Nhiều sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà

Thời sựThứ Ba, 03/04/2012 11:34:00 +07:00

Đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng, mua sắm máy móc kém chất lượng gây lãng phí hàng chục tỉ đồng...

Đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng, mua sắm máy móc kém chất lượng gây lãng phí hàng chục tỉ đồng, quản lý vốn lỏng lẻo để cá nhân chiếm hưởng... là hàng loạt sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà.

Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết Tập đoàn Sông Đà (TĐSĐ) đã đầu tư vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính trên 2.355 tỉ đồng. Theo TTCP, tại thời điểm kiểm tra, TĐSĐ dù đã có nghị quyết thoái vốn nhưng vẫn không thu hồi được, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn của nhà nước.

Các đợt thanh tra, kiểm tra tại TĐSĐ của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, phần lớn khoản đầu tư bên ngoài của TĐSĐ là cho các đơn vị thành viên vay lại. Trong khi đó, nhiều đơn vị thành viên cũng lâm vào cảnh kinh doanh kém hiệu quả hoặc thua lỗ.

Nhiều sai phạm đã được phát hiện tại nhà máy xi măng Đồng Bành thuộc Tập đoàn Sông Đà.

Ngoài tập đoàn mẹ, nhiều  đơn vị thành viên cũng đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ cả ngàn tỉ đồng. Trong đó, Tổng công ty lắp máy Việt Nam: trên 3.732 tỉ đồng; Tổng công ty cơ khí xây dựng: 264 tỉ đồng; Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng: trên 62,4 tỉ đồng... TĐSĐ, Công ty BOT hầm đường bộ Đèo Ngang trích khấu hao tài sản cố định trên 27 tỉ đồng, làm giảm lợi nhuận sau thuế gần 20 tỉ đồng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 7,5 tỉ đồng.

Trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại các công ty thành viên, TTCP phát hiện nhiều vi phạm gây lãng phí, thất thoát. Tổng công ty Sông Hồng được Bộ Xây dựng phê duyệt chủ đầu tư dự án Nhà máy đèn huỳnh quang có tổng mức đầu tư trên 43 tỉ đồng nhưng khi triển khai thực hiện đã cho nhập thiết bị của Trung Quốc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Hậu quả sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, đến khi cổ phần hóa Tổng công ty Sông Hồng thì toàn bộ thiết bị máy móc này bị loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp nhưng trách nhiệm các bên liên quan không được làm rõ.

Đáng chú ý, tại Công ty CP lắp máy và điện nước số 3 (COMA3) thuộc Tổng công ty cơ khí xây dựng có dấu hiệu để cán bộ, nhân viên chiếm dụng gần 48 tỉ đồng không đòi lại được. TĐSĐ không thực hiện chức năng chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, để cho các doanh nghiệp đối tác thực hiện dự án khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tương tự, TĐSĐ tự ý chuyển nhượng dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và thu tiền trái quy định. Tại một số dự án khác, TTCP phát hiện TĐSĐ điều chỉnh mức vốn đầu tư đội lên hàng trăm tỉ đồng so với ban đầu nhưng chưa giải trình rõ ràng được chi phí phát sinh.

Tổng hợp các vi phạm tại TĐSĐ và các đơn vị thành viên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xử lý sai phạm về kinh tế với số tiền trên 10.500 tỉ đồng. Kiến nghị giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, TĐSĐ và UBND TP.Hà Nội  kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân. Đồng thời  giao Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng điều tra làm rõ vụ chiếm dụng số tiền gần 48 tỉ đồng tại Công ty COMA3 và việc thực hiện dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành do mua sắm, lắp đặt thiết bị không đúng thông số kỹ thuật, đội vốn đầu tư.

 Nhà máy xi măng Đồng Bành do Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) làm cổ đông chính, Công ty CP xi măng Đồng Bành làm chủ đầu tư. DA có tổng mức đầu tư là 1.505 tỉ đồng, công suất 900.000 tấn/năm,  sử dụng vốn vay của ngân hàng ANZ 42 triệu USD do Chính phủ bảo lãnh và vay trong nước. Dự án xây dựng từ 2005, đến 31.12.2010 đã đi vào hoạt động, nhưng tới nay đã rơi vào thua lỗ nặng, con số công bố ban đầu là 145 tỉ đồng. Năm 2010, Bộ Xây dựng qua tiến hành kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán dự án này. Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng của Bộ Công an đã vào cuộc điều tra. (Xuân Vũ)

Theo Thanhnien
Bình luận
vtcnews.vn