Chùm ảnh: Trung thu Tuyên Quang độc nhất vô nhị

Thời sựChủ Nhật, 11/09/2011 06:22:00 +07:00

(VTC News)- Những năm gần đây, nhiều người vẫn truyền tai nhau những điều kỳ lạ và hấp dẫn về 'lễ hội' Trung thu tại Tuyên Quang.

(VTC News) - Những năm gần đây, nhiều người vẫn truyền tai nhau những điều kỳ lạ và hấp dẫn về 'lễ hội' Trung thu tại Tuyên Quang.

Bất cứ ai về thăm thành phố nhỏ miền sơn cước này trong dịp lễ Trung thu đều khẳng định, chưa có một tỉnh hay thành phố lớn nào trong cả nước tổ chức trung thu như một lễ hội lớn ngang tầm quốc gia như nơi đây.

Người ta không chỉ không chỉ cảm nhận được trung thu với bánh kẹo, mâm quả trông trăng, đồ chơi... mà còn được hòa mình vào những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gia tộc độc đáo. Chính vì vậy mà hàng năm có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước háo hức về dự lễ hội tuyệt vời này.

Canaval đường phố Việt Nam

Mặc dù chưa đến ngày lễ chính thức, nhưng đi đâu cũng thấy người dân thành phố nô nức chuẩn bị  biểu tượng mô hình một cách quy mô, hoành tráng, to lớn như thật. Đêm đến, khắp các phố phường, người dân đã bắt đầu tưng bừng rước hội. 

 Trung Thu ở Tuyên Quang như một lễ hội Canaval đường phố hoành tráng với sự quan tâm của hàng vạn người dân và du khách

 Những mô hình khổng lồ bừng sáng trong đêm hội Trung thu

 

 Năm nay, mọi công việc chuẩn bị đang được hoàn tất để Trung thu về các em nhỏ lại có một sân chơi ý nghĩa

Vào ngày lễ chính thức, đoàn rước bao gồm đội múa lân đi trước mở đường, tiếp đến là xe mô hình theo sau với tiếng trống, tiếng nhạc rập rình. Hàng ngàn người dân đổ ra đường hò reo, cổ vũ.

Điều lạ kỳ, đoàn xe diễu hành lại do chính sức người đẩy hàng chục cháu dạo quanh phố phường từ chập tối cho đến... khuya mới thôi. Mồ môi đầm đìa nhưng nụ cười luôn thường trực trên đôi môi các bậc cha mẹ, người thân. Với họ, trung thu trở thành lễ hội đường phố, đường làng, là nơi bất cứ ai cũng có thể tìm về với những kỷ niệm xưa thổi hồn mình vào cho sống lại giữa hôm nay.

Thành phố có đến hơn 200 tổ dân phố thì tổ nào cũng chuẩn bị mô hình riêng hoành tráng và đặc sắc. Mỗi mô hình dài như đoàn tàu nhỏ với đủ các chủ đề, sắc màu thay nhau diễu trên đường phố.

Điều đặc biệt là các mô hình này được chính tay các em nhỏ cho đến các cụ già cần mẫn, tỷ mỉ làm. Mỗi mô hình phỏng theo các chủ đề khác nhau. Trung thu năm 2010, bất cứ ai chứng kiến đêm hội đường phố tại đây đều choáng ngợp trước hàng trăm mô hình sắc màu đầy ý nghĩa và cực “khổng lồ”.


 Những mô hình kỳ công của các tổ dân phố đã sẵn sàng để rực sáng đêm Trung thu năm nay 

Những mô hình này không chỉ gắn với quê hương cách mạng Tuyên Quang như: Thành Nhà Mạc, Lán Nà Lừa, Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào... mà mà còn mở rộng mô phỏng theo ý tưởng hướng về cuội nguồn chung của cả nước như mô hình “Âm vang ngày hội non sông”; “1000 năm hào khí đất Thăng Long”, “Hành trình theo chân Bác”, “Thuyền rồng đất Việt” “Thủ đô ngàn năm văn hiến”...

Hấp dẫn hơn nữa, nhiều mô hình được dựng lên từ những nhân vật trong truyện cổ tích, lịch sử như Thánh Gióng, thần Kim Quy ngậm thanh gươm, thầy trò đường tăng đi lấy kinh… Dưới ánh đèn lung linh, các mô  hình trở nên huyền ảo, người xem như lạc vào thế giới cổ tích trong đêm hội trăng rằm.

Trung thu năm nay, chỉ dạo quanh một con phố nhỏ của Tuyên Quang, ta có thể bắt gặp một đám cưới chuột hoành tráng, một tượng đài sen đẹp mê hồn, một sự tích cá chép tỷ mỉ công phu, hay một chú vịt Đônan ngộ nghĩnh đáng yêu mà những nghệ nhân không chuyên đang gấp rút hoàn thành.

Có những mô hình cao bằng tòa nhà 2 tầng cũng sẵn sàng cho đêm hội

Ông Trần Huy Trác, 60 tuổi (Tổ 7, phường Tân Quang) cho biết: “Dù đây là cuộc thi do thành phố phát động các tổ dân phố, nhưng chúng tôi làm không phải vì phần thưởng mà muốn tặng các cháu thiếu nhi một món quà tinh thần độc đáo. Cuộc sống chúng tôi vẫn lam lũ, nhưng với cách làm này, tôi tin chắc, mỗi Trung thu sẽ  là mỗi kỷ niệm khó phai trong lòng trẻ thơ. Để bất cứ đi đâu, ở phương trời nào, các cháu sẽ không thể quên nhưng đêm hội trung thu tuyệt vời tại quê nhà. Đấy là điều tốt đẹp nhất cho trẻ rồi…”

Giá trị truyền thống

Đi chơi Trung thu là thêm một lần các em nhỏ được học về truyền thống dân tộc với cách truyền đạt nhẹ nhàng và thấm thía 

Đứng trước mô hình Thánh Gióng khổng lồ, một em bé nhỏ 3 tuổi bẽn lẽn hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Đây là ai vậy ạ?”. Người mẹ trẻ tham gia làm biểu tượng đã giúp con chị hiểu thêm một nhân vật lịch sử mà cháu chưa biết. Theo chị, đây chính là cách dạy hữu hiệu cho các cháu những bài học truyền thống quý báu của dân tộc. Không chỉ có riêng chị, hầu như, trong khi làm và lúc diễu hành, các ông bố bà mẹ đều nói cho con cái biết và hiểu nhân vật anh hùng đó là ai, có công đánh giặc giúp nước, yên dân như thế nào…

Đặc biệt, khi diễu hành trên đường còn có cả băng cassette thuyết minh giới thiệu về anh hùng đó. Họ cho rằng, các cháu thiếu nhi vừa được nghe, vừa được trực tiếp ngắm nghía, chắc chắn sẽ thấm thía hơn bất cứ bài học lịch sử nào các cháu đã học.

Hà Hải

Bình luận
vtcnews.vn