Ô tô đi vào trung tâm TPHCM phải nộp 50 nghìn

Thời sựChủ Nhật, 18/09/2011 12:12:00 +07:00

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP thí điểm dự án thu phí ôtô tự động nhằm giảm tình trạng kẹt xe tại khu vực Q3.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP thí điểm dự án thu phí ôtô tự động tại khu trung tâm TP (Q.1, Q.3) nhằm giảm tình trạng kẹt xe tại khu vực này.


Nguồn: ITD -  Đồ họa: Như Khanh

Theo đề xuất, nếu dự án được UBND TP thông qua thì sẽ triển khai trong vòng sáu tháng và đưa vào hoạt động năm 2012.

Lập 35 điểm thu phí


Danh sách 35 cổng thu phí ôtô (dự kiến) vào khu vực trung tâm TP

1- Cầu Điện Biên Phủ. 2- cầu Bùi Hữu Nghĩa. 3-cầu Bông (Đinh Tiên Hoàng). 4- cầu Hoàng Hoa Thám. 5- cầu Trần Khắc Chân. 6- cầu Kiệu (Hai Bà Trưng). 7-cầu Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). 8- cầu Lê Văn Sỹ. 9- đường Bà Huyện Thanh Quan. 10- đường Nguyễn Phúc Nguyên. 11- đường Cách Mạng Tháng Tám. 12- đường Cao Thắng. 13- đường Lê Hồng Phong. 14- đường Ba Tháng Hai. 15- đường Lý Thái Tổ. 16- đường Ngô Gia Tự. 17- đường Lê Hồng Phong. 18- đường Hồ Thị Kỷ. 19- đường Trần Phú. 20- đường An Dương Vương. 21- đường Nguyễn Trãi. 22- đường Phan Văn Trị. 23- đường Trần Hưng Đạo. 24- cầu Nguyễn Văn Cừ. 25- đường Nguyễn Cảnh Chân. 26- đường Trần Đình Xu. 27- đường Hồ Hảo Hớn. 28- cầu Ông Lãnh (Nguyễn Thái Học). 29- đường Yersin. 30- đường Ký Con. 31- cầu Calmette. 32- cầu Calmette rẽ phải. 33- cầu Khánh Hội. 34- cầu Nguyễn Hữu Cảnh. 35- cầu Thị Nghè.

Theo Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD - đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án), mục tiêu dự án là giảm tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển giao thông công cộng và cải thiện an toàn giao thông khu vực trung tâm TP.

Hiện có 110.000-150.000 lượt ôtô vào khu vực trung tâm mỗi ngày khiến giao thông ùn tắc, nhất là vào những giờ cao điểm. Để hạn chế xe vào trung tâm, ITD đề xuất thành lập tuyến hành lang gồm các tuyến đường: Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám), Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và đường Tôn Đức Thắng.

Tại các tuyến hành lang trên sẽ lắp đặt 35 điểm thu phí và thiết bị chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. So với phương án đề xuất trước đây là thu phí hai vòng (vòng 1 gồm tất cả xe lưu thông ở các quận nội thành, mức phí đóng nhẹ hơn và vòng 2 là Q.1, Q.3 với mức phí nặng hơn), đề xuất lần này chỉ chọn một vòng là Q.1, Q.3 do chi phí đầu tư thiết bị thấp hơn.

Theo ITD, cả ôtô và xe gắn máy đều gây ra kẹt xe nhưng lượng ôtô tại TP đang tăng nhanh và đây là loại xe có hiệu suất sử dụng kém hơn xe gắn máy. Mặt khác, do đường phố tại TP.HCM nhỏ, nên giải quyết ôtô sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan khác.

ITD đánh giá: nếu áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu vực trung tâm TP sẽ giảm khoảng 40% so với hiện nay. Trong khi đó ở các nước, chỉ cần giảm được 20% lượng ôtô vào khu trung tâm đã được xem là thành công. Bởi khi thu phí ôtô vào trung tâm thì có nhiều khả năng xảy ra: chủ các phương tiện xe sẽ cân nhắc khi vào khu vực, thay đổi hướng đi khác hoặc chuyển sang đi xe công cộng, do đó đường sẽ thông thoáng hơn...

Theo đề xuất, tổng vốn đầu tư cho dự án gần 1.200 tỉ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị hơn 1.000 tỉ đồng. ITD đề xuất đầu tư theo phương thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành). Tuy nhiên, các sở ngành liên quan đề xuất làm theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) do hình thức BTO còn mới đối với TP.

Với ôtô con (xe 4-7 chỗ), mức phí mỗi xe là 30.000 đồng và ôtô khác là 50.000 đồng/chiếc. Thời gian thu phí từ 6g-20g mỗi ngày, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật. Với mức thu như trên, theo ITD, có thể trong vòng hai năm sẽ hoàn vốn. Chủ đầu tư cho rằng với cách làm như trên Nhà nước không bỏ vốn, ngược lại có thêm nguồn thu để đầu tư cho các dự án giao thông, đẩy mạnh việc phát triển hệ thống công cộng.

Còn những băn khoăn

Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề đặt ra xung quanh đề án thu phí ôtô trên. Chẳng hạn việc giới hạn các tuyến đường vào khu trung tâm sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường xung quanh do ôtô “né” khu trung tâm. Bên cạnh đó việc hạn chế ôtô sẽ khiến lượng xe gắn máy vào khu trung tâm tăng lên. Một khả năng khác là hiện nay các cao ốc ở khu trung tâm mọc lên ngày càng nhiều và với mức phí 30.000 đồng, 50.000 đồng/lần vào khu trung tâm, các chủ xe sẵn sàng trả phí thì khả năng ôtô vào trung tâm sẽ không giảm...

Trao đổi với PV chiều 17-9, ông Lâm Thiếu Quân, tổng giám đốc ITD, cho rằng những khả năng phát sinh trên cũng đã được công ty tính đến trong quá trình nghiên cứu đề án. Ông Quân nói khi thu phí xe vào khu trung tâm, các tuyến đường xung quanh như Lương Định Của (Q.2), Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng (Bình Thạnh), quốc lộ 13 (Thủ Đức)... lưu lượng xe sẽ tăng lên đáng kể, có nguy cơ kẹt xe cao. Vì vậy hệ thống thu phí chỉ được đưa vào hoạt động khi một số tuyến đường đang xây dựng như đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài... được thông xe toàn tuyến để giảm áp lực kẹt xe cho các khu vực trên.

Ngoài ra, khi hệ thống thu phí đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi dòng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường. Vì vậy, đề án thu phí đề xuất tổ chức lưu thông một chiều thêm nhiều tuyến đường trong khu vực trung tâm TP, giúp tăng tốc độ lưu thông và an toàn tại những tuyến đường này.

Theo dự báo của ITD, khi ôtô giảm thì xe gắn máy vào trung tâm tăng khoảng 10%, khách đi xe buýt tăng khoảng 18%. Ông Quân cho rằng theo ước tính, lợi ích mang lại cho toàn TP từ việc hạn chế ôtô vào khu trung tâm tương đương 16 tỉ đồng/ngày. Theo đó người đi xe gắn máy, ôtô (nộp phí) sẽ chạy nhanh hơn, giảm thiệt hại do ùn tắc giao thông...

Đánh giá đây là một dự án quan trọng có thể nhận được nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận, Sở GTVT kiến nghị UBND TP cần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của HĐND TP và các tổ chức chính trị - xã hội trước khi đưa vào thực hiện.


Miễn phí cho xe buýt, xe công

Theo phương án thu phí do ITD đề xuất, xe buýt, xe công sẽ được miễn phí. Riêng taxi thì hành khách đi xe phải đóng phí trên khi vào khu trung tâm. Tuy nhiên hiện còn có ý kiến khác nhau về việc có thu phí xe công hay không. Một số đơn vị cho rằng nên thu phí xe công để tránh các hành vi lạm dụng xe công vào mục đích riêng, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Nhưng có một số ý kiến cho rằng nếu thu phí xe công cũng là tiền của Nhà nước và sau đó nộp lại cho Nhà nước.

- Về cách thức thu phí, các xe đi vào vùng thu phí sẽ phải gắn thiết bị OBU (đầu đọc trên xe), khi qua 35 điểm thu phí hệ thống sẽ tự nhận diện và trừ vào tài khoản ngân hàng của chủ xe. Giá một thiết bị OBU trên thị trường hiện nay khoảng 800.000 đồng. Chủ phương tiện có thể bỏ tiền lắp đặt OBU hoặc thuê dài hạn thiết bị của đơn vị cho thuê. Với các xe ngoại tỉnh vào TP cũng có thể thuê ngắn hạn thiết bị này.

- Đối với những người thường trú trong khu vực trung tâm TP có ôtô vẫn phải nộp phí. Theo ông Lâm Thiếu Quân, đơn vị tư vấn quốc tế khuyến cáo nên giảm đến mức tối đa các đối tượng ưu tiên không phải đóng phí vì càng nhiều đối tượng ưu tiên sẽ dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện. Việc này cũng tạo công bằng đối với những người từ ngoài vào trung tâm TP phải đóng phí.



_______________________

Ý kiến chuyên gia

Mức phí 30.000-50.000 đồng/lượt xe là chấp nhận được

Ông Khuất Việt Hùng, trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Trường đại học Giao thông vận tải, cho biết qua các nghiên cứu cho thấy ôtô là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe ở nhiều khu vực. Giới hạn trung tâm TP gồm Q.1, Q.3 để thu phí là phạm vi hẹp so với toàn diện tích của TP, hoàn toàn có thể khả thi. Về công nghệ thu phí theo đề xuất thì có thể làm được vì một số nước đã áp dụng mô hình này nhiều năm nay. Nếu kiểm soát được trên 95% lượng ôtô vào khu trung tâm là thành công, trường hợp kiểm soát dưới tỉ lệ trên xem như công nghệ đó thất bại.

Khảo sát cho thấy nhiều người đi ôtô sẵn sàng chi trả 8 USD/giờ để tiết kiệm được thời gian và làm nhiều việc khác. Do vậy mức phí 30.000-50.000 đồng/lượt, người đi ôtô có thể chấp nhận được.

Phải cân nhắc kỹ

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc thu phí ôtô vào khu trung tâm là do ITD nghiên cứu theo mô hình của Singapore. Tuy nhiên điều kiện về hạ tầng cũng như ý thức người tham gia giao thông ở Singapore khác với VN, do vậy không thể áp dụng ngay. Trước mắt có thể thí điểm áp dụng không thu phí, nếu thấy khả thi mới triển khai rộng rãi. Mặt khác, phương thức đầu tư, thu phí ra sao cần “giải” ra hết để tính toán, làm sao không quá lợi cho nhà đầu tư và thiệt cho người dân. Còn nếu thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông mà chỉ giảm 30-40% lượng xe vào khu trung tâm là “nửa vời”, chưa khả thi.

Cần quyết liệt nâng cao giao thông công cộng

Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết khu vực Q.1, Q.3 là “đầu não” của TP, nơi tập trung các cơ quan hành chính, doanh nghiệp, trung tâm thương mại lớn. Người sử dụng ôtô vào khu vực này chủ yếu để làm việc. Ngoài lý do có điều kiện về kinh tế, những người sử dụng ôtô riêng còn xuất phát từ nhu cầu làm ăn, tiếp khách. Nếu phải gửi ôtô ở ngoại ô, họ sẽ di chuyển vào trung tâm TP bằng gì? Trong khi chất lượng xe buýt thấp, các tuyến metro (đường sắt đô thị) chưa đưa vào sử dụng...thì rất khó buộc những người này chuyển sang giao thông công cộng. Phương án thu phí ôtô để hạn chế xe cá nhân không sai, nhưng nếu thu phí thì cần quyết liệt nâng cao chất lượng giao thông công cộng.

Khó cho taxi

Theo ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Vinasun Corp, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, khi thu phí 30.000 đồng/lượt xe sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động taxi. Mặt khác để tránh các cổng thu phí, taxi sẽ chỉ hoạt động trong khu vực trung tâm, nếu có khách muốn đi ra ngoài ngoại thành cũng sẽ từ chối. Nếu taxi chỉ cát cứ trong khu vực trung tâm thì mục đích giảm kẹt xe sẽ không thực hiện được, mà taxi không thoát ra ngoài còn có thể dẫn tới kẹt xe hơn. Có tới 80% lượng khách ở các cao ốc và khách du lịch sử dụng taxi để đi lại, vì vậy cần tính toán hợp lý về đối tượng và phương án thu phí, tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và cả TP.

Theo báo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn