Bé 10 tuổi bị bố mẹ nuôi bạo hành: ĐBQH phẫn nộ

Thời sựThứ Bảy, 18/02/2012 08:23:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều ĐBQH lên tiếng phản đối hành động gần như là hết tính người và dã man của những kẻ bạo hành cháu bé ở Quảng Ngãi.

(VTC News) – ĐBQH Ngô Thị Minh cho biết, trong cuộc họp của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội mới đây, các ĐB đã lên tiếng phản đối hành động gần như là hết tính người và dã man của những kẻ bạo hành cháu bé ở Quảng Ngãi.

VTC News vừa trao đổi với bà Ngô Thị Minh, ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (UB VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội về vụ việc bạo hành bé 10 tuổi ở Quảng Ngãi cũng như những vấn đề liên quan đến thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay.

ĐBQH Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội (Ảnh: VNN) 

- Thưa bà, vụ em bé Nguyễn Thục Phi 9 tuổi ở Quảng Ngãi bị cha mẹ nuôi bạo hành khiến em phải nhập viện trong tình trạng bầm tím khắp mặt và toàn thân, 11 cái răng bị gãy, mẻ… - đang làm dư luận vô cùng bức xúc, ý kiến của bà về vụ việc này như thế nào?

Vụ việc trên đã một lần nữa khẳng định sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người dân và cũng phản ánh rõ một thực trạng đáng lo ngại về môi trường không an toàn đối với trẻ em diễn ra ngay chính trong gia đình.

Sự việc này rất đáng lên án và các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh, đủ độ răn đe những đối tượng bạo hành em bé nhằm làm gương cho những trường hợp khác.

Sự việc này cũng cho thấy số vụ việc bạo hành với trẻ em được phát hiện bởi các cơ quan bảo vệ trẻ em còn quá khiêm tốn, phần nhiều là được phát hiện bởi các cơ quan báo chí và sự tố giác của người dân...

- Hiện cơ quan chức năng tại Quảng Ngãi cho biết, sau khi bé Phi được điều trị khỏe lại sẽ đưa em về nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội – theo bà đây có phải là cách tốt nhất đối với những trẻ em thiệt thòi như bé Phi không?

Đấy là giải pháp trước mắt thôi, về lâu dài chúng tôi cho rằng, cần có chính sách hợp lý hơn để đưa các em về sống với những người thân trong gia đình của chính các em (nếu không còn bố mẹ thì chú bác cô dì nuôi…) để các em được chăm nuôi tại cộng đồng và sống trong tình cảm và sự yêu thương của gia đình các em.

Rõ ràng là các em ở với gia đình sẽ tốt hơn là ở Trung tâm bảo trợ xã hội, vì ở Trung tâm có thể được ăn uống đầy đủ nhưng sự hòa nhập với cộng đồng gặp nhiều khó khăn hơn và các em thường giao tiếp nhiều với những bạn có hoàn cảnh thiệt thòi như mình... Như vậy, phần nào đó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Cùng với đó, cũng phải có những chính sách hỗ trợ cho người thân của các em trực tiếp chăm nuôi các em để họ có điều kiện chăm sóc các em tốt hơn.

- Về đối tượng cha mẹ nuôi của bé Phi hiện đang bị đề nghị tước quyền nuôi con nuôi để đảm bảo an toàn lâu dài cho em, bà thấy đề nghị này có thích đáng?

Điều đó là hiển nhiên. “Anh” không đủ tư cách để nuôi dưỡng con thì cần tước quyền nuôi con của “anh”, ngoài ra pháp luật còn xử lý thích đáng hành vi bạo hành trẻ em đối với “anh ta”.

Với bản thân những đối tượng này trước phản ứng của xã hội thì lương tâm của họ cũng đã bị hoen ố, dù họ ngồi tù cũng phải làm cho họ thấy được hành xử của họ, xã hội không thể chấp nhận nổi.

