Bộ trưởng Đinh La Thăng đối thoại trực tuyến với dân

Thời sựThứ Năm, 12/01/2012 04:03:00 +07:00

Chiều nay, 12/1, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân.

Chiều nay, 12/1, tại Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân.

Ảnh Chinhphu.vn

Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông; giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; giảm thiểu tai nạn giao thông; tình hình trật tự giao thông và phục vụ phương tiện giao thông cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; lệ phí lưu hành phương tiện giao thông...

Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet đồng thời truyền trực tiếp trên kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, phát thanh trực tiếp trên hệ Thời sự – Chính trị VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Độc giả Thái Bá Minh ở Hà Nội hỏi: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trả lời dư luận cho biết Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và hiện tại chưa bàn về vấn đề này. Vậy ý kiến của Bộ trưởng như thế nào, tại sao Bộ Giao thông vận tải làm quy trình ngược, trình Chính phủ rồi mới hỏi ý kiến người dân như ông Chánh văn phòng Bộ mới thông báo?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cám ơn bác Thái Bá Minh đã có câu hỏi. Để trình đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, chúng tôi dựa trên một số căn cứ sau đây.

Thứ nhất, căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc tại các thành phố lớn.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung thông qua các giải pháp của Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kết luận, giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ, Chinh phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào Pháp lệnh về phí và lệ phí.

Như vậy, tính pháp lý của đề án là đầy đủ. Đây không phải là sáng kiến mới mẻ của Bộ. Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.  Đây không phải là quy trình ngược.

Câu hỏi thứ hai của độc giả Thái Bá Minh cũng như của nhiều người dân: Tại sao lại thu phí lưu hành phương tiện theo cách cào bằng đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, không phân biệt xe mới, xe cũ… Có phải do năng lực tổ chức yếu kém, điều kiện kỹ thuật hay do thói quen chủ quan, duy ý chí, đơn giản hóa trước các vấn đề nhạy cảm của xã hội? Chúng tôi xin nói thêm là chúng tôi tôn trọng ngôn từ thể hiện quan điểm riêng của độc giả.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã có tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước… Mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối mức 500.000 đồng một năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46 nghìn đồng, tương đương khoảng 2 lít xăng. Chúng tôi nghĩ mức này là phù hợp. Với loại xe trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng.

Với xe ô tô, mức thu là 20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3, như vậy một tháng chưa đến 2 triệu và chúng tôi cho rằng phù hợp với người sử dụng loại phương tiện này. Với xe từ 2000 đến 3000 phân khối, mức thu là 30 triệu đồng và trên đó thì mức phí lại cao hơn. Chúng tôi dự kiến có phân chia thành các mức phí như vậy cho phù hợp với từng đối tượng.

Ảnh Chinhphu.vn

Nguyễn Quốc Cường – Phố chợ cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội: Khi Chính phủ ban hành Quyết định thu phí lưu hành cho các phương tiện giao thông cá nhân theo mà theo Bộ trưởng là nhằm giảm ùn tắc tại các đô thị lớn, thì có cần nhắc tới trách nhiệm cũng của Chính phủ về chính sách cho phép nhập khẩu quá nhiều ô tô và cho thành lập quá nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong thời gian trước đây?

Chúng tôi muốn biết quan điểm của Bộ trưởng về điều mà Bộ trưởng nói về sự công bằng khi mà chủ nhân của những chiếc ô tô đang lăn bánh đã đóng góp vào ngân sách nhiều hơn rất nhiều so với những người đi xe đạp hay những phương tiện khác.

Nếu sau khi người có các phương tiện cá nhân đã nộp đầy đủ phí theo quy định mới, thì theo những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, mà tình hình ùn tắc không được đẩy lùi, thì Bộ trưởng có sẵn sàng đề xuất Chính phủ trả lại những khoản phí đã đóng, thậm chí là lãi suất ngân hàng cho người dân nói chung hay không?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thứ nhất, hiện Chính phủ chưa ban hành Quyết định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân mà hiện mới là đề án của Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng. Hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cần tổng thể các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất rồi quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ô tô...

Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông, mà còn  tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn.

Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mức 500.000/nămCòn đối với người đi bộ, xe đạp không phải nộp.

Nói về chuyện bình đẳng hay không khi những người đi ô tô nộp nhiều thuế, tôi cho rằng, chúng ta cũng phải đặt ngược lại vấn đề, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, họ làm gì để nộp thuế. Nhưng công sức bảo vệ biên giới của họ thì không thể tính bằng tiền. Nếu tính về sự đóng góp thì không thể tính được. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm, hàng tháng nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì có tính được không. Cho nên người hỏi cũng phải xem lại. Người Việt Nam chúng ta có câu làm ơn thì không bảo giờ kể, nhưng chịu ơn thì không bao giờ quên. Ở biên giới, người dân không kể tới đóng góp của mìn cho Nhà nước nhiều đâu. Thực tế, về sử dụng hạ tầng… họ luôn bị thiệt thòi.

Nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không có tiền đầu tư cho giao thông nông thôn, đường ven biển, đường tuần tra biên giới… Do vậy tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.

Còn nói về chuyện thu phí, có hết ùn tắc hay không, tôi xin nói rằng, đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được, toàn dân được hưởng. Còn nếu nói hết hẳn, ở những nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng còn ùn tắc giao thông. Cho nên, chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta.

BTV: Một độc giả hỏi: Cháu rất quan tâm đến các quyết định mạnh tay của chú gần đây, đặc biệt là vấn đề ùn tắc giao thông. Cháu muốn hỏi đề xuất thay đổi giờ làm ở thủ đô Hà Nội đã tới đâu. Từ nhà cháu đến cơ quan là 15km, nhưng sáng mất 1 giờ, chiều mất 1 giờ 30 phút. Đoạn đường Nguyễn Chí Thanh chen chúc ô tô, chỉ có một phần làn đường nhỏ dành cho xe máy. Nếu đường Nguyễn Chí Thanh được phân làn thì những người đi xe đạp, xe máy sẽ không phải vất vả? 

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Rất cám ơn cháu. Nhà chú cũng ở khu Mỹ Đình, ngày nào cũng đi từ đó đến Trần Hưng Đạo, đi từ 6h30 tới 7h là đến nơi làm việc, hơn 7h tối mới về nhà và cũng mất  nửa tiếng, nên ít khi có cảm giác tắc đường. Còn đổi giờ là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, các bộ, ngành đã bàn bạc với UBND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đồng ý với đề xuất này, cho phép UBND TP Hà Nội quyết định theo thẩm quyền, thời gian đổi giờ là từ 1/2/2012.

Sau khi triển khai các giải pháp như vậy, chú nghĩ đường đi làm của cháu sẽ thông thoáng hơn.

Hoàng Hải Hà (Bạc Liêu); Vũ Trần Minh (Nghĩa Lộ, Yên Bái): “Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên”, Bộ trưởng đã nói vậy trong những ngày đầu nhận chức. Vậy đến nay, đã có tiến triển gì trong việc thực hiên kết quả thực hiện trong cả 3 lĩnh vực? 

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đến nay, ngành Giao thông vận tải vẫn đang tiếp tục thực hiện những giải pháp và nội dung đột phá đó. Đó là những vấn đề hết sức lớn, không phải một thời gian ngắn có thể giải quyết được. Vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông là những vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nhưng tôi cũng hết sức hài lòng, sau 5 tháng nhận chức Bộ trưởng đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Tôi hàng ngày nhận được rất nhiều ý kiến qua điện thoại, email, thư bày tỏ sự ủng hộ, tất nhiên cũng có cả những người phản đối.

Đối với ngành Giao thông vận tải, tôi hết sức phấn khởi đã tạo ra sự đoàn kết nhất trí; từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải đã ý thức được trách nhiệm của mình trước thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng là thời cơ để ngành phát triển, đáp ứng yêu cầu mong đợi của đất nước cũng như của người dân.

Một điều nữa là nhận thức của cán bộ lãnh đạo, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải đã thực sự có sự chuyển biến, đồng tâm hiệp lực, nhiệt tình để cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho ngành Giao thông vận tải. Đó là điều tôi thấy phấn khởi nhất, nhất là sự đồng thuận của người dân. Về phí lưu hành phương tiện cá nhân, Quốc hội đã nhất trí thông qua về việc thu phí đó, còn cách thu thế nào thì phải trình đề án cụ thể…

Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, mỗi đại biểu bấm nút là thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của đơn vị bầu cử, của nhân dân nơi đại biểu Quốc hội ứng cử. Khi thông qua Nghị quyết này, Quốc hội đã bỏ phiếu bấm nút nhất trí tới 92,4%, chỉ có 9 đại biểu không nhất trí và 5 đại biểu không biểu quyết. Tôi cho rằng, đây là những điều đã đi vào lòng dân, và được dân đồng thuận.

Về kết quả cụ thể, cần có thời gian. Đầu tư một cây cầu, một con đường, vấn đề xử lý ùn tắc giao thông… cần một loạt các giải pháp để triển khai thực hiện và cần thời gian thì mới khẳng định được kết quả. Tôi hy vọng, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với sự đồng thuận của người dân, chúng ta có thể làm được. Như Bác Hồ nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Theo tôi, khi người dân đã đồng thuận, ủng hộ, chúng ta có thể làm được.

Độc giả Trần Duyên (Hải Phòng):Có ý kiến cho rằng, khi trực tiếp “trảm tướng”, yêu cầu các chủ dự án tăng tốc hoàn thành tiến độ tại Dự án nhà Ga hàng không Đà Nẵng, Quốc lộ 18, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Bộ trưởng bất đắc dĩ phải đi đốc công, làm thay việc của thứ trưởng, thậm chí cục trưởng. Phải chăng công tác điều hành quản lý dự án ở Bộ GTVT đang có vấn đề?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Câu hỏi này rất thú vị. Tôi thấy rằng, đã là người đứng đầu ngành, không chỉ ngành giao thông, khi đi kiểm tra công việc thì phải có các ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ, thậm chí có biện pháp xử lý tình thế để công việc tốt hơn, chứ không phải chỉ khi có vấn đề thì Bộ trưởng mới “ra tay”. Có người nói Bộ trưởng là chính khách, phải làm chính trị, phải làm việc lớn chứ sao lại làm thay việc của đốc công?

Tôi cho rằng bộ trưởng phải làm cả việc lớn, cả việc nhỏ. Ví dụ, tôi đến nhà anh chơi, thấy anh đang quét nhà, không lẽ tôi bảo vợ ông này hỏng, vì chẳng nhẽ anh không thể giúp vợ rửa bát hay quét nhà. Cho nên, Bộ trưởng phải làm được cả việc lớn, cả việc nhỏ, miễn là việc đó có lợi cho tập thể, cho đơn vị, cho đất nước. 

Ảnh Chinhphu.vn

Lý Quý Trung (Diễn Châu, Nghệ An): Năm 2011, tổng vốn đầu tư gồm tất cả các nguồn cho các dự án GTVT vào khoảng 55.000 tỷ đồng, trong khi đó theo Đề án đột phá về hạ tầng mà Bộ GTVT trình thủ tướng thì từ nay đến năm 2015 cần tới 530.000 tỷ đồng, tính trung bình cần tới 160.000 tỉ đồng/năm. Bộ sẽ có thế hoạch gì để bù đắp vào các khoản thiếu hụt này?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Có thể nói đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tương đối hiện đại là một giải pháp đột phá trong 10 năm tới mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định. Trên cơ sở nghị quyết Đại hội 11, kế hoạch 5 năm 2011-2015, Chính phủ đã xây dựng đề án đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, số một là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, chúng ta thực hiện đề án này trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức, chúng ta phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội.

Như vậy, vốn đầu tư cho hạ tầng không những không tăng thêm mà còn bị giảm đi. Trong khi yêu cầu phải đầu tư hạ tầng cho đất nước để đảm bảo mục tiêu đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thì lại phải có đột phá về đầu tư.

Như vậy, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào ngân sách, chúng ta phải có giải pháp để huy động các nguồn lực khác nhau để cho đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân...

Nói tóm lại huy động rất nhiều nguồn lực khác nhau.  Để huy động nguồn lực đó cần có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể nói chung cũng như đối với từng dự án nói riêng. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng được nguồn lực để cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, ngành Giao thông vận tải cũng phải rà soát lại toàn bộ thể chế chính sách để quản lý chặt chẽ, nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư. Bởi vì sử dụng hiệu quả vốn đầu tư là mong mỏi của người dân. Tôi biết nhiều người dân sẵn sàng nộp khoản này khoản kia, miễn là ngành Giao thông vận tải phải sử dụng nó hiệu quả. Rất nhiều người gửi thư tới chia sẻ với chúng tôi là họ hoàn toàn ủng hộ với các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra, nhưng phải cam kết sử dụng đồng tiền có mục đích, hiệu quả.

Tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình, hiện chúng tôi đang tập trung để đầu tư dự án với tiến độ nhanh, chất lượng đảm bảo tốt. Muốn vậy thì có rất nhiều giải pháp từ tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng… Chúng tôi đang tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp như vậy.

Vấn đề huy động nguồn lực là bài toán khó nhưng tôi nghĩ rằng, với sự đồng thuận của dân, với sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Trung ương mới bàn thảo và ra Nghị quyết Trung ương 4 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tôi nghĩ rằng đây cũng là thời cơ để ngành Giao thông vận tải tiếp tục phát triển.

Độc giả Nguyễn Thị Minh Trang (Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội): Trong một phát ngôn gần đây, Bộ trưởng có hứa rằng năm 2012, tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế và đẩy lùi. Vậy khái niệm kiềm chế được hiểu theo nghĩa nào? Giảm mức tăng hay chỉ đơn giản là không để tăng thêm so với năm ngoái?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Xin cám ơn bạn Trang. Nhưng xin nói rõ là đây không phải là lời hứa của Bộ trưởng, mà là nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, trong năm 2012 phải giảm từ 5-10% tai nạn giao thông, ít hơn cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2011.

Đã là Nghị quyết của Quốc hội thì toàn dân phải thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu đó. Và với sự ủng hộ của nhân dân, tôi cho rằng chúng ta sẽ thực hiện được.

Độc giả Phạm Xuân Thanh ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội hỏi: Tôi đã có 20 năm là người bình thường, 20 năm là người khuyết tật, đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, từng học tập tại Mỹ. Tôi xin hỏi là trong tổng thể đầu tư và phát triển giao thông tại các đô thị, chúng ta có tính đến bao nhiêu phần trăm ngân sách dành cho phương tiện và công trình giao thông có thể tiếp cận đối tượng cần trợ giúp như người già, người khuyết tật.

Chính Bộ trưởng từng nói ngay cả Bộ trưởng cũng khó đi xe buýt, vậy người khuyết tật sẽ dùng phương tiện gì. Bộ trưởng đang ưu tiên các phương tiện công cộng, nhưng việc phát triển này không thể bỏ qua các đối tượng nêu trên, bởi đây là vấn đề thuộc phạm trù văn minh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tôi xin trả lời là không chỉ ở Mỹ hay các nước phát triển, mà chúng ta cũng đã có luật, nghị định của Chính phủ về giao thông tiếp cận, giúp những người khuyết tật tiếp cận các phương tiện giao thông vận tải công cộng một cách tốt nhất và chúng ta cũng đang triển khai.

Tất nhiên cũng phải tùy vào thời điểm cụ thể để chúng ta đầu tư các loại hình vận tải công cộng khác nhau. Hiện chúng ta chưa có tàu điện ngầm, đường sắt nội đô, đường sắt trên cao, nên chúng ta phải tập trung phát triển xe buýt nhiều hơn. Thể chế đã có, chúng tôi phải cùng phối hợp với các thành phố, phát triển các loại hình giao thông công cộng để người khuyết tật có thể tiếp cận. Nước ngoài làm được thì chúng ta cũng phải làm được, phải đảm bảo công bằng và có ưu tiên cho các đối tượng không may mắn.

