Năm nay Việt Nam sẽ có nhiều "siêu bão"

Thời sựChủ Nhật, 26/02/2012 05:21:00 +07:00

Mùa hè năm nay nắng nóng sẽ không quá gay gắt. Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa sẽ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dự báo hiện tượng La Ni Na tồn tại đến hết tháng 4, nhưng ảnh hưởng của nó thì kéo dài đến hết nửa đầu mùa hè. Mùa hè năm nay nắng nóng sẽ không quá gay gắt. Trên phạm vi cả nước, nền nhiệt độ toàn mùa sẽ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm.

Riêng khu vực các tỉnh miền Bắc, những tháng đầu mùa có nền nhiệt độ thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Các tháng nửa và cuối mùa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tàu cứu nạn cứu tàu ngư dân trong đợt áp thấp vừa qua và đưa vào bờ an toàn - Ảnh: Nguyễn Tú 
Tại một số khu vực, người dân cần chủ động đối phó với khô hạn và thiếu nước. Từ tháng 3 đến đầu tháng 5, lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung bộ và khu vực Tây nguyên tiếp tục giảm dần và ở mức tương đương hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 12 - 25%, có nơi thấp hơn 40%.

Trong thời gian này, ở Thanh Hóa, Nghệ An, bắc Tây nguyên, Ninh Thuận và Bình Thuận có khả năng xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ.

Từ tháng 5 đến tháng 8, dòng chảy trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận tiếp tục giảm và có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 40%; riêng các sông ở Quảng Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khu vực miền đông Nam bộ, do dòng chảy thiếu hụt khoảng 20 - 40% nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể xảy ra cục bộ.

Ngay trong tháng 2 đã có áp thấp nhiệt đới, đây có phải là dấu hiệu của một mùa mưa bão dồn dập?

Trong năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hằng năm (bình thường khoảng giữa tháng 5). Khả năng sẽ có 6 -7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong bối cảnh có biến đổi khí hậu như hiện nay, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có dấu hiệu xuất hiện sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy số cơn bão mạnh có tăng lên, siêu bão cũng nhiều hơn. Do vậy, phải chủ động đề phòng.

Năm nay, lũ đặc biệt lớn và kéo dài như đã xảy ra tại ĐBSCL trong năm 2011 có lặp lại?

Lũ trên sông Cửu Long năm nay có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo, trong mùa lũ, tại đây có khả năng xuất hiện lũ vừa với đỉnh lũ vùng đầu nguồn ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3 khoảng 0,1- 0,2m, xuất hiện vào khoảng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Đỉnh lũ này tuy cao hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn năm 2011.

Đỉnh lũ cao nhất năm 2012 trên các hệ thống sông tại Bắc bộ phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm 2011. Đỉnh lũ trên các sông miền Trung và Tây nguyên cũng đều cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Quang Duẩn /Thanh Niên

Bình luận
vtcnews.vn