Khiếu nại, tố cáo đất đai nhiều vì bồi thường thấp

Thời sựThứ Tư, 13/06/2012 11:44:00 +07:00

(VTC News)-Bộ trưởng TN&MT thừa nhận, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai nhiều do bồi thường hỗ trợ chưa công khai, giá bồi thường đất còn thấp.

(VTC News)- Trả lời chất vấn của ĐBQH sáng nay (13/6), Bộ trưởng TN&MT thừa nhận, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai nhiều do bồi thường hỗ trợ chưa công khai, giá bồi thường đất còn thấp.



ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi: "Bộ trưởng làm gì để giải quyết những điểm nóng đất đai, giải quyết những tồn đọng bức xúc trong thời gian qua? Trách nhiệm của Bộ?"

ĐBQH Bùi Thị An dồn dập tái chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về các vụ việc nóng liên quan đến đất đai, môi trường (Ảnh: Internet)
Bộ trưởng Quang thừa nhận, liên quan đến đất đai có nhiều diễn biến phức tạp ở tất cả các địa phương, nguyên nhân đơn thư khiếu nại tố cáo đất đai còn nhiều vì "chúng ta thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ta chưa đảm bảo dân chủ công khai, chưa kiên quyết thực hiện những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhà nước và người sử dụng đất. Giá đất bồi thường còn thấp, chưa xây khu tái định cư khi thu hồi, chưa tạo công ăn việc làm cho người dân khi thu hồi đất…"

Tuy nhiên, Bộ trưởng TN&MT cho rằng, Nghị định 69 của CP về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã có tích cực trong việc tạo công ăn việc làm khi thu hồi đất.

Bộ sẽ có tổng kết Nghị định này và báo cáo lại xem được hay chưa được cái gì, nhưng phần được khi thực hiện Nghị định này là giải quyết tương đối cơ bản những bức xúc hiện nay (giá đất, bồi thường, hỗ trợ) – "quyền lợi của người có đất bị thu hồi thì so với trước đây được cải thiện hơn nhiều, người dân đồng tình hơn. Nghị định 69 góp phần giải quyết căn bản những bức xúc tồn tại hiện nay" - Bộ trưởng Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) chất vấn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp GCN tất cả các loại đất trên toàn quốc, nhưng đến năm 2012 tỷ lệ này vẫn thấp, chưa đạt yêu cầu, trong khi việc này rất cấp bách, cơ bản và quan trọng để phục vụ cho phát triển KTXH đảm bảo ASXH ở địa phương. "Bộ trưởng cho biết những giải pháp mạnh sắp tới để thực hiện mạnh và nghiêm túc Nghị quyết Quốc hội đề ra?".

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, cấp GCN đất ở nông thôn tỷ lệ giao cấp GCN đạt trên 85% - đây là kết quả tương đối cơ bản, trong khi đất ở đô thị 63% và đất chuyên dùng 60% là tương đối thấp, thời gian tới cần có tập trung.

Nguyên nhân các trường hợp còn lại khó cấp GCN, theo Bộ trưởng Quang, do nguồn giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc phức tạp, vi phạm trong xây dựng công trình đó, vi phạm quy hoạch… "Xin các vị ĐB thông cảm, cán bộ cũng thiếu chuyên môn, có huyện chỉ có mấy cán bộ trong khi khối lượng công việc lớn, kinh phí đo đạc cần 30.000 tỷ nhưng thực tế chỉ có 1.000 tỷ/năm..."

Từ những tồn tại này, Bộ trưởng Quang khẳng định, đất ở đô thị và đất chuyên dùng sẽ cố gắng cấp GCN trên 80%, "còn hoàn thành cấp GCN thì... không biết bao giờ mới hoàn thành được, phải có kinh phí nguồn lực địa phương, trung ương và cố gắng đến 2015 sẽ hoàn thành" - Bộ trưởng Quang nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "không đồng ý" với Bộ trưởng Quang về việc đến 2015 mới hoàn thành cấp GCN. Chủ tịch cho rằng, chính sách có rồi, phải tổ chức hoạt động cho tốt, quyền của người dân là được cấp GCN và việc này cần cơ bản 2013 phải xong.

Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chốt: "phấn đấu 2013 xong cơ bản việc cấp GCN, theo đó, cấp xong trên 80% còn lại là đất đô thị và đất chuyên dùng và mong sự ra tay của các địa phương, sự ủng hộ của Bộ Tài chính".


Liên quan đến một số vụ việc "nóng" về đất đai hiện nay, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi "thái độ cụ thể của Bộ TN&MT để giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai như vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Cần Thơ, Vụ Bản... như thế nào?" ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng tiếp lời: "Các vụ trên Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra thế nào? kết quả đến đâu?"

Phần trả lời của Bộ trưởng Quang về nội dung này "tốn" khá nhiều thời gian, trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh, vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, mẹ con bà Lài ở Cần Thơ… "rất đáng tiếc, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của địa phương và trách nhiệm của chúng tôi".

Theo Bộ trưởng Quang, các vụ việc trên phải được giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật, trách nhiệm các cơ quan nhà nước, của người sử dụng đất. Theo đó, vụ Tiên Lãng, Bộ TN&MT cùng với Hải Phòng chủ động kiểm điểm trách nhiệm về việc không kiểm tra chặt chẽ để xảy ra vụ việc và cùng phối hợp xử lý như Thủ tướng chỉ đạo.

"Tiên Lãng là vụ việc rất đáng tiếc, là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc cho chúng tôi, nhất là cho các cán bộ làm trong lĩnh vực đất đai. Chúng tôi có ý kiến với Hải Phòng về diện tích đất gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã sử dụng sẽ giao tiếp theo hình thức thuê đất theo Luật hiện hành".

Về vụ việc ở Văn Giang (Hưng Yên), theo Bộ trưởng Quang, đây là dự án được phê duyệt lâu, kéo dài đến năm 2020, Bộ TN&MT vừa qua đã cử cán bộ xuống nắm tình hình và "thấy người dân không kêu ca phàn nàn về chính sách đền bù hỗ trợ, mà người dân đề nghị xem xét lại dự án này và thu hẹp lại, xử lý khu dịch vụ phần người dân được hưởng phải nằm trong khu đô thị đó. Quan điểm chúng tôi là phải thực hiện" - Bộ trưởng Quang nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời dài của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ĐB Bùi Thị An tái chất vấn: "Giải quyết theo luật thì đúng rồi, nhưng giải quyết sự việc này ai đúng ai sai xin Bộ trưởng tiết lộ?". Đáp lời, Bộ trưởng Quang nhận định: "Chị An hỏi rất khó, các vụ trên vụ Tiên Lãng có kết luận của Thủ tướng Chính phủ rồi, đúng sai thế nào, người sử dụng đất thế nào - trong kết luận đã rõ ràng, mời chị An... đến Bộ trao đổi cụ thể hơn".

Chất vấn về lĩnh vực môi trường, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng nêu rõ sự ô nhiễm nặng nề của hệ thống sông Nhuệ - Đáy hiện nay và với trách nhiệm của Bộ TN&MT thì đến bao giờ mới "trả lại đúng hệ sinh thái của dòng sông?".

Câu hỏi này, theo Bộ trưởng TN&MT cho rằng, giải quyết ô nhiễm lưu vực sông là bức bách và hết sức nan giải, nguồn lực của chúng ta rất có hạn, trách nhiệm xả thải liên quan nhiều đối tượng. Dẫn chứng, Bộ trưởng Quang nêu, ô nhiễm sông liên quan đến các đô thị, trong đó xả thải ra sông Nhuệ - Đáy có trách nhiệm của Hà Nội.

"Có lần tôi nói đùa Hà Nội phải bỏ tiền đền bù cho Hà Nam – tôi đề nghị Chính phủ và Hà Nội cũng phải quan tâm dành nguồn lực nhất định cho việc xử lý ô nhiễm lưu vực sông. Được biết hiện Hà Nội cũng đang bỏ tiền xử lý ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy, TP Hồ Chí Minh cũng xử lý hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai – cần có thời gian nhất định, kèm theo dó là ý thức của chúng ta nữa, bên cạnh đó là công tác thanh tra kiểm tra..."

Phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội lại nhắc Bộ trưởng trả lời trước cử tri "có trả lại dòng sông xanh không?" Bộ trưởng Quang tiếp lời: "Kiên quyết làm xanh lại, nhưng bao giờ xanh thì...cần thời gian". 

Một số ĐB tái chất vấn nhiều lần với Bộ trưởng TN&MT dù phần trả lời của vị Bộ trưởng này khá dài, tuy nhiên, kết thúc phần làm việc sáng nay (13/6), vẫn còn 17 ĐB chưa được chất vấn đối với Bộ trưởng Quang về các vấn đề mà cử tri của mình quan tâm.

Kiều Minh

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây



Bình luận
vtcnews.vn