Viện phí sắp tăng từ 2 đến 7 lần

Thời sựThứ Năm, 15/09/2011 06:19:00 +07:00

(VTC News) – Bộ Y tế cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất điều chỉnh giá 350 dịch vụ y tế, bao gồm phí khám chữa bệnh, giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật…

(VTC News) – Bộ Y tế cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất điều chỉnh giá 350 dịch vụ y tế, bao gồm phí khám chữa bệnh, giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật…

Tăng từ 2 đến 7 lần


Bộ Y tế cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất điều chỉnh giá 350 dịch vụ y tế, bao gồm phí khám chữa bệnh, giường bệnh, các dịch vụ kỹ thuật… Trong đó có 220 dịch vụ tăng giá 2 – 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ tăng 7 – 10 lần.

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì viện phí thấp dẫn đến trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh đi nơi khác, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ bảo hiểm.

Theo Bộ Y tế, mức viện phí áp dụng mức giá dịch vụ y tế cũ từ năm 1995 đã lạc hậu.

Dự kiến việc tăng giá viện phí sẽ được thực hiện theo lộ trình. Trong giai đoạn 2011-2012, khi chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định, sẽ điều chỉnh giá của khoảng 350 dịch vụ y tế trong số khoảng 3.000 dịch vụ (là các chi phí liên quan trực tiếp đến khám, chữa). Từ năm 2013 trở đi, khi Nghị định đã được phê duyệt thì sẽ chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói, thanh toán theo định suất với người có thẻ bảo hiểm y tế.

Viện phí sẽ tăng từ 2 đến 7 lần. Ảnh: DV

Theo đề xuất của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh sẽ tăng từ 6.000 đồng đến 25.000 đồng mỗi lần (thay cho mức giá cũ là 500 đồng đến 3.000 đồng), tùy theo từng hạng bệnh viện. Đối với các phẫu thuật, thủ thuật sẽ điều chỉnh khung giá theo từng loại cụ thể. Ví dụ, đối với thủ thuật cắt amidan trước đây có chi phí là 20.000 đên 40.000 đồng mỗi ca nay điều chỉnh tăng lên là 600.000-700.000 đồng mỗi ca.

Vì viện phí tăng nên dự kiến mức đóng bảo hiểm y tế cũng tăng theo.

Tăng viện phí có lợi cho người nghèo?

Trao đổi với VTC News, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền phân tích:

Tháng 10/2009, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm Y tế, là một bước đi tiến bộ, trong đó quy định Chính phủ cấp tiền mua Bảo hiểm Y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách…và hỗ trợ một phần chi phí cho những hộ cận nghèo.

Hiện nay nhiều địa phương có “Quỹ 139”, là quỹ hỗ trợ viện phí cho những người nghèo.

Khi điều chỉnh tăng các dịch vụ y tế, người nghèo lại chi ít tiền hơn. Vì khi đó Bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả nhiều hơn cho người nghèo (người nghèo được Nhà nước mua Bảo hiểm Y tế cho).

Ví dụ, dịch vụ chụp CT hiện nay giá 1 triệu, giá Nhà nước là 7 trăm nghìn. Nên nếu người nghèo tham gia dịch vụ này sẽ được Bảo hiểm Y tế trả 7 trăm nghìn và họ phải đóng 3 trăm nghìn. Nhưng nếu nâng giá dịch vụ y tế lên 9 trăm nghìn thì Bảo hiểm phải trả 9 trăm và người nghèo chỉ còn phải chi 1 trăm nghìn.

Hơn nữa, nếu điều chỉnh giá viện phí thì chữa trị bệnh viện tuyến dưới sẽ rẻ hơn tuyến trên, vì tuyến dưới được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn, nên sẽ giảm tải các bệnh viện tuyến trên.

Khi điều chỉnh viện phí phải đảm bảo kết cấu giá hợp lý, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan, địa phương. Cách tăng phải khoa học, tránh lạm dụng. Nhiều dịch vụ thậm chí giảm giá chứ không tăng.

Hoàng Lan

Bình luận
vtcnews.vn