Bộ trưởng Thăng: Con số công bố sẽ gây choáng váng

Thời sựThứ Bảy, 24/03/2012 05:42:00 +07:00

(VTC News) - “Tôi dám chắc con số công bố sẽ làm mọi người choáng váng”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn thừa nhận.

(VTC News) - “Việc công trình giao thông bị chậm, chất lượng kém dẫn đến thiệt hại về kinh tế rất nhiều, tôi dám chắc con số công bố sẽ làm mọi người choáng váng”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn thừa nhận.

>> Bộ trưởng Thăng 'dọa' cách chức Thứ trưởng nếu sập cầu

Thêm cơ chế xử lý người đứng đầu

Đánh giá tại Hội nghị Quản lý tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình giao thông, vừa diễn ra ngày 23/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Báo cáo về công tác quản lý quản lý tiến độ và chất lượng công trình của Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT-PV) vẫn còn né tránh tổng số tiền bị thiệt hại do công trình chậm tiến độ và chất lượng kém, các công trình chậm, chất lượng kém dẫn đến thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Tôi dám chắc con số công bố sẽ làm mọi người choáng váng”.

“Có nhiều người nhắn tin cho tôi nói họ sẵn sàng nộp phí, nhưng quan trọng là việc quản lý sử dụng thế nào, chất lượng, tiến độ công trình có đảm bảo không”, Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. 
Đánh giá về chất lượng công trình giao thông trong năm qua, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn: “Chất lượng và tiến độ công trình giao thông đã nói rất nhiều, nhưng chưa chuyển biến được bao nhiêu. Có nhiều người nghĩ rằng đã là công trình giao thông phải chậm tiên độ, chất lượng kém… Năm ngoái kiểm tra 9 dự án, thì cả 9 đều có vấn đề”.

“Đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình là phải làm được, đấy là trách nhiệm của chúng ta. Cứ báo cáo là năm sau chất lượng công trình nâng cao hơn năm trước, cứ mãi như vậy không biết bao lần nâng cao nữa mới đạt được yêu cầu”, Bộ trưởng Thăng đặt câu hỏi với các lãnh đạo quản lý giao thông vận tải.
Để đảm bảo tiến độ, và nâng cao chất lượng công trình giao thông trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải có quy chế quy định trách nhiệm người đứng đầu, người đứng đầu phải có trách nhiệm với dân, vì đường được làm từ thuế của dân, vốn ODA thì sau này người dân cũng phải nộp thuế để trả nợ, không thể để người dân bức xúc như hiện nay được. Từng đơn vị, từng chủ thể phải nâng cao năng lực và trách nhiệm, trước hết là từ lãnh đạo Bộ, có dám xử lý sai phạm không.

Với các Ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư), để có thể xử lý trách nhiệm Bộ trưởng Thăng yêu cầu các đơn vị giúp việc phải rà soát lại việc phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ tối đa cho đại diện chủ đầu tư. Vì hiện nay đụng đến cái gì các Ban quản lý đều trình lên Bộ để ký, vừa mất thời gian vừa không quy định được trách nhiệm của Ban quản lý.

“Anh không làm được thì để người khác làm, đấy là chuyện bình thường. Anh muốn làm lãnh đạo nhưng sợ ký, sợ chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thăng nói.

Trước thực trạng nhiều hợp đồng xây dựng được ký kết sơ sài, không quy trách nhiệm các bên, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn nhìn nhận: “Hay mình cố tình ký các hợp đồng dễ dãi như vậy để sau này điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh thiết kế, giá thành… Vì vậy, tới đây phải quy định công trình nào được điều chỉnh, cái nào không, chứ không phải là trình lên Bộ, Bộ Tài chính là được duyệt. Ở mình giờ là biết kiểu gì cũng điều chỉnh được nên phát sinh cơ chế xin cho, phát sinh tiêu cực”.

Với các nhà thầu thi công, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải ban hành danh mục các nhà thầu, các đơn vị đủ điều kiện xây dựng công trình giao thông. Phải gạt ra các đơn vị làm yếu nhưng “chạy” khỏe. Phải đưa tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, và công bố rộng rãi như vậy hoàn toàn có thể gạt được các đơn vị yếu.

Hàng loạt các vấn đề khác làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình cũng được người đứng đầu ngành Giao thông yêu cầu phải thay đổi, từ tư duy đến hành động, như việc quy định lựa chọn nhà thầu theo giá bỏ thầu; các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận và xử lý phản biện xã hội; chuẩn bị nguồn vốn đầu tư; tư vấn giám sát, tư vấn thiết ké yếu về năng lực, trách nhiệm; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; đổi mới công nghệ…

“Chúng ta phải làm sao cùng thấy được ý nghĩa việc này, để cùng đồng lòng quản lý tốt tiến độ và nâng cao chất lượng công trình, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, đất nước. Trong bối cảnh nguồn đầu tư có hạn thì phải làm công trình cho ra công trình, đừng vì lợi ích cục bộ của cá nhân, nhóm cá nhân làm ảnh hưởng tới lợi ích chung”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Hầu hết công trình giao thông chậm tiến độ

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện nay số dự án giao thông đang triển khai khoảng 168 dự án (gồm cả tiểu dự án), chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Trong thời gia vừa qua, các công trình xây dựng giao thông hầu hết đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu đề ra, nhiều công trình bị kéo dài 2 - 3 năm.

Về tiến độ công trình giao thông, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá: “Nguyên nhân là do sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của nhà thầu... Song nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu sự quyết liệt của các chủ thể tham gia dự án, từ chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, chưa thực sự tạo thuận lợi cho các nhà thầu tham gia xây dựng, nhất là về kinh phí thực hiện”.

Bộ trưởng Thăng thừa nhận: Số tiền thiệt hại vì công trình giao thông chậm tiến độ, chất lượng kém công bố ra sẽ làm mọi người choáng váng. Ảnh chụp Quốc lộ 48 sau 1 năm đưa vào sử dụng sau cải tạo, nâng cấp.
Về chất lượng, ông Việt cũng cho rằng, trong quá trình thi công xây dựng đã xảy ra những hư hỏng tại một số dự án, như: Lún sụt nền đường, sụt lở đường hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật; Mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công... Nhiều công trình sau một thời gian khai thác đã xuất hiện hiện tượng lún, bị phá vỡ kết cấu mặt đường, độ bằng phẳng mặt đường (IRI) không đảm bảo…
Bên cạnh đó, năng lực chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát vẫn còn yếu kém, bất cập, năng lực hạn chế… Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quản lý chất lượng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Long, phó chủ tịch Hội khoa học kĩ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, tiến độ, chất lượng công trình đang rất đáng báo động. Chúng ta nói nhiều đến “phát biển bền vững”, trong đó chất lượng công trình là yếu tố đầu tiên tác động đến mục tiêu đó.

“Thời gian gần đây chất lượng công trình kém, thử hỏi làm sao phát triển được bền vững. Nhiều công trình chỉ sử dụng một vài năm đã thấy rõ chất lượng yếu kém, tuổi thọ giảm sút, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tăng lên... gây lãng phí”, ông Long đánh giá.

Bộ trưởng Thăng lại “dọa” cách chức cấp phó

Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức làm “Tổng chỉ huy về chất lượng và tiến độ công trình”, phải chịu trách nhiệm số một về vấn đề này.

“Thứ trưởng Đông có quyền chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, cái gì khó khăn quá không xử lý được thì báo cáo lên Bộ trưởng, tập thể Đảng để giải quyết. Nếu không báo cáo mà vẫn xảy ra tình trạng chất lượng công trình kém thì Thứ trưởng phải chịu”, Bộ trưởng Thăng nói thêm.

Bộ trưởng Thăng khằng định: “Trước khi tôi bị mất chức về chất lượng công trình, thì anh Đức phải mất chức trước, vì tôi đã giao anh Đức làm Tổng chỉ huy về chất lượng và tiến độ công trình”.

Tại hội nghị, người đứng đầu ngành giao thông cũng không quên nói vui: “Năm nay mà không có chuyển biến về chất lượng công trình, thì Cục quản lý chất lượng công trình giao thông đi làm việc khác. Vì anh giúp tôi quản lý chuyên ngành về chất lượng”.

Được biết, Bộ Giao thông vận tải đã chọn năm 2012 là “Năm chất lượng công trình giao thông”.


Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn