Sinh viên rao bán cốt nhục công khai trên mạng

Thời sựThứ Bảy, 03/12/2011 12:03:00 +07:00

“Tôi mang thai được 7 tháng nhưng vì tôi là sinh viên nên khá vất vả. Gia đình tôi thì chưa biết chuyện nên tôi muốn cho con..."

Thời gian qua, trên mạng rầm rộ thông tin đăng tải với tựa đề “cần cho nhận con” nhưng thực chất những topic đó công khai rao bán con. Có cầu ắt có cung. Đó là những bạn trẻ trót dại lỡ dính bầu, thậm chí những phụ nữ hạnh phúc không tròn, sau ly dị lại muốn đem con cho người khác.

Rao bán con công khai

Một nickname, chủ nhân của lời rao cho biết, ngày cô sinh con là cuối tháng 2-2011 nên rất mong những ai có “nhu cầu” nhận con thì phải liên hệ gấp. Không chỉ có những bạn gái (đa phần là sinh viên - PV) lỡ trót dại tìm lên mạng rao bán con mà những bạn trai của họ cũng công khai lên mạng “trình bày hoàn cảnh” và đăng tin rao bán.

Trên mạng, một topic với tựa đề: “Tôi mang thai bé trai được 7 tháng, cần cho con” (đăng tin tháng 10-2011) được rất nhiều người quan tâm bởi ngay bên cạnh tựa đề “nóng bỏng” lại là thông điệp “tất cả vì trẻ thơ”.

Bạn trẻ này “chào hàng” với nội dung: “Tôi mang thai được 7 tháng nhưng vì tôi là sinh viên nên khá vất vả. Gia đình tôi thì chưa biết chuyện nên tôi muốn cho con. Cuối tháng 12 này là bé chào đời, tôi hy vọng có ai đó cưu mang bé và nuôi dạy bé thật tốt, nếu gia đình nào nuôi bé thì liên hệ với tôi theo số điện thoại 0979881…”.

Những topic "rao bán" con 

Một bà bầu (35 tuổi, giấu tên) chia sẻ: “Tôi vừa ly hôn chồng, nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn không đủ điều kiện nuôi con. Trong khi đó, tôi đã mang thai được 30 tuần, thai đã to, bỏ con thì tội. Không biết có ai muốn nhận con nuôi không?

Nếu gia đình nào muốn nhận con nuôi xin vui lòng liên hệ số điện thoại 01682… Tôi xin hứa sẽ không đòi hỏi bất kỳ điều gì, kể cả thông tin cá nhân về người nhận con”.

Lân la trên mạng, tôi bắt gặp 5 topic cần cho con của 5 bạn sinh viên với cùng một hoàn cảnh: “điều kiện kinh tế khó khăn không thể nuôi con” và kèm theo đó số điện thoại để lại trên diễn đàn. Những lời khẩn cầu cho con khiến bất kỳ ai đọc được cũng cảm thấy mủi lòng.

Tôi bấm máy, số điện thoại 01690…, đầu dây là một cô gái giọng thỏ thẻ nói: “Dạ, ai đầu dây đấy ạ?”. Sau màn làm quen, tôi đặt vấn đề xin nhận con nuôi, cô gái ấp úng: “Đã có người nhận lời rồi cô ạ!”. Tôi tiếp tục bấm máy tới số 091241…, phía đầu dây là một cậu thanh niên. Khi nghe tôi hỏi tế nhị muốn xin con nuôi, cậu thanh niên hẹn: “Mai chị gọi lại nhé!”.

Đúng hẹn, ngày hôm sau tôi gọi lại, vẫn giọng nam thanh niên đó. Cậu ta ra giá: “8 triệu đồng, nếu chị đồng ý sẽ hẹn địa điểm rao tiền đặt cọc (2 triệu - PV) và viết bản cam kết”.

Những chiêu lừa… “bán con ảo”

Chị Nguyễn Thu Hà (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị lấy nhau được gần 20 năm nhưng dù đã chạy chữa khắp trong Nam ngoài Bắc vẫn không thể sinh con.

Vượt qua nỗi đau của bản thân, chị Hà đã nhiều lần đề xuất chồng tìm mối “gửi gắm” để có được tiếng con thơ trong nhà. Nhưng tiếc thay, chồng chị Hà cũng mắc chứng vô sinh. Sau này được bạn bè giới thiệu, chị Hà đã làm thủ tục xin nhận con nuôi tại một trại trẻ mồ côi.

Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khao khát có con (Ảnh minh họa) 

Nỗi niềm của chị Hà cũng giống như bao cặp vợ chồng hiếm muộn khát khao với thiên chức làm mẹ, nhưng trớ trêu thay, càng hy vọng họ càng thất vọng. Nhiều cặp vợ chồng khi biết tin trên mạng có thông tin về những sinh viên cần rao bán con, họ cũng lùng sục lên mạng.

Chị Nguyễn Thu M. (Hàm Tử Quan, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng chị hiếm muộn nên rất mong mỏi được nhận con nuôi. Khi biết tin nhiều bạn trẻ muốn cho con, chị cũng khấp khởi mừng.

Vì chị nghĩ, với những bạn trẻ có sức khỏe, khi sinh con ra sẽ có sức đề kháng tốt nên khi nhận con về “nuôi bộ” (cho ăn sữa ngoài) sẽ không bị còi cọc, ốm yếu. Thế là, niềm hy vọng nhận con nuôi được vợ chồng chị M. nhen nhóm.

Lần theo số điện thoại mà những bà mẹ sinh viên đăng trên mạng, vợ chồng chị M. đã gọi không biết bao nhiêu số nhưng vẫn “tò te tí”.

Thậm chí, có lúc phía đầu dây nhấc máy nhưng những câu hỏi của vợ chồng chị M. đều rơi vào hư không. Chán nản, mệt mỏi vì phải chạy theo các “bà mẹ ảo” trên mạng, vợ chồng chị M. cũng từ bỏ hành trình đi tìm con nuôi của mình.

Xu hướng sinh viên lên mạng rao bán con là có thật, nhưng câu chuyện rao bán ấy “thật” đến mức nào thì chẳng ai dám chắc.

Vì thực tế, ngay trên các trang mạng, phía dưới tựa đề “Cần cho con!” là những lời cảnh báo nhiều nạn nhân đã từng tìm nhận con nuôi trên thế giới mạng như: “Số điện thoại này lừa đấy!”, “Mua bán con lừa đảo, chẳng có bà mẹ mang thai nào cả”… Sau nhiều phản hồi của nạn nhân, một số topic đã đóng lại, ngưng rao cho con.

Thực tế, PV cũng bị ăn “quả đắng” khi đóng vai một người đi xin con nuôi cho bà chị gái hiếm muộn. Khi PV liên hệ đến số di động 016851336… thì nhận được lời giới thiệu đon đả của một người phụ nữ trung niên.

Người phụ nữ này tự nhận là cô ruột của bà mẹ trẻ (quê ở Nam Định, đang học tại một trường đại học ở Hà Nội). Vì lí do tế nhị, cô gái đã có bầu 5 tháng, gia cảnh lại khó khăn nên đành phải cho con.

Người phụ nữ thỏa thuận “10 triệu đồng, tiền hỗ trợ chỗ ở đến khi sinh và tiền bồi dưỡng sức khỏe sau sinh. Ngày mai (26-11), đúng 20h đến ngã tư đường Dịch Vọng (Hà Nội) xem mặt bà bầu và đặt cọc 2 triệu đồng. Sau khi sinh, nhận con sẽ giao nốt tiền”. Cuộc giao dịch chóng vánh, tôi nhận lời mừng rỡ.

Đúng 20h, ngày 26-11, có mặt tại điểm hẹn, chúng tôi đứng chùn chân mỏi gối cũng không thấy bóng ai. Sau hơn 1 tiếng chờ đợi, tôi bấm máy gọi lại vào số di động 016851336… thì chỉ thấy “ngoài vùng phủ sóng”.

Liên tiếp mấy ngày sau, tôi gọi điện lại đến số máy trên đều không có hồi âm. Gọi một vài số điện thoại để lại trên diễn đàn rao cho con đều không có người cầm máy. Khi ấy, tôi mới tỉnh ngộ, những lời cảnh báo của các nạn nhân “đẩy” lên mạng thật có lý. Quả là những chiêu lừa… không dễ chịu.

Việc làm mất nhân tính

Trao đổi với PV, một chuyên gia tâm lý thẳng thắn: “Chuyện rao cho con không phải đến nay mới có nhưng càng ngày nó càng xuất hiện như một trào lưu, một mốt của nhiều bạn trẻ, biến họ thành những người sống buông thả”.

Vị chuyên gia này lên án mạnh mẽ việc sinh con ra và cho đi đã là việc làm thiếu trách nhiệm huống hồ đứa con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị rao cho. Đứa trẻ không có tội, nó có quyền con người, được chăm sóc, yêu thương…

Theo nhìn nhận của chuyên gia xã hội học, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, câu chuyện “rao cho con” trên mạng không có gì đáng phải ồn ào.

Đó là nhu cầu của một bộ phận, nhu cầu có thật. Những bà mẹ hiếm muộn muốn nhận con nuôi, còn những cô gái muốn rao cho con lại tương đối ẩn danh. Việc “rao cho con” cho phép người ta “trốn thoát” một số nghĩa vụ.

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia tâm lý, các nhà xã hội học thì các bác sĩ chuyên khoa sản đã lên tiếng phản đối gay gắt về chuyện rao cho con trên mạng (thực chất là rao bán con) của một bộ phận sinh viên.

Bác sĩ Lê Thị Thúy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) gọi đó là việc làm mất nhân tính. Bởi khi đứa con mới chỉ là cục máu trong người thì người mẹ trẻ đã lạnh lùng rao cho con. Cho con thì dễ nhưng nhận con thì khó.

Biết đâu, sau này một trong số những bà mẹ đã từng cho con lại rơi vào cảnh phải đi nhận con nuôi. Khi ấy, sự căm phẫn bản thân sẽ dấy lên, còn khát khao làm mẹ sẽ chỉ là khao khát mà thôi!

Đừng để xảy ra hậu quả rồi mới… “chạy làng!”

Theo quan điểm của chuyên gia xã hội học TS. Trịnh Hòa Bình, việc rao cho con không phải là chuyện quá ghê gớm. Cộng đồng mạng, đời sống mạng có nhu cầu và thực tế không ít người “không đủ điều kiện làm mạng” thì họ muốn trốn tránh để không bị tra khảo lý do này, lý do kia.

Họ không muốn đối diện và bị truy xét về góc độ nhân văn, nhân bản, đạo lý… Tuy rằng, đó là một thực tế nhưng chẳng phải là việc hay hớm gì.

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội cần tích cực giáo dục về sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ. Vấn đề mấu chốt là phải dạy họ biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân chứ không phải xảy ra hậu quả mới “chạy làng!”.

Theo Giang Nhung(Đời sống & Pháp luật)

Bình luận
vtcnews.vn