- Được biết Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội vừa mới có cuộc họp về nội dung bạo hành trẻ em, bà có thể cho biết một số thông tin từ cuộc họp này?

Chúng tôi đang tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về nội dung này với Ủy ban của chúng tôi. Nhiều vấn đề đang được đặt ra, trong đó có vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trẻ em; liên quan đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cuộc họp đã thu hút sự tham dự khá đông đủ của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bộ Giáo dục đào tạo, bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại cuộc họp này, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều nhận định về những hạn chế và thiếu sót trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại nói riêng và thấy rõ hơn việc thực hiện chưa hết chức năng nhiệm vụ được giao của một số bộ ngành, cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em.

Các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như quy hoạch các trường lớp mầm non; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; việc đẩy lùi bạo lực học đường và bạo hành, xâm hại trẻ em…

Tại buổi làm việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp để sớm khắc phục tình trạng này và tiến tới phải từng bước chặn đứng và đẩy lùi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em...

- Cuộc họp có bàn về việc bạo hành bé Nguyễn Thục Phi ở Quảng Ngãi không, thưa bà?

Có, chúng tôi đã “mổ xẻ” sự việc này trong giờ giải lao và nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối hành động gần như là hết tính người và dã man của những kẻ bạo hành cháu bé.

- Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng thực tế đáng buồn là cứ xảy ra một vụ việc bạo hành trẻ em thì cơ quan chức năng hay xã hội mới vào cuộc lên án, lên tiếng, xử lý – đây có phải là tình trạng đáng báo động không, thưa bà?

Chính vì thế mà Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo phải có giải pháp để chặn đứng và đẩy lùi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vì nó đã ở mức độ trầm trọng rồi!

Thực tế cho thấy, từ khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em đến nay, những người làm công tác trong lĩnh vực trẻ em chỉ là những cán bộ làm công tác ở ngành Lao động Thương binh và xã hội kiêm nhiệm thêm thôi chứ số cán bộ chuyên trách ở cấp xã phường chỉ chuyên tâm về công tác trẻ em là không có.

Đội ngũ cộng tác viên của họ dưới thôn bản thì hiện còn quá ít. Trước khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em thì mạng lưới cộng tác viên trên cả nước là trên 162.000 người, giờ chỉ còn trên 41.000 người – con số này ít quá so với trước đây và so với đòi hỏi của thực tiễn!

Như thế còn rất nhiều xã phường trên phạm vi cả nước chưa có người thường xuyên quan tâm, tìm hiểu, tiếp xúc và nắm bắt kịp thời tâm tư và những biến động của trẻ em trong lĩnh vực này... Một số nơi đội ngũ cộng tác viên hoạt động đạt hiệu quả khá tốt (như TP.HCM, mỗi cộng tác viên được phân công phụ trách khoảng 150 hộ gia đình và họ được nhận một khoản phụ cấp từ  200-240 nghìn/tháng, tại Đà Nẵng lại có hệ thống đường dây nóng, ai biết thông tin thì báo về cho thành phố và thành phố có phần thưởng nếu phản ánh đúng sự thật.... Đó cũng là một cách làm hiệu quả).


- Như vậy phải chăng nên tái thiết lại Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em để hoạt động bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành được chuyên tâm và hiệu quả hơn, thưa bà?

Cũng có thành viên của Ủy ban phát biểu và đề xuất vấn đề này và nhiều thành viên cho rằng, việc tách  gia đình và trẻ em đưa về hai bộ quản lý khác nhau sẽ nảy sinh nhiều bất cập vì sự chỉ đạo sẽ thiếu sự thống nhất và đồng bộ.

Về trước mắt, các đại biểu cũng mong muốn Chính phủ nên có phương án thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, các bộ ngành đều phải có thành viên tham gia để cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em có sự giao ban 2 chiều, nắm bắt thông tin kịp thời trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị buôn bán, bị bạo lực xâm hại nói riêng...

- Xin cảm ơn bà!


Kiều Minh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn