“Thầy” Võ Nguyên Giáp của tôi

Thời sựChủ Nhật, 29/01/2012 12:28:00 +07:00

Tự nhận mình “là người cắp cặp” đi theo Đại tướng suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu say sưa với câu chuyện hơn nửa thế kỷ trước.

Tự nhận mình là “người cắp cặp” đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt những năm kháng chiến chống Pháp với tư cách Chánh văn phòng Quân ủy TƯ, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu say sưa với câu chuyện cách nay đã hơn nửa thế kỷ.

Vẫn chất giọng sang sảng, say sưa, đầy nhiệt huyết khi nhắc lại một thời máu lửa, gian khổ mà hào hùng, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu - Chánh văn phòng Quân ủy TƯ khi đánh trận Điện Biên Phủ - kể lại từng chi tiết nhỏ những năm tháng nếm mật nằm gai cùng vị tư lệnh vĩ đại của quân đội Việt Nam. Ký ức Điện Biên Phủ, ký ức về người thầy - một vị tướng “có văn hóa” vẫn hiển hiện, sinh động, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Việc hoãn đánh không được nói ra vội
Tự nhận mình “là người cắp cặp” đi theo Đại tướng suốt những năm kháng chiến chống Pháp với tư cách Chánh văn phòng Quân ủy TƯ, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu say sưa với câu chuyện cách nay đã hơn nửa thế kỷ.
“Hành quân lên chiến trường mệt lắm! Đi đường, tôi chỉ luôn nghĩ đi là đi, đi làm sao cho an toàn, để đến đích. Nhưng Đại tướng lại thường suy nghĩ về chuyện khác. Đại tướng ngồi trên ngựa rất suy tư, thỉnh thoảng lại quay sang chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tôi đi theo, cố gắng giữ tốc độ. Mỗi lần Đại tướng quay sang hỏi ý kiến, trả lời chưa xong chuyện này ông đã lại chuyển sang chuyện khác” - ông Hiếu kể.
Đại tá Nguyễn Văn Hiếu say sưa với câu chuyện về người thầy Võ Nguyên Giáp. 

Cuộc hành quân lên chiến trường, đại tá Nguyễn Văn Hiếu mường tượng lại, vô cùng cực khổ. Hành quân đêm, địch liên tiếp thả bom dọc đường ngăn chặn. Nhiều đoạn không vượt qua nổi, thầy trò ông phải xuống đi bộ luồn rừng vượt lên phía trên rồi ôtô “liều chết” vượt qua đoạn đường bom đạn lên đón lại. Cậu trai trẻ, vốn dĩ học trò, đeo đôi mắt kính cận thị theo sau đại tướng, lọ mọ từng bước giữa rừng đêm đen đặc.
Các đơn vị chiến đấu đã tập kết lên mặt trận trước đó, triển khai đội hình với tư tưởng đánh nhanh thắng nhanh. Kế hoạch ban đầu hoàn toàn có cơ sở vì quân tướng đã từng được thử nghiệm, tập luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản (Sơn La) trong chiến dịch Đông xuân. Quân ta cũng vừa được trang bị thêm vũ khí mới do bạn bè giúp đỡ. Một trung đoàn lựu pháo (pháo 105 ly), một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly bí mật ém sẵn (trước đó, chỉ có pháo mang vác 75 ly và súng phòng không 12,7 ly).
“Người đầu tiên phản ánh thông tin tình hình thực tế trận địa không thuận như kế hoạch đề ra là Thiếu tướng Phạm Kiệt, sau đó là Chính ủy pháo binh Phạm Ngọc Mậu. Ông Phạm Kiệt trao đổi với tướng Giáp: “Khó lắm anh ạ. Không thể bảo đảm thời gian được”. Chủ nhiệm hậu cần Nguyễn Thanh Bình thì than: “Địch đánh phá, ném bom các kho gạo dữ quá. Ta thiếu gạo ăn lắm.” - đại tá Nguyễn Văn Hiếu kể.
Đại tướng lập tức gọi ông Bình đến hỏi chuyện. Khi đó giữa trưa, bản thân ông Bình chưa ăn cơm… Những nghi ngại của Đại tướng đã thể hiện. Ông quyết định tạm hoãn lệnh tấn công, yêu cầu tiếp tục chuẩn bị mặt trận. Chánh văn phòng Quân ủy TƯ cho biết: “Lúc đó, Đại tướng có dặn riêng tôi, việc hoãn, chưa đánh ngay theo kế hoạch không được nói ra vội”.
Có lẽ, vị tư lệnh quân đội cũng không ngờ những chia sẻ, tin tưởng của ông lại khiến cấp dưới nhớ mãi như một dấu ấn đẹp về cách sống gần gũi, giản dị, cách đối nhân xử thế thuyết phục lòng người của Đại tướng. Ông đã đánh giá rất cao những ý kiến trái chiều chủa ông Phạm Kiệt, ông Nguyễn Thanh Bình, nhìn thẳng đó là thực tế, cũng phù hợp với những băn khoăn vẫn để trong lòng, chưa giải đáp được của mình. Đại tá Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, đó cũng là những kỷ niệm sâu đậm nhất của ông về Đại tướng trong trận đánh làm nên lịch sử.
“Sao anh biết đó là Đờ-cát?”
Quyết định chuyển từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc, thêm công sức kéo pháo ra, làm lại trận địa, đào hào, đào hầm nhưng đổi lại là những chiến thắng chắc chắn. Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo… các cứ điểm lần lượt bị tiêu diệt, địch phải co cụm dần ở trung tâm cánh đồng Mường Thanh. Diễn tiến chiến dịch rất thuận lợi.

Mọi chuyện chỉ phát sinh khi đánh đồi A1 ở phía đông. Công sự của địch chắc chắn, quân ta đánh không thành công. Lúc đó, đại tướng rất căng thẳng. Đầu lúc nào cũng trong tình trạng bốc hỏa. Ông Hiếu kể, nhiều lần, y sĩ thậm chí phải dùng lá ngải cứu buộc vào trán để hạ hỏa cho ông. Đại tướng yêu cầu Chánh văn phòng Quân ủy TƯ cùng xuống thăm trận địa, quyết định cho trung đoàn 174 tạm dừng, chuyển trung đoàn 102 của sư đoàn 308 (sư đoàn tinh nhuệ nhất) từ phía đông sang công phá bằng được đồi A1.
Ngày 7/5, quân ta mở cuộc tổng tấn công. Sau 2 đợt tập kích, chiều hôm đó, địch đầu hàng. Chính Đại tướng cũng khá bất ngờ với thắng lợi nhanh chóng đó vì vẫn dự định đánh tiếp cả buổi tối.
Người đầu tiên báo tin địch đầu hàng cho Đại tướng là tướng Lê Trọng Tấn. Trong buổi chiều, ông Tấn nhiều lần báo cáo: “Anh Văn, địch có triệu chứng…” rồi đến lúc báo tin đầu hàng, Đại tướng hỏi giật lại: “Sao anh biết nó đầu hàng”. Tướng Lê Trọng Tấn nói: “Anh em đã dẫn nó về trước mặt tôi. Nó là ai? Đờ-cát Tơ–ri ạ. Sao anh biết nó là Đờ-cát? Dạ, nó đội mũ đỏ ạ. Anh có ảnh của nó không, sao khẳng định là Đờ-cát? Dạ, nó xưng nó là Đờ - cát.
Đại tướng lập tức mang ra một tấm ảnh của Đờ-cát, cho người đi ô tô đến chỗ tướng Lê Trọng Tấn, yêu cầu ông Tấn khi nào nhận được ảnh, đối chiếu xong báo cáo lại ngay. Một lúc sau ông Tấn gọi điện lại khẳng định đã nhận được ảnh, đúng là Đờ-cát đang chịu trói trước mặt Đại tướng mới yên tâm. Sau đó, cũng không còn thời gian để vui, Đại tướng chỉ yêu cầu Chánh Văn phòng Quân ủy Nguyễn Văn Hiếu viết điện báo cáo về Bộ chính trị rồi tiếp tục chỉ đạo việc dọn dẹp chiến trường.
Giục trợ lý… lấy vợ
Ấn tượng về phong cách sống của vị Tư lệnh quân đội của dân tộc, đại tá Nguyễn Văn Hiếu nói ngắn gọn: “Thầy tôi là một ông tướng có văn hóa”. Những liên tưởng về một vị tướng oai nghiêm, quắc thước, “thét ra lửa” ông Hiếu cười xòa cho rằng chỉ là sự hình dung, mô-đi-phê. Tướng Giáp không như vậy. Làm việc với ông bao nhiêu năm, chưa bao giờ thấy ông cao giọng, gắt gỏng. Đôi khi tức bực, Đại tướng nói ngay, chứ không bao giờ cáu giận.
Lối sống có văn hóa của Đại tướng trong mắt của người thư ký thân thiết, trực tiếp nhiều năm là ông không rượu chè, không cà phê, không thuốc lá. Làm việc với Đại tướng bao năm, ông Hiếu khẳng định, quân tướng đều uống nước trắng, không trà rượu, chè chén.
Những bức ảnh quý được Đại tá Hiếu gìn giữ cẩn thận. 

Nếp sống thanh bần của người thống lĩnh quân đội đôi khi cũng khổ cho cán bộ trẻ cấp dưới vì mọi người vẫn hút thuốc nhưng Đại tướng không đồng ý vì cho rằng trà thuốc phải ngồi lâu, tốn thời gian.
Về cách làm việc của Đại tướng, ông Hiếu phán đoán, dường như ông luôn luôn suy nghĩ, rồi bao giờ cũng có sự đối thoại. Nhận xét về vị tư lệnh quân đội, ông Hiếu cho rằng, ông rất năng động, tin cậy và rất biết cách phát huy năng lực cán bộ. Chính cách chia sẻ suy nghĩ, đặt câu hỏi của Đại tướng khiến mỗi người đều phải nghĩ, đưa ra chính kiến của mình.
“Đại tướng đối với chúng tôi bao giờ cũng như người anh, người thầy. Ông rất quan tâm đến cuộc sống của những người làm việc xung quanh mình, quan tâm đến tình hình gia đình, coi tôi, gia đình tôi cũng như gia đình mình. Có lẽ, những người có văn hóa dễ hợp với ông hơn. Những người giúp việc như chúng tôi thường là trí thức, ít nhất là đỗ tú tài tây, sinh viên đại học, cử nhân, biết sử dụng ngoại ngữ, đọc được báo Pháp, nghe radio của Pháp. Đôi khi nói chuyện với tôi, Đại tướng dùng tiếng Pháp trong những tình huống không muốn nhiều người hiểu”.
Ông Hiếu phán đoán, có lẽ Đại tướng trọng người có học nên khi đọc được những bản báo cáo của cậu sinh viên nghèo sớm bước chân vào quân ngũ với cách thể hiện mạch lạc, có cả graphic, biểu đồ, bảng biểu… đã để ý. Ông được Đại tướng trực tiếp cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc khóa 1 ở miền Bắc (đào tạo các tỉnh ủy viên). Tại lớp học, ông Hiếu gặp một cô gái Hà Nội nền nã, có cảm tình, tên Hòa. Đại tướng biết chuyện, về sau vẫn thỉnh thoảng hỏi tin tức giữa 2 người. 
Dịp ông Hiếu được nghỉ phép 5 ngày năm 1950, Đại tướng hóm hỉnh nhắc cậu học trò, về thăm nhà rồi xem thu xếp hỏi cô Hòa đi. Vậy là đợt ấy, ông Hiếu mang theo mấy mét vải diềm bâu được thưởng, đi thăm Hòa. Đám cưới thời chiến diễn ra đơn giản, hôm sau, ông trở lại đơn vị. 
Nghĩ lại chuyện cá nhân, vị Chánh Văn phòng Quân ủy TƯ thời chống Pháp cười vui: “Đại tướng đã khéo léo sắp xếp, tạo điều kiện cho chúng tôi gặp nhau, xây dựng gia đình như vậy”.
Phương Thảo - Cấn Cường/Dân Trí


Bình luận
vtcnews.vn