Cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam tại Trường Sa

Thời sựThứ Bảy, 02/06/2012 06:30:00 +07:00

Khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa lớn.

Lá cờ bằng gốm này sẽ được đưa lên nóc tòa nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa. Khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa lớn.

Sáng 6.6, tại đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa sẽ diễn ra lễ khánh thành bức tranh bằng gốm in hình lá cờ Việt Nam với kích thước kỷ lục (12,4m x 25m) 310m.

Quốc kỳ Việt Nam bằng gốm thực hiện trên mái tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa lớn, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam.

Đây là sản phẩm từ ý tưởng của họa sỹ Nguyễn Thu Thủy - tác giả công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại Hà Nội, công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội.
Quốc kỳ khổng lồ bằng gốm tại Trường Sa 

Họa sĩ Thu Thủy cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, quốc kỳ Việt Nam bằng gốm nên xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo gần đường băng sân bay.

Sau hai cuộc họp và thảo luận, Bộ Tư lệnh Hải quân nhất trí nên đưa lá cờ bằng gốm lên nóc tòa nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa. Khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa lớn.

Mái tòa nhà hội trường có kích thước 14m x 30m là mái bằng có lợp tôn bên trên. Khi thi công, lá cờ gắn bằng gốm trên nóc nhà có kích thước 14m x 21m. Gốm phủ men nặng lửa màu đỏ tươi sẽ đảm bảo chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị bay màu.

Trung tâm bức tranh là bản đồ Việt Nam với ngôi sao vàng ở vị trí Thủ đô Hà Nội tỏa ánh hào quang ra bốn phương trời đất nước. Hình ảnh mang tính biểu trưng với hình rồng thời Lý cùng Khuê Văn Các, Chùa Một Cột của Hà Nội, chùa Thiên Mụ của Huế, Tháp Chàm Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng và tượng đài Bác Hồ.

Phía tiền cảnh diễn tả lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam gắn với biển Đông từ hình thuyền Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước, thuyền buồm lớn trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc đến thời đại Hồ Chí Minh.

“Đây là ý tưởng mới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nghệ thuật. Dự án phát huy chất liệu gốm sứ truyền thống lâu đời của cha ông” - Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng Đảo Trường Sa nhận xét.


Theo Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn