'Nỗi nhục quốc thể' ở sân bay Đà Nẵng

Thời sựThứ Năm, 06/10/2011 03:35:00 +07:00

(VTC News) – Quan điểm "sự chậm trễ là nỗi nhục", phải lấy lại danh dự của ngành được Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra ngay khi bắt đầu buổi làm việc.

(VTC News) – Quan điểm "sự chậm trễ là nỗi nhục", phải lấy lại danh dự của ngành được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra ngay khi bắt đầu buổi làm việc với các bên liên quan đến dự án xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng chiều 4/10.

Chân dung “nỗi nhục”

Dự án Nhà ga sân bay QT Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt chủ trương từ ngày 22/12/2003 theo thông báo số 195/TB-VPCP.

Dự án có tổng mức đầu tư 75 triệu USD do Cụm cảng hàng không miền Trung làm chủ đầu tư với công suất khai thác 4 triệu khách/năm, chia làm 2 giai đoạn từ năm 2004-2007 và 2007-2010. Song do hạn chế trong quản lý và triển khai dự án, gần 2 năm sau, dự án vẫn nằm trên giấy.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ngày 18/12/2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Văn bản 2063/TTg- CN chấp thuận việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi “Dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng”, nâng tổng mức đầu tư của dự án nhóm B này lên trên 84,1 triệu USD, trên diện tích xây dựng nhà ga là 14.400m2, thi công đến hết quý 1/2010.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo và lắng nghe ý kiến các bên liên quan tại cuộc họp

“Nỗi nhục quốc thể!”

Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Bá Thanh hết sức bức xúc trước tình trạng thì công ì ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này đến năm khác trong khi hành khách trong nước lẫn quốc tế phải đứng giữa mưa, giữa nắng vì nhà ga cũ đã quá tải. Ông nói thẳng nếu đây là công trình của TP Đà Nẵng thì BQL dự án đã bị cách chức lâu rồi. Và ông gọi đây là “nỗi nhục quốc thể

Tuy nhiên, đến tháng 12/2007, tức sau 4 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương, dự án mới chính thức khởi công tại khu vực phía Nam Nhà ga sân bay QT Đà Nẵng cũ với tổng mức đầu tư hơn 1.345 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn do Tổng Công ty Cảng HK miền Trung vay. Và theo kế hoạch, dự án sẽ phải đưa vào khai thác từ quý I/2010 với công suất phục vụ 3 triệu lượt khách/năm đối với năm 2011 và 6-8 triệu hành khách/năm đối với giai đoạn từ 2015, nhưng việc thi công chậm trễ mang tính dây chuyền khiến dự án bị “delay” hơn một năm so với dự kiến.

Như chuyện đặng đừng không thể chậm trễ hơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA), nhà thầu phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt để cuối năm 2011, đưa dự án vào khai thác; Chậm nhất ngày 20/9, tất cả các nhà thầu chính, thầu phụ phải lập lại được bản tiến độ chi tiết, tiến độ tổng thể, chốt được thời gian hoàn thành từng nội dung công việc… Và cho đến chiều ngày 4/10, sự việc mới vỡ lẽ sau ý kiến của đơn vị tư vấn giám sát.

Theo ông John Richrd Malig, đại diện đơn vị tư vấn giám sát dự án, trong suốt thời gian qua, các nhà thầu không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn lao động trên công trường như đồng phục, trang bị bảo hộ…; Mặc dù dự án đã được triển khai hơn 3 năm nay, nhưng phương án, kế hoạch phòng chống cháy nổ trên công trường không có. Nếu có sự cố thì phải làm lại toàn bộ dự án ngay từ đầu. Mặc dù nhà thầu báo cáo hoàn thành 97%, nhưng thực tế, khối lượng trên chưa hoàn thiện, còn rất nhiều khuyết tật cần sửa chữa. Ngoài ra, nhà thầu không có hồ sơ kế hoạch vận hành thử, khớp nối các hạng mục trình lên tư vấn giám sát để kiểm tra về công tác này…

Phải mất 7 năm từ khi được phê duyệt, Dự án Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng mới hình thành được như ngày hôm nay.

Giải trình cho sự chậm trễ, các nhà thầu đồng loạt đưa ra lý do do tiến độ thanh toán của dự án quá chậm, yêu cầu lý lịch hồ sơ thiết bị quá nhiều, thay đổi phát sinh liên tục…Và phải thi công và hoàn tất hồ sơ theo tiêu chuẩn của tư vấn Hoa Kỳ khiến nhà thầu bị động và dẫn đến sự chậm trễ như thời gian vừa qua (?!).

Không đồng quan điểm với các nhà thầu, ông John Richrd Malig nói: “Mặc dù tư vấn giám sát đã yêu cầu, nhưng những hành động để khắc phục tình trạng chậm tiến độ trong suốt thời gian của các nhà thầu vừa qua gần như không có. Đơn cử là việc có mặt thường xuyên của người đứng danh ký thầu và chịu trách nhiệm cao nhất đối với dự án đều không có mặt trong các cuộc họp quan trọng nhằm giải quyết tình trạng chậm trễ đã cho thấy nhà thầu thiếu nỗ lực khắc phục tình trạng”.

Bức xúc trước thái độ làm việc của các nhà thầu trong thời gian qua tại dự án, Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thắng nhấn mạnh: “Sự chậm trễ là nỗi nhục, việc đưa dự án vào sử dụng là danh dự của ngành, là uy tín của nhà thầu Việt Nam. Và chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa”.

Lấy lại danh dự của ngành

Trước thực trạng công tác điều hành và thi công dự án trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tuyên bố trong buổi làm việc với các bên liên quan chiều 4/10: “Chúng ta phải lấy lại danh dự của ngành, uy tín của nhà thầu Việt Nam. Từ nay đến 31/12/2011, Dự án nhà ga phải đưa vào hoạt động. Không có bất cứ lý do chậm trễ nào nữa”.

Để đẩy nhanh công việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng điều động và bổ nhiệm ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam thay ông Đặng Hồng Cương (Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng) làm tổng chỉ huy, toàn quyền quyết định và điều hành dự án từ ngày 5/10.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sự chậm trễ của Dự án Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng là "nỗi nhục" và cần lấy lại danh dự của ngành.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các nhà thầu Contrexim, ICIC phải tăng cường nhân lực, vật lực đảm bảo yêu cầu dự án, tăng giờ làm 2 ca, thậm chí 3 ca nếu cần theo yêu cầu của ông Bình và thực hiện các khuyến cáo của tư vấn giám sát đưa ra trong công tác phòng chống cháy nổ, an toàn lao động tại công trình. Thực hiện chế độ họp giao ban thường xuyên nhằm rà soát tình hình tiến độ dự án, đồng thời báo cáo hàng tuần tình hình công việc lên Bộ trưởng.

“Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện tốt nhất về tài chính, thủ tục thanh toán; bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để các nhà thầu thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tôi cho các anh trong vòng 1 tuần phải tập trung đầy đủ nhân lực, vật lực, cán bộ điều hành để đẩy nhanh dự án về đúng thời hạn. Đơn vị nào không đáp ứng được tôi sẽ thay. Tôi nói là làm”, ông Đinh La Thăng nói.

Các nhà thầu phải biết lớn lên

Xung quanh bộc bạch của nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng công nghiệp (ICIC) về những khó khăn trong việc thi công dự án Nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Th.S-KS Hồ Xuân Mai, nguyên Chuyên viên dự án của một Tổng Cty xây dựng cho biết: Với lý do là nhà thầu thi công là doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại thực hiện hạng mục theo tiêu chuẩn giám sát của tư vấn Hoa Kỳ đã dẫn đến sự chậm trễ mà ICIC đưa ra để giải trình trước Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng hôm 4/10 là khó có thể chấp nhận được.


Các nhà thầu Việt Nam phải biết “lớn lên”, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn thi công ngoại chứ không thể “vin” vào yêu cầu khác nhau hay sự khắc khe của tiêu chuẩn nước ngoài rồi đổ lỗi cho sự chậm trễ của mình. Ngay từ khâu đấu thầu, các thông tin về quy mô, tiêu chuẩn của dự án, thông tin về các nhà thầu tư vấn giám sát đều được công khai rất rõ ràng nên xét thấy năng lực không thể đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra thì không nên nhận thầu, để rồi chậm trễ như vậy. Với những gì các nhà thầu đã thực hiện trong thời gian qua đã thể hiện sự yếu kém trong công tác điều hành, tổ chức thi công cũng như năng lực tài chính đối với dự án này.

“Đã đến lúc cơ quan quản lý cần xem lại năng lực nhà thầu trên phương diện đặc điểm, tính chất của dự án, đặc biệt là đối với dự án quốc gia. Không nên “cào bằng” năng lực kinh nghiệm với quy mô tài chính của dự án mà nhà thầu đã kinh qua. Sự chậm trễ đối với dự án Nhà ga sân bay QT Đà Nẵng là một bài học không chỉ cho nhà thầu mà còn cho cả chủ đầu tư và Bộ GTVT trong hoạt động quản lý dự án, quản lý đấu thầu của các cơ quan liên quan”, ông Hồ Xuân Mai cho biết thêm.
 



Bảo Lam

Bình luận
vtcnews.vn