Tăng trách nhiệm các Bộ trong quản lý Tập đoàn

Thời sựThứ Tư, 04/07/2012 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Đối với công tác cán bộ, quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành vì đó là Bộ theo sát quá trình sản xuất kinh doanh của DN.

\(VTC News) - Đối với công tác cán bộ, quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành vì Bộ quản lý chuyên ngành là người theo sát quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hơn bất cứ cơ quan nào khác.






Đó là ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về quan điểm mới của Chính phủ việc sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty nhà nước.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, việc sửa đổi sẽ theo hướng các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, đã được xác định. Những ngành nghề kinh doanh ngoài ngành nghề kinh doanh chính mà trước đây các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã đầu tư sang, đặc biệt là những ngành nghề có tính nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản sẽ tiến hành thoái vốn.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam tại buổi họp báo 

Nghị định mới cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu trước Nhà nước về đồng vốn, bảo toàn vốn...của Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ quản lý chuyên ngành.


Đặc biệt, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng như trong công tác tham gia vào các khâu theo quy định về vấn đề bổ nhiệm cán bộ.

Về vấn đề thành lập một cơ quan ngang Bộ quản lý doanh nghiệp, Bộ trưởng Đam cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Viện nghiên cứu làm đầu mối, lấy ý kiến rộng rãi về mô hình này. Trong khi chưa có phương án nào thuyết phục, tăng cường trách nhiệm quản lý của các Bộ chuyên ngành và của Bộ Tài chính.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Chính phủ một cơ quan thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, theo dõi, giám sát tình hình doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ làm theo mô hình này.

Đối với vấn đề giải quyết nợ xấu, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu vì đây chính là điểm mắc để doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn.

Một trong những giải pháp là nghiên cứu thành lập một doanh nghiệp mua bán nợ xấu, nhưng không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đợi thành lập doanh nghiệp này xong mới tiến hành xử lý nợ xấu mà ngay tới đây, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các Ngân hàng thương mại làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, có sự hỗ trợ ở mức cần thiết của cơ quan chính quyền các cấp để xử lý các khoản nợ.

Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn