Bình Định: Tin thầy bói mù quáng, bị dẫm đạp đến chết

Thời sựThứ Bảy, 10/03/2012 03:59:00 +07:00

Câu chuyện về gia đình ông Ngô Ngọc Duy (64 tuổi, Bình Định) với nỗi ám ảnh trùng tang là câu chuyện đầy những tình huống bi hài, đau xót.

Câu chuyện về gia đình ông Ngô Ngọc Duy (64 tuổi, ngụ xã Tây An, Tây Sơn, Bình Định) với nỗi ám ảnh trùng tang là câu chuyện đầy những tình huống bi hài, đau xót. Không ai có thể ngờ trong thời buổi hiện nay lại có những chuyện “thật như bịa” đến thế.

Trùng tang vì “thất đức”?

Ông Ngô Ngọc Duy có vợ là bà Trần Thị Liễu, con gái là chị Ngô Thị Thơm. Trong thời gian làm việc tại TP.HCM, chị Thơm quen với Huỳnh Thị Hữu Duyên (26 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng quê Bình Định.

Sau lần về nhà chị Thơm chơi, giữa năm 2008, Duyên chuyển đến ở nhờ và được vợ chồng ông Duy đồng ý. Duyên được coi như con cái trong nhà…

Cuối năm 2008, mẹ bà Liễu chết. Cả gia đình vừa lo chôn cất mẹ được vài ngày, chị gái bà Liễu lại đột ngột qua đời. Vốn chẳng bệnh tật, mẹ và chị mất cách nhau chưa đầy tuần lễ khiến cả gia đình quay quắt sợ hãi, câu chuyện trùng tang dậy lên khắp một vùng quê nghèo.


Họ lật đật đi xem bói mong tìm ra lý do để hóa giải tai ương, người thầy bói cho biết do mẹ bà Liễu chết phải giờ độc nên người con phải đi theo và sẽ còn nhiều người khác.

Huỳnh Thị Hữu Duyên. 

Không hiểu do bấn loạn tinh thần, cũng từ đó ông Duy chợt cảm thấy căn nhà bao nhiêu năm gắn bó trở nên bất thường.

Đêm khuya, khi gia đình vừa tắt đèn đi ngủ ông cảm thấy văng vẳng bên tai tiếng kêu của dao búa, bàn ghế…những tiếng động như từ “cõi âm” dội về.

Chứng kiến câu chuyện của gia đình bạn, Huỳnh Thị Hữu Duyên (người ở nhờ) nói với ông Duy có ai đó mách bảo mình rằng gia đình ông ăn ở thất đức nên bị các “ngài” quở phạt, nếu không cúng bái cẩn thận thì bà Liễu sẽ là người tiếp theo phải chết.

Duyên lý giải “ngài” là người vô hình không ai thấy được, chỉ có người cõi âm nhập vào người sống mới thấy được “ngài”.

Lo sợ, hoảng loạn, ông Duy tất tả chi tiền để Duyên lo mua sắm trái cây, xôi gà để cúng “ngài” tại nhà, rồi mang cả tiền lên chùa để cúng. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt cứ thế đội nón ra đi theo những lời lẽ mà Duyên đưa lối, dẫn đường.

Không còn tiền cúng “ngài”, ông Duy được Duyên cho vay để cúng tiếp. Cuối cùng ông phải viết giấy bán chiếc xe gắn máy là phương tiện đi làm của đứa con trai cho Duyên để trừ nợ với giá 11 triệu đồng.

Bi kịch gia đình


Câu chuyện chưa dừng lại ở đó mà bi kịch thật sự đến với gia đình ông Duy khi xảy ra cái chết của người vợ với một lý do rất “trời ơi”, gia đình ngập trong nợ nần chồng chất.

Đầu năm 2009, chị Thơm cùng em gái trở lại TP.HCM làm việc, thuê một căn nhà ở quận 12 ở cùng với Duyên và Hạnh.

Sau ít ngày, Duyên lại cho biết có “ngài” hiện về báo mộng rằng gia đình chị Thơm sắp gặp “nạn”, phải để Duyên cúng giùm để khỏi bị phạt nếu không bà Liễu sẽ chết.

Tin lời, tháng 9/2009, bà Liễu chuyển vào ở cùng để Duyên “giúp đỡ”. Ngày qua ngày, bốn chị em Thơm đi làm công nhân lấy tiền bao ăn uống, thuê nhà cho Duyên còn lại đưa để nữ “thầy bói” này cúng bái.

Bấy nhiêu vẫn không đủ, Duyên tiếp tục yêu cầu ông Duy gửi vào tài khoản của Hạnh 48,9 triệu đồng để rút ra tiêu xài.

Để “cứu” bà Liễu, ngày nào Duyên cũng dùng tay, chân, cái chày, thậm chí đứng cả hai chân nhảy trên người rồi đạp, đánh đập bà Liễu để “ngài” không phạt bà nữa. Sau gần một năm bị dày vò, ngày 14/8/2010, bà Liễu bị Duyên dùng chân đạp lên người dẫn đến trọng thương và tử vong trước khi vào Bệnh viện quận Gò Vấp để cấp cứu.

Cái chết của bà Liễu như thức tỉnh cả gia đình. Ông Duy cùng con cái làm đơn tố cáo, đề nghị xử lý Duyên vì đã gây ra cái chết cho người thân, đồng thời đòi lại chiếc xe gắn máy và hơn 65 triệu đồng bao gồm 48,9 triệu đã gửi cho Duyên cùng khoản tiền mai táng phí, tổn thất tinh thần.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận 12 (TP.HCM) tuyên phạt Huỳnh Thị Hữu Duyên 4 năm tù về tội “hành nghề mê tín dị đoan”, tuyên trả lại chiếc xe máy cho gia đình nạn nhân, buộc bị cáo phải bồi thường hơn 65 triệu đồng cho gia đình bị hại. Duyên làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ông Duy cũng kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với Duyên.


Tại tòa, Duyên tỉnh rụi khai nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình không có lỗi trong việc gây ra cái chết của nạn nhân, lỗi do họ tự nguyện, bị cáo cũng xin tòa trả lại chiếc xe máy vì bị cáo có giấy tờ do ông Duy đã ký bán (?).

Tuy nhiên, do bị hại trình bày có làm đơn kháng cáo nhưng hồ sơ vụ án cấp phúc thẩm không thấy có, nên phiên tòa phải hoãn để kiểm tra lại.

Nhìn bị cáo bước ra khỏi phòng xử án, chị Thơm cùng gia đình hướng cặp mắt đầy oán trách vào kẻ “phản bội lòng tin”. Họ ấm ức kể lại bi kịch gia đình, vì Duyên mà người mẹ đã phải chịu những trận đòn xé da xé thịt, vì Duyên mà cả gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất…


Thế nhưng, vì đâu nên nỗi? Giá như gia đình nạn nhân không quá mê tín đến mức khờ khạo thì có lẽ sự việc đáng tiếc đã không xảy ra. Chứng kiến câu chuyện của họ, nhiều vừa giận mà vừa thương…

Mai Phượng

Bình luận
vtcnews.vn