Độc giả Đỗ Nguyệt Minh, Hà Nội: Xin hỏi Bộ trưởng đến lúc nào ông nghĩ đến việc xây dựng đường sắt tốc độ cao (150km/h), 2 chiều, chạy bằng điện, dễ làm, là phương tiện giao thông nhanh, rẻ và phù hợp với địa hình nước ta.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiện nay Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển Hà Nội và TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 và trong đó có việc phê duyệt quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Trong phát triển hạ tầng giao thông có quy hoạch phát triển đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị này gắn kết với đường sắt Bắc- Nam. Cho nên, về lâu dài, chúng ta phải phát triển đường sắt tốc độ cao với tốc độ từ 150-200km/h. Đường sắt đó phải gắn với đường sắt đô thị để sau này kết nối hoàn toàn. Rõ ràng nếu chúng ta làm được điều đó thì rất tốt bởi nó vận chuyển được khối lượng lớn, ít ô nhiễm môi trường hơn. Tuy nhiên, suất đầu tư cao hơn, cho nên chúng ta cũng cần phải có thời gian.

Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt ở Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, ở TP HCM có 6 tuyến. Hà Nội và TP HCM cũng đang bắt đầu triển khai, ở Hà Nội đã triển khai tuyến Hà Đông-Nhổn, ở TP HCM triển khai tuyến Bến Thành- Suối Tiên… Một số dự án khác đang kêu gọi nguồn đầu tư. Tôi nghĩ ý kiến của bạn hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian để huy động nguồn lực để triển khai dự án.

Độc giả Trịnh Văn Xuyên (Thạch Thất, Hà Nội): Trong cuộc chiến chống ùn tắc giao thông, Bộ GTVT có công cụ nào, khi thẩm quyền quyết định giờ làm, phân luồng phân làn thuộc về chính quyền các thành phố lớn, thẩm quyền xử phạt thuộc về Bộ Công an?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là câu hỏi thú vị, tưởng là dễ mà lại khó, tưởng là khó lại là dễ. Vì chúng ta phải xác định, việc chống ùn tắc giao thông tại các thành phố là trách nhiệm của UBND các thành phố, Bộ GTVT với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có trách nhiệm phối hợp. Và trong Nghị quyết 01 triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2012, Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành khác thực hiện mục tiêu giảm thiểu, kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, chúng tôi không nhất thiết phải trực tiếp đi phạt, đi thu tiền thì mới thực hiện được nhiệm vụ quản lý. Ngành GTVT quản lý về thể chế, chính sách, quản lý bằng pháp luật các hoạt động trong lĩnh vực GTVT trên phạm vi cả nước, quản lý bằng công cụ kiểm tra, giám sát. Ví dụ, vừa rồi, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã giải thể khoảng 6 công ty taxi tại Hà Nội, 5 công ty tại TPHCM.

Và trong quá trình thực hiện, các quy định của pháp luật chưa phù hợp, chúng tôi có trách nhiệm cập nhật, trực tiếp sửa đổi hoặc đề xuất Chính phủ, trình Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi… để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đó là những công cụ của ngành GTVT.

Tôi xin nhắc lại, trách nhiệm giảm ùn tắc giao thông thuộc về UBND các thành phố, nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông thuộc về Bộ Công an.

Tôi nói thế không phải là “đá bóng”. Ngành GTVT xác định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thì phải có trách nhiệm. Ví dụ, vừa rồi trước hiện tượng cháy ô tô, cháy xe máy, sau khi kiểm tra, rà soát, nhận thấy các quy định của pháp luật còn chỗ hổng, chúng tôi yêu cầu cập nhật lại và chuẩn bị những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý từ sản xuất tới phân phối, trong sử dụng phương tiện… để khi có vấn đề xảy ra, chúng ta xác định được trách nhiệm.

Cổng TTĐT Chính phủ

Bình luận
vtcnews.vn