Bộ trưởng Dũng: Công trình kém chất lượng do thất thoát

Thời sựThứ Hai, 12/11/2012 05:12:00 +07:00

(VTC News) - Dù có hiện tượng rò rỉ thủy điện Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn khẳng định chất lượng công trình xây dựng về cơ bản là kiểm soát được.

(VTC News) - Dù có hiện tượng rò rỉ thủy điện Sông Tranh 2 hay một số công trình khác bị than phiền song Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn khẳng định chất lượng công trình xây dựng về cơ bản là kiểm soát được.

Trong phiên chất vấn chiều nay (12/11), các đại biểu Quốc hội rất qua tâm tới vấn đề chất lượng công trình xây dựng.  Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết hiện nay, cả nước có 54.000 công trình đang được đầu tư. Bộ trưởng khẳng định về cơ bản, chất lượng công trình kiểm soát được.

Theo Bộ trưởng Dũng, những công trình sau này ngày càng có chất lượng tốt hơn. Cả các công trình dân dụng, công nghiệp và dịch vụ đều có chất lượng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những công trình chất lượng không đảm bảo, có sự cố gây thiệt hại về cả tiền, tính mạng của người dân.

Bộ trưởng cho biết hiện nay sự cố công trình xây dựng chủ yếu xảy ra đối với công trình từ cấp 3 trở xuống, những công trình dân tự xây. Còn đối với công trình bằng vốn ngân sách, vốn nhà nước, công trình trọng điểm quốc gia, ít có sự cố. Tất nhiên vẫn có sự cố như cầu Cần Thơ hay rò rỉ đập Sông Tranh nhưng tỷ lệ không lớn.

Bộ trưởng đưa ra ví dụ tháp truyền hình Nam Định. Tháp được nhập “nguyên chiếc” từ nước ngoài. Hiện chưa rõ nguyên nhân. Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Nam Định phối hợp chặt chẽ để tìm ra nguyên nhân nhưng theo nhiều ý kiến ban đầu có thể là lắp ráp không đúng quy trình, chất lượng tháp không đảm bảo.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu ý kiến chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt nhà ở tái định cư, thủy điện, rất kém. Sau khi xảy ra sự cố mới phát hiện. Đây là lĩnh vực được đại biểu đánh giá là thất thoát, dễ xảy ra tham nhũng cao. Đại biểu hỏi trách nhiệm của Bộ Xây dựng như thế nào. Bộ trưởng sẽ làm gì.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết trong năm qua công tác đầu tư xây dựng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đầu tư xây dựng đã tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, xã hội,  góp phần quyết định tăng trưởng, phát triển xã hội.

Các cơ sở có thể kể đến như công trình giao thông, cầu đường, cảng biển, sân bay, nhà ở, văn phòng, khách sạn, dịch vụ, trường học, bệnh viện. Ngành xây dựng đã tạo ra cơ sở sản xuất quan trọng, tạo ra cơ sở phục vụ cuộc sống cũng như làm việc của người dân.

Đi đôi với nó, công tác quản lý đầu tư xây dựng tăng cường từng bước khắc phục thất thoát lãng phí nâng cao hiệu quả sử dụng vốn xây dựng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đúng như đại biểu nói, vấn đề lãng phí thất thoát, chất lượng xây dựng kém không phải hôm nay mà nó có từ lâu.

Đây là bệnh nan giải khó khắc phục triệt để. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí, thất thoát , chất lượng công trình kém.

Thứ nhất, do thể chế. Tức là chúng ta đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện. Ta đang đang hoàn thiện nhiều bộ luật như luật đất đai, luật đấu thầu, luật xây dựng, luật quy hoạch,… 

Ngay trong luật xây dựng, công tác kiểm soát chất lượng xây dựng chủ yếu giao cho chủ đầu tư nên việc quản lý công trình xây dựng trở nên rất khó khăn.

Thêm vào đó, theo Bộ trưởng, công tác quy hoạch còn thấp hoặc còn chưa kịp thời. Đấy là yếu tố gây lãng phí. Ví dụ xây dựng công trình rồi mới quy hoạch nên lại giải phóng mặt bằng. Trong nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng còn lớn hơn chi phí xây dựng công trình.

Ngoài ra, kiểm soát chất lượng nhiều dự án còn chưa chặt chẽ, công tác tiền kiểm còn nhiều hạn chế. Thể chế cần hoàn thiện.

Lý do tiếp theo chính là chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng thi công, nghiệm thu, bàn giao, thanh quyết toán đều có nhân tố làm thất thoát, giảm chất lượng công trình.

Ví dụ khi khảo sát tuyến đường dài, chúng ta khảo sát từng điểm nên tới khi thi công, mới phát hiện có đoạn sình lầy. Tiền bỏ vào nhiều hơn mà chất lượng không tốt. Như vậy, tiền không vào túi ai mà chất lượng công trình không đảm bảo. 

Vấn đề thứ ba là do công tác kiểm soát công trình còn chưa đảm bảo.

Vấn đề thứ 4 do năng lực phẩm chất của một bộ phận cán bộ công chức, chủ thể tham gia chưa tốt.

Vấn đề thứ năm là thiếu cơ chế cho phép xã hội và người dân tham gia phát hiện kịp thời các sai phạm và chưa có chế tài mạnh đối với sai phạm trong quá trình xây dựng.

Bộ trưởng khẳng định Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan quản lý (Còn Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ công thương) chịu trách nhiệm về tình trạng trên.

Theo Bộ trưởng, giải pháp khắc phục phải căn cứ vào vào sự kết hợp của Bộ, ngành và các đại phương. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng cùng các bộ ngành khác

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng với hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Theo Nghị định 209 và Luật Xây dựng, công tác quản lý, chịu trách nhiệm chính, thẩm định,... là do chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư càng nhỏ, càng dướ địa phương, chất lượng càng thấp. Việc quản lý có hiệu quả là rất khó. Các cơ quan quản lý chuyên ngành phải tham gia thẩm vấn trước khi chủ đầu tư quyết định.

Bộ trưởng đề nghị tăng cường kiểm soát chủ đầu tư, năng lực nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, giám sát để loại những nhà thầu kém năng lực, thi công kém chất lượng. Những thông tin công bố các nhà thầu để chủ đầu tư lựa chọn một cách tốt nhất đảm bảo chất lượng.

Cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ những chủ thể tham gia trong qua trình đầu tư xây dựng.  Các cán bộ không chỉ cầnnăng lực chuyên môn mà còn có trách nghiệm để tránh thất thoát.

Nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói: “Các công trình gặp sự cố ít, nghe vậy tôi rất mừng nhưng trường hợp cụ thể nếu không có bão đi qua thì không biết nó kém chất lượng. Để người dân yên tâm, cần kiểm tra  các công trình hiện hữu”.

Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tỏ ra gay gắt với vấn đề chất lượng công trình Thủy điện Sông Tranh 2. Đại biểu chất vấn bộ trưởng khẳng định đập thủy điện yên tâm, an toàn nhưng mà tại sao Chính phủ không cho tích nước. Câu chuyện quá kéo dài tạo nên nhiều ý kiến khác nhau gây tranh luận. Có người nói đập không vỡ mà… bể ngang khiến lòng dân không yên tâm.

Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết để kết thúc câu chuyện Sông Tranh. Đại biểu đặt ra 4 tình huống và yêu cầu Bộ trưởng  trả lời.

1. Nói rõ trên căn cứ khoa học đập an toàn, dân cứ yên tâm, mời cán bộ ở mấy tháng luôn. Cũng cần phụ cấp cho dân coi như phụ cấp độc hại, mua bảo hiểm tình mạng cho dân.

2. Công bố rằng chưa thể yên tâm mời đồng bào tái định cư

3. Đầy đủ dũng cảm rằng nó chưa yên tâm, dù của đau con xót vì chi tới 5.100 tỷ đồng nhưng  chúng ta nên dừng.

4. Nếu đập vỡ ai chịu trách nghiệm.

Vì đã hết thời hạn phiên chất vấn, câu hỏi này của đại biểu Tâm được “bảo lưu” tới ngày mai.

Hạ Lan

Bình luận
vtcnews.vn