thạch bay gần Trái đất đến từ đâu?

Thời sựThứ Năm, 13/12/2012 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Tổng thư ký Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam nói 2 thiên thạch lướt qua Trái đất có thể đến từ vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.

(VTC News) – Tổng thư ký Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam nói 2 thiên thạch lướt qua Trái đất có thể đến từ vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.

Liên quan tới hai thiên thạch liên tục bay gần Trái đất, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phường – Tổng thư ký Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam.

- Ông có thể nói rõ hơn các thông tin về hai thiên thạch khổng lồ sẽ bay gần Trái đất trong vài ngày tới? Chúng có phải là mối đe dọa với Trái đất không?

Đó là hai thiên thạch có cấu tạo bằng đá bay gần Trái đất. Một thiên thạch có chiều rộng 36 mét, trong quá trình tiếp cận Trái đất sẽ đi vào quỹ đạo cách trái đất khoảng 230.000 km – nhỏ hơn khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng (khoảng 386.000 km).

Thiên thạch này tiến về Trái đất nhưng sẽ không gây nguy hại gì tới Trái đất cả bởi vì các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tính toán được rằng quỹ đạo của nó chỉ ở gần Trái đất thôi chứ nó không va vào Trái đất được.

Thiên thạch thứ hai có đường kính lớn hơn, chiều rộng chừng 5km, cách Trái đất tương đối xa và hầu như thiên thạch này sẽ không gây ảnh hưởng gì tới Trái đất.
Hình minh họa một thiên thạch bay gần trái đất. Ảnh: universetoday.com. 

Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng các nhà khoa học đã tính toán rất kĩ về quỹ đạo của hai thiên thạch này cũng như có thể theo dõi đường đi của chúng. Tôi khẳng định rằng chúng sẽ không gây ảnh hưởng gì hay đe dọa tới Trái đất.


Năm ngoái cũng có một thiên thạch đến Trái đất, nhưng nó chỉ lướt qua một cách nhẹ nhàng.

Các nhà khoa học mới quan sát, phát hiện được chúng chứ chưa biết được nguồn gốc chúng từ đâu. Theo tôi có thể nó đến từ vành đai của một tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tức là nó có thể đến từ vùng bên ngoài rìa hệ mặt trời, từ vành đai Kuiper.

- Đặt giả thiết chúng đâm trúng Trái đất, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nếu một thiên thạch có đường kính khoảng 5km như trên mà đâm trúng Trái đất thì sức phá hủy của nó rất ghê gớm.

65 triệu năm trước, loài khủng long đã bị tuyệt chủng. Theo giả thuyết, một thiên thạch có đường kính khoảng 10 km từng va chạm vào vịnh Mexico gần bán đảo Yucantan (Trung Mỹ) làm khủng long cùng nhiều sự sống quanh đó bị hủy diệt.


Với thiên thạch có đường kính 5 km thì không thể diệt vong được thế giới, nhưng nó có thể tạo ra những hủy hoại tương đối lớn.


Khi đó, sóng xung kích sẽ lan tỏa toàn bề mặt Trái đất, gây động đất trên khắp địa cầu. Từ đó, các núi lửa sẽ hoạt động đồng loạt, tung vào bầu khí quyển nhiều bụi lưu huỳnh. Bụi lưu huỳnh này sẽ chắn ánh sáng mặt trời trong hàng trăm năm.

Hơn nữa, sóng xung kích này cũng sẽ gây ra sóng thần trên toàn địa cầu và sóng thần có thể bao phủ toàn bộ các lục địa. Đó là kịch bản xấu nhất.

 

Nếu một thiên thạch có đường kính khoảng 5km như trên mà đâm trúng Trái đất thì sức phá hủy của nó rất ghê gớm.
Ông NguyễnĐức Phường
 
- Thông tin này xuất hiện khá gần thời điểm bị đồn thổi v "ngày tận thế". Liệu giữa chúng có sự liên quan nào không?


Nó hoàn toàn không liên quan gì đến nhau dù chuyện này nghe có vẻ giống với một trong các kịch bản về "ngày tận thế". Nhưng mà tôi khẳng định các nhà khoa học đang theo dõi rất sát sao hai thiên thạch này. Dù mới phát hiện ra, nhưng họ đã tính được quỹ đạo, đường đi của chúng.

- Giải pháp để ngăn chặn nguy cơ thiên thạch đâm trúng Trái đất là gì?

Hiện nay trên thế giới chưa có giải pháp hiệu quả nào để ngăn chặn thiên thạch có đường kính từ vài km trở lên đâm vào Trái đất. Nhưng đối với những thiên thạch nhỏ, họ đã đưa ra nhiều phương án.

Chẳng hạn, phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để phá thiên thạch, hay phóng vệ tinh nhân tạo tới gần thiên thạch để làm thay đổi quỹ đạo của nó.

Với hai thiên thạch này, chúng ta hoàn toàn không nên lo sợ. Hãy cứ yên tâm rằng đây chỉ là "hai vị khách" trong hệ mặt trời thôi.


Hàng năm chúng ta cũng thường xuyên đón những thiên thể như vậy. Không có gì đáng quan ngại cả. Dù đây là những "vị khách không mời mà đến”, nhưng "họ" cũng chỉ ghé qua thôi chứ không vào nhà đâu mà sợ.

Xin cảm ơn!

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn