"Điện thoại thủy thủ tàu Queen không thể nào đổ chuông"

Thời sựThứ Sáu, 06/01/2012 08:48:00 +07:00

Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải (Vishipel) Phan Ngọc Quang.

Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải (Vishipel) Phan Ngọc Quang trước những thông tin nói rằng sau khi thân nhân gọi vào máy điện thoại vệ tinh của thủy thủ tàu Vinalines Queen bị đắm thì vẫn thấy đổ chuông.

Trao đổi với báo chí ngày 5-1, ông Phan Ngọc Quang quả quyết: "Thông tin về việc ngay sau khi tàu Vinalines Queen xảy ra sự cố, người nhà một số thuyền viên vẫn nhận được tín hiệu điện thoại di động của thuyền viên khi cố gắng liên lạc là điều không thể xảy ra".

Trước đó, thông tin trên một số tờ báo có nói rằng khi thân nhân gọi vào điện thoại di động hòa mạng toàn cầu của 2 thủy thủ Vinalines Queen sau khi con tàu này đã đắm tới 6 ngày (tàu Vinalines Queen đắm sáng 25-12-2011) thì thấy điện thoại vẫn đổ chuông. Đó là các thủy thủ Ngô Văn Lâm (thôn Quế Lâm, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy - Hải Phòng), Đỗ Văn Cường (tổ 6, thị trấn An Dương, huyện An Dương - Hải Phòng).

Ông Quang lý giải: Các số điện thoại mà người nhà gọi là đầu số của Indonesia chứ không phải là đầu số điện thoại vệ tinh trên tàu Vinalines Queen.

"Trong khi đó, đầu số của điện thoại vệ tinh Inmarsat là 0873, 0872, 0870. Sở dĩ khẳng định điều này vì Vishipel nắm được toàn bộ danh sách thuê bao vệ tinh Inmarsat sử dụng trên tàu" - ông Quang cho biết.

Các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại trên tàu Vinalines Queen tê liệt ngay sau khi đắm 

Ông Quang cho rằng có khả năng khi còn ở trên bờ thuộc khu vực cảng Morowali (Indonesia), một số thuyền viên tàu Vinalines Queen đã mua sim của Indonesia để gọi về nhà. Thân nhân sau đó gọi ngược lại số điện thoại này thì vẫn thấy đổ chuông là vì vậy.

Theo ông Phan Ngọc Quang, tàu Vinalines Queen là tàu chuẩn quốc tế nên được lắp đặt hệ thống thông tin vệ tinh của Inmarsat chung toàn cầu.

Đáng chú ý, theo ông Quang, khi thiết bị điện thoại vệ tinh Inmarsat của tàu Vinalines Queen còn bật và hoạt động, thì sẽ xác định được tọa độ vị trí của tàu ngay. Nhưng chưa biết vì sao mà toàn bộ thiết bị này đều bị tê liệt sau khi con tàu bị đắm nên không thể liên lạc được.

Cũng theo Vishipel, tàu Vinalines Queen còn trang bị thiết bị phát tín hiệu cấp cứu qua Hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat. Song đến thời điểm này Vishipel chưa tìm được nguyên nhân vì sao thiết bị này lại không phát tín hiệu cấp cứu.

Theo chế độ phát tín hiệu cấp cứu tự động của thiết bị Cospas-Sarsat thì khi tàu chìm xuống độ sâu khoảng 2-4m, dưới áp lực của nước, khóa của bộ nhả thủy tĩnh sẽ được bật tung ra, làm thiết bị được giải phóng ra giá đỡ và nổi lên trên mặt biển. Nước biển lúc này sẽ làm dây dẫn điện ngắt mạch phao, làm phao kích hoạt, tự động phát tín hiệu cấp cứu lên vệ tinh.

Ông Phan Ngọc Quang phân tích: Về nguyên tắc, tất cả tín hiệu cấp cứu hàng hải được phát ra từ hệ thống vô tuyến mặt đất hay các hệ thống vệ tinh như Inmarsat hay Cospas-Sarsat thì hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam (do Vishipel quản lý) đều nhận được. Nhưng chưa biết vì sao mà đến nay tàu Vinalines Queen vẫn "bặt vô âm tín".

"Đây là một trong những vụ chìm tàu bí ẩn nhất mà ngay các chuyên gia và thuyền trưởng lão luyện của Vinalines cũng chưa thể giải thích được"- Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Nguyễn Cảnh Việt thừa nhận trong cuộc họp báo tối 4-1.

Theo T.Dũng/Người Lao Động

Bình luận
vtcnews.vn