Đón giao thừa trên tàu, những chuyện chưa kể

Thời sựThứ Hai, 23/01/2012 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Với nhiệm vụ đưa đón hành khách về quê ăn Tết an toàn, họ - những người lái tàu, nhân viên phục vụ... đã cùng góp nên hương sắc mùa xuân.

(VTC News) - Với nhiệm vụ đưa đón hành khách, người dân về quê ăn Tết an toàn, kịp giờ đón giao thừa, họ - những người lái tàu, nhân viên phục vụ, bảo vệ, sửa chữa máy, ... đã cùng góp nên hương sắc mùa xuân trong năm mới. 

Đúng 20h40 ngày 22/1/2012 (nhằm 29 Tết), trao đổi qua điện thoại với PV VTC News, trưởng tàu SN14, cho biết: "Chúng tôi đã đến địa phận tỉnh Thanh Hoá. Anh em đang ăn Tết sớm trên tàu".

30 năm gắn bó ngành

Như đã hẹn trước, đúng 7h sáng 21/1/2012 (nhằm 28 Tết), chúng tôi có mặt tại ga Sài Gòn. Đến 7h30, sau khi điện thoại hẹn gặp, anh Nguyễn Đức Cường - trưởng tàu SN 14, trả lời "mời phóng viên vào ga, tớ đang bận việc tí, mình gặp sau".

Vào bên trong nhà ga, chúng tôi chứng kiến cảnh hành khách vai đeo, tay quải, kéo va ly hành lý về phía tàu ngày càng hối hả. Tại cánh cửa các toa tàu, dưới đất nhân viên kiểm soát vé trải dọc theo từng toa.

 Kiểm tra, soát vé hành khách - ảnh: H.C

Quần áo, mũ đội nghiêm chỉnh, đúng tác phong của ngành đường sắt Việt Nam, những nhân viên này với thái độ lịch thiệp, ân cần, niềm nở với khách hàng của mình. Ai có vé thì được lên tàu ngồi đúng số thứ tự ghi trên vé. Những trường hợp đặc biệt, chưa mua được vé, hay vé không đúng với chứng minh nhân dân theo quy định của ngành... vẫn được nhà ga, lãnh đạo tàu xem xét tìm cách giải quyết tối ưu.

"Mục đích của ngành đường sắt, cũng như các ngành giao thông vận tải khác là phục vụ hành khách. Theo đó, chúng tôi không để một ai vì không vé mà không được lên tàu" - một trưởng ga chia sẻ. Giờ khởi hành đúng 8h30 cùng ngày.

Anh Cường - người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, bộc bạch: "Tôi vào ngành đường sắt từ năm 1991. Đến nay đã 30 năm có lẽ. Những năm đầu thập kỷ 90 mặc dù thời bao cấp đã qua nhưng vẫn còn dư âm của nó nên vẫn có những đặc thù riêng của ngành giữ lại".

 Trưởng tàu Nguyễn Đức Cường với hơn 30 năm sống trong ngành đường sắt. Anh tâm sự: "Thời gian anh sống trên tàu nhiều hơn ở nhà. Tàu chính là ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời anh". - ảnh: H.C

Thời điểm đó, anh 32 tuổi, đang học lên 3 bậc trưởng tàu, vợ đang mang bầu đứa con thứ 3. Ngoài tiền lương hỗ trợ để đi học ở mức 90 đồng/tháng, trong đó đóng tiền ăn đã là 80 đồng, còn lại 10 đồng anh dùng để đón xe khách về quê với hai chặng đường Đông Anh - Yến Viên, Yến Viên - Bắc Ninh, thì người vợ đảm đang với nghề nấu rượu, nuôi lợn (heo) đã giúp anh Cường vượt qua khó khăn, thử thách để yên tâm học tập đạt kết quả tốt.

Năm 1995 anh ra trường, chính thức dấn thân vào nghiệp hỏa xa, với biết bao đam mê, hoài bão, sức trẻ mong muốn cống hiến, phục vụ nhân dân, phục vụ hành khách. Tuy nhiên, anh Cường cũng như những đồng nghiệp của anh cũng có những trăn trở với ngành.

"Mức lương của tôi lúc đó là 2,5 triệu đồng/tháng, không phụ cấp, vượt khung, hay "phá rào". Đó là mức lương "đụng trần". Qua thời gian, giá cả leo thang, mức sống nâng lên nhưng mức lương vẫn không thay đổi" - anh Cường chia sẻ. 

Biết được điều đó, từng thời điểm lãnh đạo ngành cũng đã có phương án hỗ trợ quy định ưu tiên mỗi nhân viên được phép mang bao nhiêu kg hàng hóa lên tàu, vé phụ... nhằm tăng thêm thu nhập, tuy nhiên quy định này cũng đã bỏ từ lâu vì có những bất cập phát sinh.

Nghề phục vụ

Trên chuyến tàu Tết năm nay, SN14 ước lượng có 500-600 khách. Do đặc thù của ngành, hành khách chỉ ăn uống trên tàu. Để đáp ứng được nhu cầu đó, lực lượng đầu bếp hoạt động hết công suất.

"Qua kinh nghiệm thực tế, khẩu vị của những "thượng đế" 3 miền Nam - Trung - Bắc phải được đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu về hương vị, giá cả" - anh Cường tâm sự.

Theo quy định quốc gia, 30 hành khách/1 đầu bếp. Riêng ngành đường sắt 100 hành khách/1 đầu bếp. Áp lực công việc của họ rất lớn. Một ngày phục vụ ăn uống 3 bữa (sáng - trưa - chiều). Qua tìm hiểu, những nhân viên này phải thức dậy từ sớm 3h30 để sơ chế, nấu nướng; 5h lo đóng gói, đóng hộp cơm, canh, rau, thịt...; 6h khách xuống ga cũng là lúc nhân viên chuẩn bị phục vụ bữa ăn sáng. Đến 23h tối nhân viên phục vụ mới được nghỉ xả hơi.

Nhân viên phục vụ tại thời khắc cận giao thừa - ảnh: H.C

Anh Mộng Giao - Tổ trưởng quản lý phục vụ ăn uống, cho biết: "Tuy nhiên có trường hợp, khách đến căng-tin gọi tô phở nhưng lúc đó đầu bếp đang nấu cơm, canh hoặc các món khác thì không thể đáp ứng được. Bởi như vậy hàng trăm khách sẽ lỡ bữa. Những trường hợp như vậy, nhân viên phục vụ phải dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, thuyết phục khách để khách hiểu chuyển sang dùng món khác".

Được biết, số lượng nhân viên trên mỗi chuyến tàu có sự dao động, tùy theo hành trình, đoàn tàu thực tế. Chẳng hạn tàu 12 toa, 500 khách, số lượng nhân viên trên tàu phải có khoảng 30 người. Trong đó có 1 trưởng tàu chính, 3 trưởng tàu phụ, 1 thợ kiểm tu, 2 thợ điện, 2 bảo vệ, 7 đầu bếp cùng nhân viên phục vụ.

Với tập thể 30 con người, mỗi người một tính cách, độ tuổi... thì trách nhiệm của trưởng tàu chính, đó là tạo sự gắn bó, đoàn kết với nhau giữa những nhân viên trên tàu. Điều đó góp phần không nhỏ cho thành công của mỗi chuyến hành trình.

Kỷ niệm khó quên

Anh Nguyễn Mạnh Hà - trưởng tàu SE6, nhớ lại, đêm 30 Tết Tân Mão (2011), chúng tôi vẫn còn lênh đênh, rong ruổi trên đường ray tàu lửa, chưa về nhà kịp, anh em phải ăn Tết trên tàu cùng hành khách.

Thời điểm giao thừa, thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, lúc này mọi người nhìn nhau với ánh mắt lặng lẽ, vừa mừng vừa tủi, để rồi vỡ òa lên tiếng hát, lời reo "chúc mừng năm mới", rồi cùng nhau nâng ly chúc tụng với bao điều tốt đẹp sẽ đến. Bao lì xì đỏ chói trao nhau, bánh chưng bánh tét xanh màu lá chuối non được cắt ra chia năm xẻ bảy, ly rượu mừng xuân nâng lên nhấm môi ấm nồng tình cảm giữa hành khách và nhân viên tàu.

"Có kỷ niệm một vị khách nọ khóc nức nở vì không đón giao thừa kịp với gia đình. Lúc này nhân viên tàu đến chia sẻ, an ủi, động viên rồi cùng nhau làm cho vị khách nọ vơi quên đi cảm giác trống trải đêm giao thừa" - anh Hà thổ lộ.

"Đi đến nơi, về đến chốn" là điều mong muốn không chỉ của hành khách - ảnh: H.C

Do đặc thù ngành, di chuyển xa, nhiều ngày trên tuyến đường hàng ngàn km, trên những chuyến hành trình Bắc - Nam, tập thể nhân viên trên tàu dường như ăn Tết trên tàu là chuyện thường tình.

Như chuyến tàu mà anh Cường là người chịu trách nhiệm chính, khởi hành từ ga Sài Gòn 28 Tết, dự kiến đến Hà Nội là 1h sáng mồng 1 Tết. Đây là năm thứ 8 anh Cường đón giao thừa trên tàu. Còn anh Hà đây là lần thứ 3 liên tiếp.

Theo dự kiến, tàu anh Hà đến Hà Nội 4h sáng. Đúng 21h ngày 29 Tết, anh Hà cho biết, đã cho lập bàn thờ thắp hương cúng đất trời, với đầy đủ hương hoa, ngũ quả, bánh kẹo, rượu, mứt, bao lì xì để đón giao thừa cùng anh em và hàng trăm hành khách còn lại trên tàu.

Đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), sau khi vận chuyển hàng hóa, giúp hành khách xuống ga an toàn, là người quản lý nên anh Cường phải tổng hợp giấy tờ, sổ sách lịch trình... để bàn giao, báo cáo lại trực ban nhà ga.

"Khoảng 3h sáng, tôi mới đón xe từ Hà Nội về nhà Bắc Ninh hơn 40km, để vui Tết cùng gia đình, mừng tuổi ông bà, thăm xuân họ hàng, bạn bè cho kịp, không kịp nghỉ ngơi" - anh Cường nói.

Sau chuyến hành trình phục vụ hành khách, người dân về quê an toàn, thuận lợi. Tuy đón xuân, ăn Tết muộn nhưng tất cả những nhân viên ngành đường sắt vẫn vui vẻ, hứng khởi, bởi chuyến hành trình của họ "đi đến nơi, về đến chốn". Để rồi họ lại chuẩn bị cho chuyến hành trình xuôi về Nam xông đất những ngày đầu năm mới.


Bài, ảnh:Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn