Tẩy đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Thời sựThứ Năm, 09/08/2012 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Gần 73.000m3 đất, trầm tích bị nhiễm dioxin trên diện tích khoảng 191.400m2 tại các khu vực thuộc Sân bay Đà Nẵng sẽ được tiến hành tẩy rửa.

(VTC News) – Gần 73.000m3 đất, trầm tích bị nhiễm dioxin trên diện tích khoảng 191.400m2 tại các khu vực thuộc Sân bay Đà Nẵng sẽ được tiến hành tẩy rửa trong thời gian từ 2011-2016.


Thông tin này được thảo luận tại Hội thảo Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng (8/8) tại Đà Nẵng, do Bộ Quốc phòng Việt Nam, Binh chủng Phòng không Không quân phối hợp cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Đại diện Bộ Quốc phòng, Binh chủng Phòng không Không quân và USAID tại Hội thảo 

Theo đó, gần 73.000m3 đất và bùn trầm tích bị nhiễm dioxin trên diện tích khoảng 191.400m2 tại các khu vực mương mước, hồ sen, khu vực lưu trữ, pha trộn, vận chuyển chất da cam-dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam sẽ được tiến hành tẩy rửa trong thời gian từ 2011-2016.

Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Trưởng Ban Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sây bay Đà Nẵng cho hay, đây là hoạt động xử lý chất độc tồn dư sau chiến tranh tại Việt Nam nhằm hạn chế các tác động ảnh hưởng đến con người, khôi phục lại môi trường tại khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thương mại tại khu vực.

Hơn 191.000m2 diện tích bị phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ được tiến hành đào xúc và xử lý 

Hoạt động tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ được tiến hành bằng công nghệ xử lý nhiệt với tổng kinh phí dự án khoảng 41 triệu USD, bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Quốc hội Hoa Kỳ.

Vốn đối ứng của phía Việt Nam là 35 triệu USD. Dự án xử lý được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ nay đến năm 2014 với đối với khu vực lưu trữ, khu vực pha trộn chất dioxin gần đường băng sân bay và giai đoạn 2 từ năm 2015-2016 đối với các khu vực còn lại.

Chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng 

Đất và bùn trầm tích nhiễm dioxin sẽ được đào, đưa vào bể chứa có chiều rộng 70m; chiều cao khoảng 8m có hệ thống cách nhiệt tại đỉnh và đáy; chiều dài xấp xỉ 100m.

Đất, bùn nhiễm dioxin sẽ được làm nóng tới nhiệt độ 335 độ C, thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt. Sau khi được xử lý, đất sẽ được kiểm tra an toàn với chỉ tiêu nồng độ dioxin thấp hơn 150ppt.

Toàn bộ hoạt động đào xúc, vận chuyển và xử lý được kiểm soát chặt bởi các chuyên gia đảm bảo an toàn cho công nhân và môi trường xung quanh.

Đến năm 2016, hoạt động xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn tất. 

Được biết, tại Việt Nam có 7 sân bay bị nhiễm dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trong đó, 3 sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa là các sân bay có mức độ phơi nhiễm dioxin cao nhất.

Theo số liệu của Ban 33, nồng độ phơi nhiễm chất dioxin trong đất tại sân bay Đà Nẵng có nơi lên đến 17.500ppt, vượt bình quân gấp 10-15 lần so với mức quy định cho phép.


Hiện biện pháp xử lý phơi nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát  và sân bay Biên Hòa chỉ m
ới dừng lại ở hoạt động cô lập khu vực ô nhiễm mà chưa có biện pháp xử lý triệt để như đối với sân bay Đà Nẵng.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn