Cuộc đua tốc độ với ‘giặc lửa’ của lái xe cứu hỏa

Thời sựThứ Tư, 07/11/2012 07:50:00 +07:00

(VTC News) – Với lái xe cứu hỏa, tắc đường là sự ngăn cản khủng khiếp với cuộc đua sinh mạng khi lửa đang ngùn ngụt bốc cháy ở hiện trường.

(VTC News) – Vượt qua những khó khăn về cuộc sống, người lái xe cứu hỏa vẫn vững vàng, kiên cường trong cuộc đua với lửa để cứu sinh mạng, tài sản của nhân dân.

Trong quá trình chữa cháy, triển khai đội hình cứu hộ cứu nạn, lực lượng PCCC có thể thiếu đi một vài chiến sỹ, nhưng không thể thiếu được người lái xe cứu hỏa. Bởi chính họ là người đưa phương tiện, lực lượng đến hiện trường, vận hành kỹ thuật và xông vào cứu người trong lửa khói.

>>> Lính cứu hoả kể phút sinh tử trong biển lửa

Cuộc chiến của những người lái xe cứu hỏa bắt đầu từ tiếng còi báo động cho đến khi đám cháy được dập tắt, lực lượng khác đã được nghỉ ngơi. “Căng thẳng, vất vả nhưng cũng rất vinh dự và tự hào” – đó là chia sẻ của những người lính lái xe cứu hỏa khi nói về nhiệm vụ của mình.

Đua tốc độ với “tử thần”

Khác với những người trực tiếp chiến đấu, người lái xe trong chữa cháy điều khiển các phương tiện ra nước, tiếp nước hoặc chuẩn bị xe thang rồi trực tiếp lên các xe thang để tiếp cận cứu người gặp nạn.


Thượng uý Nguyễn Văn Tiệp, người đã 'đua tốc độ' với giặc lửa hơn 15 năm. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Mười lăm năm làm nghề lái xe tại phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, Thượng uý Nguyễn Văn Tiệp (SN 1972, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm xương máu.

Trong cabin xe cứu hỏa, người lính lái xe với nét mặt hiền hậu, xúc động chia sẻ với PV VTC News về câu chuyện nghề của mình.

“Khi ngồi lên xe, tiếng còi hú báo động làm mình cảm thấy rạo rực, thôi thúc mình làm việc, đã đi sâu vào tiềm thức của mình. Thậm chí, ngày nghỉ của mình nhưng đi ngoài đường, nghe tiếng còi cứu hoả vang lên là mình lại nóng lòng, muốn về đơn vị để cùng động đội đi chữa cháy…” – Thượng úy Tiệp cho biết.

Sau mỗi 'cuộc đua', anh Tiệp thường xuyên kiểm tra phương tiện, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Theo anh Tiệp, do địa bàn Hà Nội đất chật, người đông nên việc di chuyển, đi lại từ đơn vị tới hiện trường xảy ra cháy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm.

Với những người tham gia giao thông bình thường, tắc đường đã là một nỗi vất vả, nhưng với người lái xe cứu hỏa, điều đó như một sự ngăn cản khủng khiếp khi lửa đang ngùn ngụt bốc cháy ở hiện trường mà xe cứ mắc kẹt trên phố…

Rồi có những lúc xe cứu hỏa đang trên đường đến đám cháy, còi báo động đã bật nhưng do một số người mới tập lái xe hoặc một số người cố tình trêu đùa không tránh đường… dù rất vội, nhưng vừa phóng xe, người tài xế vẫn phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cả bản thân, đồng đội và người tham gia giao thông trên đường.

>>> Lính cứu hoả kể phút sinh tử trong biển lửa

“Có những khi xe chữa cháy đến chậm, dù là lý do khách quan nhưng mình đều cảm thấy thất vọng, áy náy… Cũng có nghe người dân chê thế này thế nọ nhưng mình cũng thông cảm và hiểu được nỗi mất mát của họ” – Thượng úy Tiệp tâm sự.

Ngoài công việc lái xe cứu hỏa, anh còn là người lái xe thang rồi trực tiếp đứng lên cao để giải cứu người gặp nạn.

Một trong những lần cứu hộ anh nhớ nhất là ở vụ cháy tòa nhà Tập đoàn Điện lực cuối năm 2010, lần đó chính anh Tiệp là người lên xe thang, tiếp cận với các ô cửa kính để đập vỡ, tạo lối thoát hiểm rồi đưa người xuống.


Ngoài nhiệm vụ lái xe, anh Tiệp còn đảm nhiệm việc chuẩn bị phương tiện chữa cháy, cứu hộ và trực tiếp đứng lên thang cứu hộ để cứu người.

“Thang càng đưa lên cao thì càng bị rung lắc, nếu không có kinh nghiệm và bản lĩnh thì không thể đứng trên thang với độ cao chót vót, bình tĩnh cứu người như vậy được” – anh Tiệp nói.

 

“Thiếu một chiến sĩ có thể được nhưng thiếu một lái xe thì không thể hoàn thành công việc. Tuy nhiên, chế độ lương thưởng cho đội ngũ lái xe vẫn còn phần nào thiệt thòi hơn so với các lực lượng khác. Ngoài trách nhiệm chung ở đơn vị, Thượng uý Tiệp vẫn phải làm thêm ở ngoài để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình."
Trung tá Nguyễn Trọng Mậu - Đội trưởng Đội chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa, Hà Nội
 
Một vụ việc để
lại ấn tượng trong anh nữa là vụ cháy tòa nhà 17 tầng thuộc Làng sinh viên Hacinco (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chiều 4/5/2012 vừa qua.

Khi anh đưa xe cứu hỏa đến, không thấy lửa nhưng khói bốc ra, hàng trăm người đang hoảng loạn, tìm đường tháo chạy.

Nhiều người trèo lên tầng thượng của ngôi nhà, người lại chạy ra cửa sổ vẫy tay cầu cứu. Lúc này, anh Tiệp phải điều khiển xe thang lên các cửa sổ để cứu các nạn nhân đang hoảng loạn. Nhiều người hoang mang, khóc lóc khiến mọi việc thêm phần căng thẳng.

Không lâu sau đó, ngọn lửa được dập tắt, lực lượng cứu hộ lần lượt tiếp cận và đưa các nạn nhân xuống dưới an toàn. Lúc này, bỏ qua sự mệt mỏi, anh bước xuống, ân cần động viên, trấn an tinh thần người gặp nạn.

Khi đồng đội đã nghỉ ngơi sau cuộc chiến đấu, anh lại tiếp tục quay trở về cơ quan kiểm tra lại nước, dầu mỡ, trang thiết bị trên xe và sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra cháy.


Ngày lái xe chữa cháy, tối sửa điện mưu sinh

Vào ngành tại lực lượng PCCC Hải Phòng, nhưng sau đó anh Tiệp chuyển về Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa từ năm 1997. 


"Năm 1998, tôi lập gia đình. Hai vợ chồng đến với nhau từ hai bàn tay trắng lại mỗi người mỗi tỉnh, cuộc sống vợ chồng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi con ốm đau, rồi lo cho hai đứa con học hành” – Anh Tiệp tâm sự.

Với mức lương Thượng úy, mỗi tháng anh Tiệp được lĩnh hơn 7 triệu đồng, vợ anh chưa có việc làm ổn định, việc thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, con cái học hành, thăm hỏi… hàng tháng của gia đình người Thượng úy cứu hỏa cũng chỉ nhìn vào con số đó.

Mệt nhoài sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị, nhưng sau mỗi lần cởi bỏ cảnh phục, anh tranh thủ thời gian đi sửa điện, sửa ống nước thuê cho các hộ dân trong khu vực để kiếm thêm thu nhập.

Thượng úy Tiệp trong cuộc trao đổi với PV trong cabin xe chữa cháy.
Ảnh: T.N

“Có thời gian rảnh thì mình tranh thủ đi làm thêm, sửa điện, sửa ống nước, xe ôm… nói chung ai thuê gì, cảm thấy làm được thì mình làm” – Thượng sỹ Tiệp chia sẻ.

Vất vả để mưu sinh, nhưng niềm động viên lớn lao nhất với anh đó là hạnh phúc gia đình, vợ anh đồng cảm và luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, hai con trai anh luôn tự hào và luôn khoe với bạn học “Bố tớ là lính cứu hỏa đấy!”.

>>> Lính cứu hoả kể phút sinh tử trong biển lửa

Hơn 10 năm từ ngày chuyển công tác từ Hải Phòng lên Hà Nội, cũng vì công việc chưa năm nào cả gia đình anh được về quê nội Hải Phòng ăn Tết. Bởi lẽ, những ngày Tết đến thì công tác phòng chống hoả hoạn lại được đặt lên hàng đầu.

"Được chăm lo một phần nào đó vào cái Tết đầm ấm, yên bình của người dân mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà cũng vì đó mà với đi phần nào." - Thượng uý Tiệp cười nói.

Lúc chia tay chúng tôi Thượng uý Tiệp nhận được lệnh báo cháy. Anh lại vội vàng mũ áo, chắc vô lăng đưa xe cứu hoả đến đương đầu với "giặc lửa" bảo vệ sự bình yên trên từng con phố của Thủ đô.

Đón đọc kỳ tới: Cuộc đấu trí với 'giặc lửa' của người chỉ huy cứu hỏa


Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn