Chống rửa tiền có nên kiêm chống tài trợ khủng bố?

Thời sựThứ Tư, 12/10/2011 06:41:00 +07:00

(VTC News) – Chiều 11/10, nhiều thành viên UB Thường vụ Quốc hội không đồng tình khi đưa tài trợ khủng bố vào dự án luật Luật phòng, chống rửa tiền.

(VTC News) – Thảo luận về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (PCRT) chiều 11/10, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình khi đưa nội dung chống tài trợ khủng bố vào dự án luật này.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật phòng, chống rửa tiền cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Dự án luật nêu, tài trợ khủng bố là hành vi của bất cứ cá nhân, tổ chức nào, dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, cố ý cung cấp hoặc huy động tài sản, với mục đích tài sản đó sẽ được sử dụng hoặc biết tài sản đó được sử dụng một phần hoặc toàn bộ để thực hiện hành động khủng bố; hoặc cho kẻ khủng bố; hoặc cho tổ chức khủng bố.

Khi thảo luận, nhiều ý kiến lại cho rằng, Luật này chỉ nên quy định về phòng, chống rửa tiền. Tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật phòng, chống khủng bố (đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trước hết luật nên quy định về lĩnh vực rửa tiền, còn những vấn đề khác có quy định trong luật này hay không thì phải xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích, tài trợ khủng bố là hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trong khi mục tiêu của Luật này chỉ chủ yếu điều chỉnh bảo đảm an toàn cho lĩnh vực tài chính ngân sách.

Cùng với đó, trong Luật nhiều quy định không phù hợp với tài trợ khủng bố mà chỉ phù hợp với điều chỉnh rửa tiền bình thường.

Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Ksor Phước (Ảnh: Kiều Minh) 

Bày tỏ ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu nêu, đây là dự án luật trình Quốc hội lần đầu ta nên cân nhắc có đưa hành vi tài trợ khủng bố vào Luật phòng, chống rửa tiền hay không, vì nó là hình thức khác nhau của tội phạm.

Chốt nội dung này tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, theo chương trình làm luật thì cứ báo cáo dự án Luật phòng, chống rửa tiền xin ý kiến Quốc hội, với nội dung về tài trợ khủng bố, theo bà Ngân, “nếu chúng ta đưa rửa tiền để tài trợ khủng bố thì thêm chương này trong dự án luật và cũng nên xin ý kiến Quốc hội rồi tiếp thu tiếp, thì mới thông qua luật được, bởi khi đưa ra Quốc hội xin ý kiến còn có cả Luật chống khủng bố”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm, đa số ý kiến không muốn đưa tài trợ khủng bố vào dự án luật, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp thu, kỳ họp tới sẽ ngồi lại hoàn chỉnh báo cáo tiếp thu rồi đưa ra trước Quốc hội.

Cũng trong buổi họp về dự án luật này vào chiều nay, một nội dung khác cũng được các thành viên Ủy ban TVQH tập trung đưa ý kiến tại buổi thảo luận, đó là cần nêu rõ hơn thực trạng hoạt động rửa tiền và công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, những hạn chế, bất cập chủ yếu trong thực hiện trên thực tế Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền.

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền quy định các hành vi rửa tiền khác với quy định của Bộ Luật hình sự hiện hành. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đối với những hành vi rửa tiền phải áp dụng biện pháp hình sự thì cần quy định đúng như Bộ Luật hình sự. Tội “rửa tiền” mới được bổ sung vào Bộ Luật hình sự (bổ sung năm 2009) đã tính đến chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Luật phòng, chống rửa tiền có thể quy định các hành vi rửa tiền khác bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc kinh tế.

Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống rửa tiền như Tờ trình Chính phủ. Đồng thời, đề nghị trong Tờ trình của Chính phủ cần thể hiện rõ hơn quan điểm xây dựng luật, nhất là quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền”. Tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật phòng, chống khủng bố (đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012). Các nước như Cộng hòa Liên bang Đức đưa nội dung chống tài trợ khủng bố vào Luật chống rửa tiền vì không có Luật chống khủng bố riêng, tội khủng bố được quy định trong Bộ luật hình sự.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành loại ý kiến này.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn