Thủ tướng: Hoàng Sa, Trường Sa của VN từ thế kỷ 17

Thời sựThứ Sáu, 25/11/2011 11:22:00 +07:00

(VTC News) - Thủ tướng nhấn mạnh, VN khẳng định đủ căn cứ pháp lý và Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ thế kỷ 17.

(VTC News) - Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định đủ căn cứ pháp lý và lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ thế kỷ 17.

Sáng nay (25/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mở đầu phần trả lời chất vấn trước Quốc hội bằng nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta

Mở đầu chất vấn, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh khu vực Biển Đông hiện nay đang diễn biến phức tạp và chắc là kéo dài. ĐB Lĩnh cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. 

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), căn cứ vào thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà ta và Trung Quốc mới ký trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, căn cứ những chủ trương, đường lối và những nguyên tắc nêu trên, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền trên biển Đông.

Cụ thể, về đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Thủ tướng nêu, sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới năm 2000, còn vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ nếu theo Công ước Luật biển năm 1982 thì thềm lục địa của nước ta có trồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, mãi tới năm 2009 thì hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường hai bên còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010 hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển sau nhiều lần đàm phán nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa rồi.

“Để có một giải pháp hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được chúng ta đang thúc đẩy cùng Trung Quốc xúc tiến đàm phán giải quyết việc phân định này, trong khi chưa phân định thì với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm cho việc an ninh, an toàn trong việc khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta” – Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa, đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

“Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với Công ước về Luật biển, phù hợp với tuyên bố DOC” – Thủ tướng khẳng định.

Về quần đảo Trường Sa, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc thì hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa (đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca) từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau đó chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân và xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này – “vùng biển trong phạm vi mà 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”.

Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng đã chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philipin chiếm 9 đảo, Malaixia chiếm 5 đảo, còn Bruney có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không có chiếm giữ đảo nào.

“Như vậy trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam chúng ta cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ với số hộ là 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu cũng đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này” – Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền đối với Hoàng Sa là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật biển, nghiêm túc thực hiện tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Cùng với đó, theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ bao gồm cả đường sá, điện, trạm xá, trường học, nước... để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa.

Đồng thời, Chính phủ đang yêu cầu sơ kết đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này – việc này đã có và đang có hiệu quả và cần phải sơ kết để làm sao khuyến khích, hỗ trợ cho bà con của chúng ta thực hiện làm ăn sinh sống, thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông, “vì đây là mong muốn, là lợi ích của tất cả các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các bên liên quan của các nước. Lập trường này của chúng ta được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao ASEAN với các đối tác” – Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trước Quốc hội và cử tri cả nước: “Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền để quản lý thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ hơn, hiện quả hơn đối với vùng biển này”.

Bắt tay nghiên cứu Luật biểu tình

Tại buổi chất vấn, các ĐBQH quan tâm đến căn cứ, thái độ, chủ trương của Chính phủ trong việc đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Biểu tình, về nội dung này theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thực hiện Hiến pháp (điều 69) quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình, “như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình”.

Thủ tướng nêu rõ, thực tế hiện nay có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước cũng đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh biểu hiện này. Chính phủ đã ban hành Nghị định (số 38) để quản lý điều chỉnh hiện tượng này nhưng nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đặt ra.

“Vì vậy, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân” – Thủ tướng nêu.

Về chất vấn của các ĐBQH đề nghị nêu chủ trương của Chính phủ đối với những người biểu thị lòng yêu nước và chủ quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, của Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, đối với tất cả những việc làm của tất cả mọi người dân của chúng ta thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia.

“Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và cũng phải buộc xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng với danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng với danh nghĩa bảo vệ chủ quyền mà để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội. Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như thế thì đồng chí, đồng bào chúng ta sẽ ủng hộ!” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn