Hà Nội cấm trông xe: Phạt nhiều, vi phạm vẫn lắm

Thời sựThứ Năm, 01/03/2012 04:17:00 +07:00

(VTC News) - Hôm nay, nửa tháng sau khi Hà Nội chính thức cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố, tình trạng vi phạm vẫn tràn lan.

(VTC News) - Hôm nay, nửa tháng sau khi Hà Nội chính thức cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố, tình trạng vi phạm vẫn tràn lan.

>> Giá gửi xe: Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết
>>Cấm đỗ xe tuyến chính, ô tô chui vào ngõ nhỏ
>> Cấm giữ xe: Hy sinh lợi ích thiểu số vì 7 triệu dân HN

Biết cấm vẫn vi phạm

Theo ghi nhận của phóng viên trong chiều 29/2, tại rất nhiều tuyến phố cấm trông giữ xe của Hà Nội, tình trạng xe dừng đỗ vẫn diễn ra rất tràn lan. Không chỉ đỗ trên vỉa hè, nhiều xe ô tô còn đỗ tràn xuống lòng đường gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác lưu thông trên đường. Còn tình trạng xe máy dừng đỗ trên vỉa hè thì hầu như tuyến đường cấm nào cũng có.

Bãi giữ xe vẫn tiếp tục hoạt động trên phố Đinh Tiên Hoàng, cảnh biển cấm dừng đỗ là biển cho taxi đỗ không quá 5 phút. 

Ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng (bờ hồ Hoàn Kiếm – quận Hoàn Kiếm), tuyến phố này thuộc diện cấm hoàn toàn trông giữ phương tiện dưới lòng đường và trên vỉa hè, tuy nhiên, điểm trông giữ ô tô, xe máy ở đầu tuyến phố này tới nay vẫn hoạt động tấp nập, xe nườm nượp vào ra.

Ở đầu đoạn giải phân cách có biển cho phép taxi đỗ không qua 5 phút, ngay bên cạnh lại là biển cấm xe dừng đỗ. Nhưng phía sau hai tấm biển này là điểm trông giữ ô tô và xe máy, với cả chục ô tô và hàng trăm xe máy đang được gửi, đa phần là xe cá nhân, chỉ lác đác một vài chiếc taxi đỗ lại.

Chỉ trong khoảng 5 phút, có hàng chục xe máy ra vào, nhân viên trông giữ vẫn xé vé và thu tiền như bình thường. Thậm chí, đoạn giữa bãi có hai tấm biển nhỏ đề điểm trông giữ ô tô và xe máy, với mức giá xe máy là 2.000 đồng/xe, nhưng thực tế nhân viên lại yêu cầu người gửi phải trả 5.000 đồng/xe.

Trên vỉa hè phố Bà Triệu (đoạn qua quận Hoàn Kiếm) tình trạng dừng đỗ xe máy, ô tô trên vỉa hè cũng diễn ra rất phổ biến. Một số đoạn vỉa hè bị chiếm dụng hoàn toàn để làm điểm đỗ ô tô.

Phố Bà Triệu cấm trông giữ xe cả vỉa hè và lòng đường, nhưng ở đoạn này vẫn có hàng chục ô tô tới đỗ cả ngày. 

Trong khi đó, tại điểm trông giữ ô tô có phép trên vỉa hè phố Quán Sứ (đoạn vỉa hè bệnh viện Việt Đức – quận Hoàn Kiếm, tuyến đường này thuộc diện cấm dừng đỗ xe dưới lòng đường), do vỉa hè nhỏ, nên để tăng sức chứa, các xe được sắp xếp đỗ theo chiều chắn ngang vỉa hè, một nửa thân xe nằm trên vỉa hè, nửa phần còn lại nằm dưới lòng đường.

Tại nhiều tuyến đường khác nằm trong danh sách cấm trông giữ phương tiện của Thành phố, tình trạng xe dừng đỗ vẫn tràn lan, như lòng đường Nguyễn Trãi, Xã Đàn, vỉa hè đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Phố Huế, Láng Hạ…

“Dù biết là phố cấm, đỗ xe ở đây là vi phạm, nhưng gần đây cũng không có điểm để gửi xe, có muốn gửi cũng chả biết đi đâu. Với lại, mình chỉ vào đây giải quyết chút việc rồi đi ngay, nên đành đỗ tạm”, anh Nguyễn Văn Hưng, vừa vừa buốc xuống trên chiếc ô tô màu trắng đỗ trên đường Xã Đàn cho biết.

Tìm cách “trốn” lực lượng chức năng

Đặc biệt, vào những khung thời gian lực lượng chức năng nghỉ không đi kiểm tra như về đêm, giờ nghỉ trưa, các ngày cuối tuần… các xe dừng đỗ trên phố cấm đặc biệt tăng mạnh.

Theo thống kê xử phạt của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), trong 12 ngày đầu ra quân xử lý xe vi phạm về dừng đỗ (tình từ ngày 16 - 27/2/2012), lực lượng Thanh tra giao thông tại 9 quận đã lập biên bản 468 trường hợp dừng đỗ sai quy định, tạm giữ 14 xe. Trong đó chủ yếu là ô tô, tập trung nhiều ở quận Hoàm Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Riêng trong ngày 29/2, lực lượng Thanh tra giao thông đã lập biên bản 92 trường hợp dừng đỗ sai quy định, tạm giữ 5 xe.

Khi Thành phố bắt đầu lên đèn, là lúc tình trạng vi phạm gia tăng theo. Ô tô đỗ trên lòng đường Xã Đàn, dù các điểm trông xe ở đây đã bị rút giấy phép, xóa vạch sơn. 

Ông Trần Đang Hải, Phó Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Lực lượng chức năng vẫn thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Nói chung là tình hình vi phạm đã có nhiều tiến bộ so với trước, vỉa hè, lòng đường đã thông thoáng hơn”.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, vi phạm là vẫn còn, và thường tập trung nhiều vào buổi trưa và tối, khi lực lượng chức năng đã nghỉ làm. “Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục thường xuyên đi kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm, để có tính răn đe, tạo thành ý thức chấp hành của người dân”.

Về việc bố trí các điểm đỗ, các tuyến phố được trông giữ phương tiện, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Sở này đã có tờ trình hơn 250 tuyến phố để cấp phép được trông giữ phương tiện, đáp ứng nhu cầu người dân, tuy nhiên, vẫn phải đợi Thành phố xem xét phê duyệt.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn