'Giải mã' việc người Đà Nẵng lên xe là đội mũ bảo hiểm

Thời sựThứ Tư, 10/10/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News)– "Thậm chí, người dân còn cảm giác khó chịu khi một ai đó mang biển Đà Nẵng vượt đèn đỏ, đi sai chiều...", lãnh đạo Phòng CSGT, CA Đà Nẵng cho hay.

(VTC News) – "Cốt lõi của Đà Nẵng là ý thức giao thông của người dân rất cao. Thậm chí, người dân còn cảm giác khó chịu khi một ai đó mang biển Đà Nẵng vượt đèn đỏ, đi sai chiều...", lãnh đạo Phòng CSGT, Công an Đà Nẵng cho hay.


Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT,
Công an Thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng không chỉ được đánh giá là đô thị có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước mà còn đứng đầu về trật tự an toàn giao thông.

Để đạt được kết quả này, Đà Nẵng đã phải huy động cả bộ máy chính quyền từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở, xã phường, tổ dân phố, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng CSGT Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT, Công an Thành phố Đà Nẵng.
- Ông có thể cho biết một số nét nổi bật về trật tự giao thông của Thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua?
Trong thời gian qua, tình hình trật tự giao thông của Thành phố Đà Nẵng chuyển biến rất tốt. Tình trạng vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm và phân làn xe có những chuyển biến tích cực.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 80.984 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, trong đó có 2.251 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm; 1.131 trường hợp vượt đèn đỏ với trường hợp vi phạm giảm dần qua các tháng.
Đặc biệt là hoạt động phân làn xe tại 21 tuyến đường nội đô bắt đầu từ ngày 1/4/2012 đã có những chuyển biến rõ rệt. Trường hợp vi phạm cũng như tai nạn, va quệt do đi lấn, sai làn đường giảm đáng kể.

Nếu trong tháng 4/2012 có đến 11.785 trường hợp vi phạm thì tháng 7/2012 chỉ còn 1.196 trường hợp vi phạm. Các trường hợp va quệt tại các tuyến đường này gần như không có.
- Từ đâu mà tỷ lệ xử lý hành chính các lỗi vi phạm lại giảm mạnh đến vậy?
Theo tôi, vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng là ý thức giao thông của người dân rất cao. Thậm chí người dân còn cảm giác khó chịu khi một ai đó mang biển Đà Nẵng vượt đèn đỏ, đi sai đường hay không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Để đạt được điều này, không phải một sớm một chiều mà cả quá trình xây dựng văn hóa giao thông giúp Đà Nẵng có thành quả như ngày hôm nay.

Với chủ trương “5 không, 3 có” thì cái “có” quan trọng đó là có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Cách ứng xử của người dân với nhau, của người tham gia giao thông với nhau và của cả người làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự giao thông với người tham gia giao thông. 
Với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chúng tôi không đặt vấn đề xử phạt là biện pháp chính nhằm hạn chế các trường hợp vi phạm mà lấy công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân làm nhân tố tiên quyết. Khi ý thức người dân được nâng cao, tự khắc sẽ tham gia giao thông tốt, chấp hành luật pháp tốt.
Đơn cử như thực hiện chủ trương đội mũ bảo hiểm trước đây hay công tác phân làn phương tiện bắt đầu từ 1/4/2012. Để thực hiện tốt công tác này, các lực lượng chức năng đã phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền đến người tham gia trong một thời gian dài rồi mới tiến hành xử phạt. Và kết quả đạt được rất khả quan.

 

Với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chúng tôi không đặt vấn đề xử phạt là biện pháp chính, nhằm hạn chế các trường hợp vi phạm mà lấy công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân làm nhân tố tiên quyết.
Đại tá Nguyễn Đến
- Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc tuyên truyền ý thức tham gia giao thông của người dân?
Việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng là một điển hình. Đà Nẵng đã chọn cho mình cách làm khác hiệu quả và quan trọng là nhận được hưởng ứng đồng thuận của người dân. 
Đó là tuyên truyền, hướng dẫn đến các trường học, các tổ dân phố, khu dân cư về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Khi ý thức đó bắt đầu thực hiện tốt, chúng tôi lại tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về mặt tài chính để người dân an toàn hơn khi tham gia giao thông như hỗ trợ kiểm tra mũ bảo hiểm, đổi mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng bằng mũ đảm bảo chất lượng…
Và đến bây giờ, người dân Đà Nẵng không chỉ có ý thức đội mũ bảo hiểm mỗi khi đi ra đường mà còn có cả ý thức đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng.
- Lực lượng CSGT Đà Nẵng được du khách đánh giá là thân thiện, ông nghĩ như thế nào về nhận định này?
Đây cũng là câu khen mà cũng là nhắc nhở. Nếu mình không kiên quyết thì ý thức chấp hành luật pháp của người dân sẽ không nghiêm. Quan trọng là hành vi cần xử phạt và xử nghiêm thì xử lý, còn không thì chỉ cần hướng dẫn giải thích. Làm được như vậy, người dân sẽ “thấm” hơn và ý thức chấp hành tốt hơn.
Một trong những tiêu chí văn hóa, văn minh đô thị mà chúng tôi theo đuổi và xây dựng đối với lực lượng đó là văn hóa ứng xử của người làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông.

Cách ứng xử tốt, người dân sẽ nhớ lâu và tự giác chấp hành. Và khi ý thức người dân được nâng lên, nhiều vấn đề khác cũng sẽ được cải thiện, góp phần tạo môi trường giao thông đô thị Đà Nẵng chuyển biến tích cực.
Đã có nhiều trường hợp du khách đến Đà Nẵng vi phạm các lỗi về trật tự giao thông đô thị như đi vào đường cấm, đường ngược chiều… do không nắm rõ quy định. Nhưng lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đều hướng dẫn, giải thích mà không bị xử phạt như người dân sở tại.
- Theo ghi nhận, ở Đà Nẵng tình trạng ùn tắc giao thông, ùn ứ mỗi khi xảy ra va chạm rất ít. Đây có phải nhờ hạ tầng giao thông Đà Nẵng khá tốt?
Không thể phủ nhận công tác quy hoạch đô thị của Đà Nẵng, nhưng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, ùn ứ mỗi khi có sự vụ trên đường thì văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông là vấn đề cốt lõi.

Cũng một trường hợp va chạm, nhưng người tham gia giao thông ứng xử vui vẻ với nhau thì lại khác mà căng thẳng thì ùn ứ, tắc đường là khó tránh khỏi. Điều này đang diễn ra ở nhiều địa phương và hệ lụy là rất nhiều người phải gánh chịu cho dù lực lượng tuần tra có xuất hiện để xử lý kịp thời.
Một vấn đề nữa, là lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tại Đà Nẵng có sự phối hợp rất nhịp nhàng với nhau từ lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát chống đua… đến CSGT. Chỉ cần xảy ra sự cố có nguy cơ ùn tắc giao thông, ngay lập tức, lực lượng CSGT sẽ có mặt để xử lý, đảm bảo giao thông thông tuyến.
Chính vì vậy, anh sẽ thấy ở Đà Nẵng nhiều nút giao thông không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, nhưng người dân chấp hành rất tốt khi tham gia giao thông.

- Với cách làm của mình, ông có chia sẻ kinh nghiệm gì với các tỉnh thành khác trong cả nước?
Theo tôi, mỗi địa phương có mỗi đặc điểm khác nhau về văn hóa, lối sống… nên cách thực hiện sẽ khác nhau và kết quả cũng sẽ khác nhau. Nên khó có thể áp dụng nguyên mẫu của địa phương này với địa phương khác.

Tuy nhiên, điều quan trong nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp từ Thành phố đến các sở ban ngành, các cấp cơ sở địa phương theo hướng hợp ý dân, được dân đồng thuận thì sẽ đạt kết quả tốt.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho lực lượng làm nhiệm vụ và người dân. Với cách làm này, tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ đạt kết quả rất tốt và bền vững.
- Xin cảm ơn ông!

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn