Giao thông được đầu tư phần lớn trái phiếu Chính phủ

Thời sựThứ Tư, 21/03/2012 04:38:00 +07:00

(VTC News) – Tổng vốn trái phiếu Chính phủ thu xếp được trong giai đoạn 2012-2015 là 180.000 tỷ đồng, trong đó hơn 92.700 tỷ đầu tư cho giao thông...

(VTC News) – Tổng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) thu xếp được trong giai đoạn 2012-2015 là 180.000 tỷ đồng, trong đó hơn 92.700 tỷ đầu tư cho giao thông, thậm chí có ý kiến đề nghị 13.010 tỷ đồng trái phiếu dự phòng cũng nên tập trung cho các công trình giao thông trọng điểm.


Hơn một nửa trái phiếu Chính phủ “đổ” vào giao thông

Buổi làm việc chiều 20/3, UB TVQH cho ý kiến về về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012, Phương án phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2011-2015.

Nguồn vốn TPCP cho giao thông năm 2012 là hơn 23.630 tỷ đồng (chiếm trên 50%) - Ảnh: Internet.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng vốn trái phiếu Chính phủ thu xếp được trong giai đoạn 2012-2015 là 180.000 tỷ đồng. Chính phủ dự kiến sử dụng hơn một nửa số tiền này (hơn 92.700 tỷ) đầu tư cho giao thông. Số còn lại dành cho thủy lợi (39.400 tỷ), giáo dục (8.800 tỷ), y tế (20.000 tỷ), tái định cư thủy điện Sơn La (6.000 tỷ) và 13.000 tỷ dự phòng.

Cùng với đó, Chính phủ đưa phương án bố trí 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2012, trong đó, nguồn vốn cho giao thông hơn 23.630 tỷ đồng (chiếm trên 50%), thủy lợi gần 10.740 tỷ, giáo dục 4.280 tỷ, y tế 4850 tỷ, tái định cư thủy điện Sơn La 1.500 tỷ.

Theo Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì UB đề nghị Chính phủ thực hiện phân bổ 180.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2012-2015 và năm 2012, không sử dụng vượt trần vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỷ đồng để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo Chủ nhiệm Hiển, thực hiện phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 trong trung hạn (4 năm) cho các Bộ, ngành và địa phương để chủ động rà soát cắt, giảm theo các tiêu chí nêu trên.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát mức phân bổ cho hợp lý, dựa trên nguyên tắc và trật tự ưu tiên đã được xác định như trên, rà soát lại theo tỷ lệ phân bổ giai đoạn 2003 - 2011, năm 2012 và cả giai đoạn 2012 - 2015 cho hợp lý. Đảo đảm công bằng giữa các địa phương, thực tế có địa phương được bố trí quá cao, có địa phương được bố trí quá thấp.

Cũng có ý kiến đề nghị, đối với các địa phương có tổng mức đầu tư dưới 1.000 tỷ đồng đề nghị bố trí đủ vốn cho cả giai đoạn.

Cũng theo ông Hiển, các ý kiến trong UB TCNS không nhất trí để dự phòng 13.010 tỷ đồng để bù đắp phần tăng vốn do điều chỉnh chính sách và trượt giá, theo đó đề nghị bố trí số kinh phí này để tập trung cho các công trình giao thông trọng điểm do trung ương quản lý. Một số ý kiến đề nghị phân bổ cho các công trình giao thông ở cả trung ương và địa phương.


Bố trí ngân sách cho chương trình MTQG 21.086,6 tỷ đồng

Cũng trong chiều cùng ngày, UB TVQH cho ý kiến về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, giai đoạn 2006 - 2010 có 12 Chương trình MTQG với 97 dự án và đề án thành phần; Năm 2011 có 15 Chương trình MTQG với 78 dự án và đề án thành phần; Giai đoạn 2012 - 2015 có 16 Chương trình MTQG với 67 dự án và đề án thành phần. Hiện Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh và thống nhất được 67 dự án thành phần thuộc 16 Chương trình MTQG.

Về dự kiến phương án phân bổ vốn chương trình MTQG năm 2012, Quốc hội đã thông qua tổng nguồn lực cho thực hiện các Chương trình MTQG năm 2012 là 23.194,6 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư là 8.448 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp là 14.746,6 tỷ đồng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thông báo dự kiến bố trí ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG năm 2012 là 20.016,6 tỷ đồng, tăng khoảng 11,7% so với năm 2011, chiếm khoảng 2,3% dự kiến tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012. Trong đó, vốn đầu tư là 8.448 tỷ đồng, tăng khoảng 16,3% so với năm 2011 và vốn sự nghiệp là 12.507,6 tỷ đồng, tăng khoảng 8,79% so với năm 2011.

Ngoài ra, cùng với 131 tỷ đồng vốn viện trợ của các nhà tài trợ (Đan Mạch, Canada) bổ sung cho thực hiện Chương trình MTQG Ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình MTQG Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì dự kiến bố trí ngân sách TƯ thực hiện các chương trình MTQG năm 2012 là 21.086,6 tỷ đồng, tăng khoảng 12,4% so với năm 2011, chiếm khoảng 2,33% dự kiến tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012. Trong đó vốn đầu tư là 8.518 tỷ đồng, tăng khoảng 17,26% so với năm 2011, vốn sự nghiệp là 12.568,6 tỷ đồng, tăng khoảng 9,32% so với năm 2011.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ, để bảo đảm công bằng, minh bạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện của từng chương trình, đề nghị Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh lại mức phân bổ cho từng chương trình phù hợp với tổng mức vốn đầu tư đã được Quốc hội quyết định, phù hợp với kế hoạch vốn trong cả giai đoạn 2011-2015, tránh việc bố trí vốn cho một số chương trình quá lớn, có chương trình lại quá thấp, không bảo đảm nguồn lực để hoàn thành mục tiêu của chương trình đến năm 2015.

UB TCNS cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về nhu cầu và đề xuất của địa phương cho từng Chương trình MTQG để có căn cứ phân bổ nguồn lực cho các địa phương  sát với nhu cầu thực tế.

Cùng với đó, việc không có kế hoạch huy động từ các nguồn vốn khác là chưa đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị 1792 là “từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công”, trong khi nguồn vốn khác chiếm 62% trong tổng số nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2015.

“Việc chưa làm rõ khả năng huy động và cam kết của các nguồn vốn khác có thể không bảo đảm huy động đủ các nguồn lực để thực hiện mục tiêu của các Chương trình MTQG theo kế hoạch đã đề ra” – Chủ nhiệm UB TCNS lo ngại.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn