Nông dân Phú Yên kể chuyện đào trúng 35 lượng vàng

Thời sựChủ Nhật, 15/01/2012 08:56:00 +07:00

Đằng sau việc 4 nông dân đào được hơn 35 lượng vàng (theo thừa nhận của các anh) vẫn còn nhiều điều rất thú vị….

Đằng sau việc 4 nông dân gồm: Đào Minh Thảo (35 tuổi), Nguyễn Văn Chanh (30 tuổi), Nguyễn Văn Tiện (27 tuổi), cùng trú thôn An Hòa,  xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và Đỗ Phú (35 tuổi, quê ở thôn An Hòa, thường trú Ninh Thuận) được hơn 35 lượng vàng (theo thừa nhận của các anh) vẫn còn nhiều điều rất thú vị….

Trả nửa tỷ vẫn không bán

Anh Nguyễn Văn Tiện, một trong bốn nông dân may mắn đào trúng vàng 
Dù việc trúng vàng đã diễn ra hơn nửa tháng nhưng anh Nguyễn Văn Tiện (27 tuổi) vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc ngỡ như mơ ấy. Đó là vào khoảng 10h sáng một ngày cuối tháng 12/2011, khi anh Tiện vừa tắm xong, đang sắp xếp đồ đạc vào va ly để theo anh em trong thôn lên rẫy bẻ mía.

Đúng lúc này, điện thoại anh rung lên bần bật. Cầm lên tay, anh nghe giọng nói của anh Đào Minh Thảo ngắt quãng: “Trời ơi, mày biết không, tao và thằng Phú vừa tìm được một khối đất to lắm… cỡ vài chục bao… rất có thể trong đó có vàng mày ơi”.

Chưa kịp hiểu chuyện xảy ra, Tiện nghe Thảo nói tiếp: “Đừng tiết lộ cho bất cứ ai, để tao gọi cho thằng Chanh, chập tối nay tụi bây qua bên nhà tao để bàn công việc…”. Nói xong Thảo cúp máy.

Lúc này, Tiện bỗng cảm thấy người nóng ran bởi từ trước đến nay không ít lần bỏ công đi theo các bậc đàn anh đi đào vàng, dù “hên” đến mấy, nhóm của Tiện cũng chi thu được một số vàng cám, bán chia ra, mỗi người trong hội chỉ nhận được khoảng 500.000 đồng.


Cũng vào buổi sáng định mệnh đó, anh Nguyễn Văn Chanh đang đi chặt mía thuê cách nhà hơn 10 cây số. Trước đó, Chanh đã làm được vài ngày rồi, hai hôm nữa sẽ được chủ phát tiền để về đưa cho vợ để sắm tiền Tết.

Do đó khi nghe “chiến hữu” nhắn tin thông báo với nội dung: “Trở về ngay, có lộc rồi, dư sức cho mấy đứa mình ăn Tết”, Chanh cũng hơi phân vân bởi nếu anh đi giữa chừng dù bất cứ lý do gì, chủ cũng sẽ trừ tiền công rất nặng (gần 200.000 đồng), một số tiền khá lớn đối với những người dân lao động.

Tuy nhiên, Chanh cũng tin lời bạn bởi lâu nay Thảo có tiếng là không bao giờ nói đùa. Do đó anh nhanh chóng thu xếp công việc để về nhà.


Tối đến, Chanh và Tiện qua nhà Thảo thì được Thảo và Phú thuật lại: Trên đường từ rẫy trở về nhà, nghe chuyện công an cho nổ mìn từ mấy hôm trước, Phú và Thảo đã ghé vào bãi vàng Hòn O để xem thử. Tại đây hai anh phát hiện ra vàng nằm dưới lớp đất đá bị thuốc nổ làm cháy xém. Do lớp này bị cát phủ lên nên những người đến trước không biết.


Nghe bạn nói vậy, Chanh và Tiện đều nhất tham gia.


Khoảng 22h đêm, mỗi người mang theo xe máy, đèn pin, cuốc, xẻng, dây ba ga… trực chỉ Hòn O. Khi còn cách Hòn O hơn 1 cây số, 4 anh gặp một tốp khoảng 5 người đi theo hướng ngược lại (theo phán đoán của các anh là họ cũng từ núi Hòn O đi xuống) nên để tránh lôi thôi, cả 4 đành rẽ sang đường khác, giả bộ đang vào rẫy mía.


Đúng như các anh dự đoán, tốp người trên vẫn tiếp tục bám theo các anh một đoạn. Khi thấy các anh dừng xe, vào một chòi canh mía bỏ hoang và ở lỳ trong đó, nhóm người này mới quay xe bỏ đi. Đợi gần 1 tiếng đồng hồ sau, cả 4 mới lên xe quay lại con đường cũ.

Cho xe vào những bụi cây tầm thấp rậm rạp dưới chân núi Hòn O, cả 4 cuốc bộ theo con đường mòn rậm rịt gai góc để lên núi. Khoảng gần một tiếng sau, các anh đến được nơi có lớp đất chứa vàng đã được đánh dấu sẵn từ trước đó.

Các bao đất vẫn chất đống ở hiên trước nhà anh Tiện 

Trời tối om, bốn bề không một bóng người, các anh thắp đèn bão, lặng lẽ xúc vào bao. Do khối lượng đất quá lớn nên đến khoảng 2h sáng, cả bốn mới chỉ xúc được một nửa với khoảng hơn 20 bao đất để vác xuống núi, chất lên xe chở về rẫy nhà anh Chanh và Tiện cất giữ. Trước khi rút êm, các anh không quên ngụy trang, đánh dấu để đêm sau làm tiếp.


“Mà sao cũng hên thiệt, bình thường lực lượng chức năng hay tổ chức tuần đêm nhưng trong hai đêm lên núi xúc đất vàng, chúng tôi không gặp bất cứ trở ngại gì cả,…” – Anh Đào Minh Thảo thật thà kể.


Qua hôm sau, khi cả 4 anh đang tiến hành xay đãi để lọc vàng thì có một người đàn ông to béo, đeo kính râm tìm đến nhà đặt chuyện muốn mua lại toàn bộ 40 bao đất trên với giá 300 triệu đồng trả ngay. Các anh liền từ chối, người này tiếp tục nâng giá lên 500 triệu đồng.


“Thấy số tiền quá lớn, cả đời nằm mơ cũng không thấy nên trong lòng đứa nào đứa nấy cũng hơi xiêu xiêu. Tuy nhiên sau khi thống nhất, chúng tôi quyết định không bán, quyết thử sức đến cùng với vận may …” – anh Nguyễn Văn Tiện cho biết.


Dùng tiền để trả nợ, chữa bệnh, đầu tư tương lai


Sau một ngày cật, lực xay đãi, kết quả mẻ vàng đầu tiên cũng đã ra lò. “Lúc mẻ vàng đầu tiên xuất xưởng, chúng tôi xem thấy chất lượng khá tốt nên cả bọn đều rất mừng. Đúng lúc này một số đối tượng lạ mặt cứ lẩn quẩn quanh rẫy dò xét nên cả bọn không ai dám ngủ, tinh thần lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Đến tối, chúng tôi thắp điện sáng rực cả một vùng, lại huy động toàn bộ thành viên trong 3 gia đình ra canh giữ. Còn tụi tôi chia ca 24/24h xay đãi cật lực để giải phóng số đất trên” – anh Đào Minh Thảo cho biết.


Kết quả, sau nhiều ngày đêm, các anh thu được số vàng trên 35 lượng. “Có được vàng, chúng tôi đâu dám bỏ trong nhà nên thống nhất ra ngay tiệm vàng đổi lấy tiền cho chắc ăn. Ra tiệm do vàng còn non tuổi nên chỉ bán được hơn 1 tỷ đồng, chia đều ra mỗi người được khoảng 280 – 290 triệu đồng” – anh Nguyễn Văn Tiện cho biết.

Anh Tiện và Thảo đang xay đãi vàng 

Mặc dù cầm trong tay số tiền lớn nhưng ngoài việc đãi tiệc hàng xóm, không một ai trong số 4 nông dân trên dám dùng một cắc để ăn chơi.


“Lộc trời cho, mình phí phạm dù chỉ một đồng thì rất dễ bị tán gia bại sản về sau” – anh Nguyễn Văn Chanh cho biết. Do đó mỗi người có một phương thức tiêu tiền riêng.


Đối với Nguyễn Văn Chanh, anh dùng hơn 200 triệu đồng để mua một chiếc máy cày và dự tính dùng số tiền còn lại để mua lại 3 sào đất (khoảng 60 triệu) mà anh đã bán trước đây.


Anh Chanh cho biết: “Mẹ mất sớm, bố nuôi an hem chúng tôi một thời gian lại đi bước nữa. Do đó khi cưới vợ vào năm 2009, vợ chồng tôi được gia đình cho 3 sào đất. Đến năm 2010, vợ anh sinh đôi 2 đứa con trai, do quá túng thiếu nên vợ chồng tôi đã bán 3 sào đất trên. Do đó tôi quyết tâm mua lại để trồng sắn, mía, khỏi phải đi làm thuê”.


Còn anh Nguyễn Văn Tiện thì dùng số tiền trên để thanh toán nợ nần (40 triệu), xây thêm nhà bếp (40 triệu), dành một khoảng cho bà xã chữa bệnh (khoảng 30 triệu), số còn lại vợ chồng anh gửi ngân hàng để đầu tư cho tương lai các con.


Anh Tiện cho biết: “Bố mẹ tôi mất sớm nên ngay từ nhỏ tôi đã phải làm đủ nghề để kiếm sống. Khi cưới vợ, vợ chồng tôi phải ở một căn nhà tạm bợ, rách nát. An cư mới lạc nghiệp, do đó năm 2008, vợ chồng tôi đã vay Hội nông dân xã Đức Bình Tây 20 triệu đồng để xây nhà nhưng không đủ tiền để xây công trình phụ. Từ đó đến khi trúng vàng, vợ chồng tôi vẫn chưa trả nợ”.


Còn anh Đào Minh Thảo, năm 2009, anh bị tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chấn thương sọ não trong khi nhà đang có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Để có tiền lo viện phí, vợ anh phải đi khắp nơi vay mượn nên sau khi anh xuất viện, gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt.


“Mình dùng tiền để trả nợ, đồng thời xây cho mẹ một gian nhà mới để mẹ ở cho đàng hoàng. Phần còn lại dư được bao nhiêu mình sẽ gửi ngân hàng lo cho con cái ăn học”.


Cũng theo các anh Tiện, Chanh, Thảo, anh Đỗ Phú, người may mắn còn lại trước khi về Ninh Thuận cũng cho biết sẽ dùng số tiền trên để đưa người thân trong gia đình đi chữa bệnh, còn lại bao nhiêu sẽ đầu tư để mở một nghề nào đó tại nhà.


Được biết, sau khi nghe thông tin 4 nông dân Đào, Phú, Chanh, Tiện trúng vàng, hàng trăm người kéo đến bãi Hòn O với hy vọng sẽ được như các anh. Tuy nhiên do lực lượng chức năng huyện Sông Hinh và xã Đức Bình Tây liên tục tổ chức truy quét, ngăn chặn; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nên hiện giờ bãi vàng Hòn O đã ổn định trở lại, không có tình trạng đào đãi vàng trái phép như trước. 

Ngày 15/1, ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho biết: Trước đó lực lượng chức năng huyện Sông Hình đã cho nổ mìn phá sập hàng chục hầm vàng, tiến hành xử lý nghiêm đối tượng cố tình vi phạm nên tình trạng người dân tự do ra vào khu vực núi Hòn O đã cơ bản chấm dứt.

Hiện nay, lực lượng công an, xã đội tiếp tục chốt chặn, kiểm soát vô thời hạn từ 7h sáng đến 17h chiều hàng ngày tại Hòn O; đồng thời chỉ đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể tăng trường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia đào, đãi vàng trái phép dưới mọi hình thức.


Phước Duy/Bee
Bình luận
vtcnews.vn