TP.HCM: Dùng kim tiêm đe dọa cướp trên xe buýt

Thời sựThứ Ba, 18/10/2011 06:25:00 +07:00

(VTC News) – Theo một nhân viên của tuyến xe buýt đến ĐHQG TP.HCM, có lúc khi hết khách, anh dọn dẹp thì thấy có cả ống chích ma túy...

(VTC News) – Theo Công an TP.HCM, tình trạng móc túi trên các tuyến xe buýt ở TP đang ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng liên kết với nhau hoạt động, và sẵn sàng hỗ trợ cho nhau khi có người phát hiện…

Trong thời gian gần đây, khi dư luận cả nước đang lên án nạn móc túi hoành hành tại các bến xe buýt ở TP Hà Nội thì tương tự, tại TP.HCM, tình trạng móc túi trên các tuyến xe buýt đông khách tuy không rầm rộ nhưng vẫn có những thủ đoạn hết sức tinh vi và táo tợn.

Vào một buổi chiều tan tầm giữa tháng 10, chúng tôi lên tuyến xe buýt số 150 (Chợ Lớn – Tân Vạn) từ trạm trên đường Điện Biên Phủ. Trên xe đã đông nghẹt người. Người đứng, ngồi ken chặt nhau tạo không khí rất ngột ngạt.

Khi chiếc xe đi đến đường Ngô Gia Tự (Q.10), bỗng một nữ sinh la lên “cướp, cướp”. Trong lúc đang mải mê nghe điện thoại, chiếc bóp để ở túi quần của cô nữ sinh đã bị móc đi, thủ phạm là một thanh niên to khỏe.

Khi người nữ sinh phát hiện bóp tiền của mình “không cánh mà bay” thì cũng là lúc tên trộm đã nhanh chóng bước xuống xe buýt, lẩn vào đám đông...

Các chuyến xe buýt đông người luôn là mục tiêu hành động của các đối tượng "hai ngón" (ảnh: N.D) 

Buồn bã, nữ sinh tên Ngọc Ly (ĐH KHXHVN TP.HCM) kể: “Trong bóp em chỉ có khoảng vài trăm nghìn, nhưng đáng kể nhất là toàn bộ các giấy tờ tùy thân, thẻ ATM, thẻ SV đã bị lấy mất”.

Xe buýt của TP.HCM, các tuyến thường hay xảy ra nạn móc túi, cướp giật là các tuyến đường dài, có đông SV như tuyến 6, 8, 19, 24, 53, 56, 150… và thường xảy ra vào giờ tan tầm, khi các hành khách mải mê chen chân nhau để tìm một chỗ đứng hay chỗ ngồi.

Theo lãnh đạo Đội 4 – Phòng CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an TP.HCM: Các đối tượng tham gia băng nhóm này thường có từ 3 – 4 tên. Sẽ có 1 – 2 đối tượng đứng cảnh giới ở phía ngoài, hoặc đi theo xe để giải thoát cho đồng bọn khi cần thiết. Trên xe, chúng sẽ di chuyển, xô đẩy để tạo ra sự mất cảnh giác của người đi xe.

Rất nhiều hành khách chưa kịp đi hết tuyến đường cần đi, thì túi tiền đã bị móc sạch. Nhiều tài xế xe buýt mặc dù biết sự lộng hành của chúng, nhưng rất hiếm ai dám lên tiếng, vì sợ "nhừ xương".

Nạn nhân của các đối tượng móc túi trên xe buýt chủ yếu là SV – HS, người già, lao động phổ thông hay những người có thu nhập thấp… nên tài sản bị mất nhiều khi là cả một gia tài to lớn của họ.

Tiền bạc sau khi lấy được, chúng chia nhau tiêu xài. Còn nếu có giấy tờ tùy thân, chúng sẽ liên hệ với khổ chủ để đòi tiền chuộc.

Cá biệt, theo một nhân viên của tuyến xe buýt đến ĐHQG TP.HCM, có lúc khi hết khách, anh dọn dẹp thì thấy có cả ống chích ma túy. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp con nghiện dùng ống tiêm chích đe dọa các khách đi xe buýt để lấy tiền phục vụ cho cơn nghiện.

Thanh Tâm – một nhân viên của tuyến xe 150 chia sẻ: “Bọn chúng rất táo tợn, sẵn sàng chống trả quyết liệt những ai đi tố giác nên người dân có thấy cũng chẳng dám lên tiếng”.

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội xác nhận, trên địa bàn TP.HCM thường xuyên có khoảng 20 băng nhóm hành nghề “hai ngón” trên xe buýt. Dù tình trạng này trong thời gian gần đây không còn quá nở rộ lên như dạo trước, nhưng thủ đoạn mà những đối tượng này áp dụng vẫn còn hết sức tinh vi, khó phát hiện được.

Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM khuyến cáo: Người dân khi đi xe buýt khi thấy các đối tượng móc túi hay mình bị móc túi thì hô hoán thật to để tài xế có thể đóng chặt cửa, và đưa các thủ phạm về trụ sở công an gần nhất. Đồng thời, mọi người cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn