Hà Nội “mổ xẻ” những bất cập trong y tế và giáo dục

Thời sựThứ Ba, 03/04/2012 05:40:00 +07:00

(VTC News) - “5 năm tới xây thêm 10 bệnh viện với 3.800 giường bệnh - không biết có thực hiện được không khi 5 năm qua hầu như không xây được bệnh viện nào..."

(VTC News) – “5 năm tới xây dựng thêm 10 bệnh viện với 3.800 giường bệnh - không biết có thực hiện được không khi mà 5 năm qua hầu như không xây dựng được bệnh viện nào...”

Các ĐB HĐND TP. Hà Nội "mổ xẻ' nhiều vấn đề của TP trong kỳ họp HĐND khóa XIV.
Các ĐB HĐND băn khoăn như vậy tại buổi họp tổ chiều nay (3/4) của các ĐB HĐND TP Hà Nội trong kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XIV (từ 3-5/4/2012).


Một trong những nội dung buổi họp tổ này, các ĐB thảo luận về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, quy hoạch mạng lưới trường học và quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế, ĐB Bùi Đức Hiếu cho rằng, quy hoạch cả y tế lẫn giáo dục đều rất công phu, vẽ lên bức tranh rất đẹp, nhưng khó có tính khả thi.

ĐB Hiếu đưa ví dụ về quy hoạch y tế đặt ra chỉ tiêu 5 năm tới xây dựng thêm 10 bệnh viện mới với 3.800 giường bệnh hay trong 10 năm tới xây thêm 25 bệnh viện với hơn 40.000 tỷ đồng đầu tư nhưng “không biết có thực hiện được không - khi mà 5 năm qua hầu như không xây dựng được bệnh viện nào”, ngay như bệnh viện Mê Linh với 1.000 giường bệnh bao nhiêu năm qua cũng vẫn…ì ạch.

Theo ĐB Hiếu, trong quy hoạch hơn 40.000 tỷ đồng đầu tư cho y tế nhưng chỉ thấy tập trung cho xây dựng bệnh viện, trong khi trang thiết bị y tế lại không được nói đến.

ĐB này tiếp tục phân tích tình trạng quá tải trong các bệnh viện ở Hà Nội, tình trạng người bệnh đăng ký giường bệnh chỉ để được…ngồi.

“Anh Triệu (ông Nguyễn Quốc Triệu – nguyên Bộ trưởng Y tế - PV) khi ngồi ghế Bộ trưởng bảo xóa 2 người/giường bệnh nhưng giờ vẫn nhiều người/1 giường. Nguyên nhân phải chăng thiếu đầu tư cho cơ sở y tế tuyến dưới, thiếu đầu tư nguồn nhân lực,đầu tư trang thiết bị còn yếu… - ĐB Hiếu tiếp tục băn khoăn.


Về cơ chế chính sách cho đội ngũ làm y tế, ĐB Hiếu cũng đưa ra thực tế nhiều bác sỹ giỏi đã bỏ bệnh viện công ra làm cho bệnh viện tư với mức lương 70-80 triệu đồng/tháng. “Cần phải nghĩ đến chế độ đãi ngộ, nếu không bệnh viện công lập khó có bác sỹ giỏi” – ĐB Hiếu nói.

“Mổ xẻ” băn khoăn chung, ĐB Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, trong các loại quy hoạch thì nhóm giải pháp về tổ chức quản lý quy hoạch là quan trọng. Phân tích ý kiến này, ĐB Nam đưa ví dụ trong thực tiễn, khi kiểm đếm 17 khu nhà thì chỉ có 1 khu nhà có bãi đỗ xe, 16 khu khác không có bãi đỗ xe, nên “xe để tràn ra vỉa hè là phải!”. Hay qua kiểm đếm nhiều khu nhà cũng cho thấy không có cơ sở y tế - ĐB Nam cho rằng, vấn đề không phải là không có quy hoạch mà là không có tổ chức và quản lý quy hoạch.

Về giáo dục, nhiều ĐB băn khoăn khi nhu cầu quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2030 cần xây mới 1.215 trường học với 12.165.854 m2 đất, kinh phí 71.395 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012-2020 xây mới 635 trường (công lập 439 trường, ngoài công lập 196  trường) – theo quy hoạch này thì các ĐB băn khoăn “nguồn lực ở đâu?”. Các ĐB đề nghị cần phải tính toán để khi các ĐB HĐND biểu quyết thấy yên tâm chứ không phải quy hoạch “cho hay” thì không nên!

Tuy nhiên, cũng có ĐB lại có cái nhìn khả quan hơn, cho rằng, quy hoạch “vẽ cứ vẽ, làm cứ làm, phải có cái nhìn hiện thực một chút”, theo đó, khi đưa ra quy hoạch thì trước hết là sẽ giữ được quỹ đất, cùng với đó, quy hoạch là động chứ không phải là tĩnh, theo đó, những gì cần thiết sẽ tiếp tục được bổ sung.

Một số nội dung khác cũng được các ĐB tập trung thảo luận, như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), có ĐB đề nghị quy hoạch nên tính đến hệ thống kiểm định ATTP cho người dân yên tâm vì hiện người dân không biết cơ quan nào công bố việc kiểm định ATTP nên gây nên tình trạng hoang mang, ngộ nhận.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn