Cưỡng chế Tiên Lãng: Ông Vươn bị khởi tố sai tội danh?

Thời sựThứ Năm, 09/02/2012 09:21:00 +07:00

(VTC News) - Nếu việc nổ súng của anh em ông Đoàn Văn Vươn chỉ nhằm cản trở người thi hành công vụ thì có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ.

(VTC News) - Theo chuyên gia pháp lý Lê Cao, nếu việc nổ súng của anh em ông Đoàn Văn Vươn chỉ nhằm cản trở người thi hành công vụ thì có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS) và khởi tố họ về tội giết người là sai. 

Hậu quả pháp lý mà ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông phải nhận nếu bị đem ra xét xử là như thế nào? Việc khởi tố ông Vươn và những người trong gia đình về tội giết người đã đúng chưa? Để trả lời câu hỏi này, PV VTC News đã trao đổi với ông Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN. 

- Cơ quan công an đã khởi tố về tội giết người đối với ông Đoàn Văn Vươn và những người khác như ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Đệ. Vậy theo ông khi nào thì một hành vi chống trả bằng vũ lực được xem là giết người? 

Ông Đoàn Văn Vươn (phải) và em trai bị khởi tố về hành vi giết người. 
- Hành vi được coi là giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Trong vụ việc đang được tiến hành điều tra ở Tiên Lãng, cần xác định được rõ mục đích tước đoạt tính mạng của người khác là có hay không. 
 
Việc nổ súng hoa cải để bắn thì cần điều tra để làm rõ, việc xả súng là do bức bách, quẫn trí hay nhằm gây thương tích, ngăn cản, đe dọa người khác. 
 
Trong mọi trường hợp, để truy tố một người ra trước tòa án về tội giết người cũng cần xem xét về phương diện lỗi của người đó, lỗi đó được thể hiện ở việc cố ý tước đoạt tính mạng người khác. 
 
- Trong vụ án này, tại sao lại khởi tố về tội giết người mà không khởi tố tội chống người thi hành công vụ?
 
- Tội chống người thi hành công vụ thể hiện ở việc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp này như tôi đã nói là cần phải làm rõ việc nổ súng là để cản trở người thi hành công vụ hay để tước đoạt tính mạng của người khác. 
 
Nếu việc nổ súng chỉ nhằm cản trở người thi hành công vụ thì có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS) và nếu khởi tố về tội giết người là sai. 
 
Tuy nhiên, vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa rõ được các dấu hiệu cấu thành tội phạm như chúng ta đang trao đổi. Rõ ràng việc định tội danh phải trên cơ sở xác định được lỗi, mục đích, động cơ nổ súng của những người này là nhằm để ngăn cản việc thi hành công vụ hay là nhằm tước đoạt tính mạng những người tham gia cưỡng chế. 
 
- Trường hợp này, ông Quý nổ súng còn những người khác không nổ súng vào lực lượng cưỡng chế, tại sao lại khởi tố cả 4 người về tội danh giết người?

- Về tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hiện tại chỉ có cơ quan điều tra, những người trong cuộc và những chứng cứ cụ thể của vụ án mới thể hiện được. 

- Theo tôi, trong trường hợp này, cơ quan điều tra cho rằng, ông Vươn và những người còn lại có vai trò đồng phạm với ông Quý nên họ đã khởi tố cả 4 người. 
 
- Vụ nổ súng đã làm cho một số người bị thương nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng có được xem là cố ý gây thương tích hay không?

- Cố ý gây thương tích khác với giết người ở chỗ, hành vi này cố ý làm cho người khác bị thương, tính chất nguy hiểm không lớn như hành vi giết người. Như trên tôi đã nói, cần làm rõ là hành vi của ông Quý có cố ý tước đoạt tính mạng của người khác hay chỉ làm người khác bị thương. 
 
Nếu làm rõ được hành vi của ông Quý là nhằm tước đoạt tính mạng của người khác thì dù cho người đó bị thương cũng không được chuyển thành tội cố ý gây thương tích. 

Trường hợp này, rơi vào trường hợp phạm tội chưa đạt, nghĩa là hậu quả chết người nằm ngoài ý muốn của người phạm tội. Do đó, quan trọng là cần chứng minh được rõ hành vi của ông Quý có cố ý tước đoạt tính mạng người khác hay không, nếu không thì không phải tội giết người.
 
 Nhà văn Nguyễn Quang Vinh tiếp xúc với 2 người vợ của ông Vươn và ông Quý (Ảnh: Blog NguyenQuangVinh)

  - Trường hợp những người này vẫn bị truy tố về tội giết người, thì theo quy định của pháp luật hiện hành mức án mà họ phải nhận là như thế nào? 

- Nếu bị truy tố về tội giết người thì tùy theo kết luận điều tra và các chứng cứ của vụ án, tùy trường hợp, những người này có thể bị xét xử với mức án khác nhau theo Điều 93 BLHS. 
 
- Tuy nhiên, nếu bị truy tố về tội giết người nhưng do không có hậu quả chết người nên khi quyết định hình phạt, theo khoản 3, Điều 52 BLHS, quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.” 
 
- Vụ việc này xảy ra có phần lỗi của chính quyền huyện Tiên Lãng. Khi xét xử, Tòa sẽ căn cứ vào những sai phạm đó của chính quyền và những vấn đề nào khác quy định tại các điều luật để kết án? 

- Điều nghiêm trọng của vụ việc chấn động dư luận này, trước hết phải là hàng loạt những sai phạm có hệ thống trong việc quản lý đất đai của chính quyền huyện Tiên Lãng. 
 
Vụ việc đã làm cho chúng ta thấy, những sai lầm của chính sách về đất đai kéo dài không được khắc phục, sửa đổi. Căn cứ theo những tình tiết cụ thể, những sai phạm về việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này rất cần được xem là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột không đáng có giữa chính quyền và người dân. Đó cũng là một trong những dấu hiệu là tình tiết giảm nhẹ của các bị can. 

Khi xét xử, tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khác mà bị can có. 
 
Về nguyên tắc, cho đến nay, những người trong vụ việc này chưa ai bị xem là có tội khi chưa có quyết định, bản án của Tòa án có thẩm quyết quyết định họ có tội. 
 
- Trường hợp đồng phạm thì việc chịu chế tài như thế nào, thưa ông?

- Điều 53 BLHS chỉ rõ khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
- Nếu bị xét xử về tội chống người thi hành công vụ thì mức hình phạt như thế nào?
- Tùy trường hợp bị xét xử theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 257 BLHS, người bị xét xử sẽ chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (khoản 1) hay bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 
 
Tôi cũng xin nhắc lại là vụ việc đang trong quá trình điều tra, ông Vươn và những người trong gia đình ông chưa bị xem là có tội cho đến khi nào có quyết định, bản án của Tòa án tuyên ông Vươn có tội. 
 
Và việc kết luận, buộc tội, tuyên một người có tội, tội gì, mức hình phạt như thế nào sẽ phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
  
Phan Mạnh (thực hiện)
 
(* Bài viết được phối hợp thực hiện bởi Công ty Luật hợp danh FDVN)

Bình luận
vtcnews.vn